Nguy cơ nhiễm bệnh từ các bể bơi công cộng

Thời tiết mùa hè nóng bức, nhiều người tìm đến bể bơi công cộng vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để "giải nhiệt". Tuy nhiên, nước tại các bể bơi nếu không được xử lý hợp vệ sinh thì sẽ trở thành nơi tập trung nhiều vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm có hại cho sức khỏe con người.

Bể bơi càng đông người càng khiến nước trở nên ô nhiễm nặng, trở thành nơi tập trung vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm có hại cho sức khỏe con người

Bể bơi càng đông người càng khiến nước trở nên ô nhiễm nặng, trở thành nơi tập trung vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm có hại cho sức khỏe con người

Sau 1 tuần đi bơi ở bể bơi công cộng gần nhà, anh Đỗ Đức Phúc, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường thấy có biểu hiện đau mắt, nước mắt chảy nhiều, mắt bị cộm, sưng, đỏ, có nhiều ghèn; anh đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Theo bác sĩ, rất có thể anh Phúc bị nhiễm bệnh từ môi trường nước bể bơi.

Hiện đang là đợt cao điểm nắng nóng của mùa hè, nhiều người tìm đến các bể bơi công cộng để "giải nhiệt". Bể bơi quá đông, nước trong bể không được xử lý theo đúng quy trình sẽ nhiễm khuẩn và dễ gây bệnh cho mọi người. Trong khi bơi, anh Phúc không đeo kính khiến vi khuẩn gây bệnh tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc gây ra bệnh đau mắt đỏ.

Ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022, chị Đặng Thị Thu Hằng ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đăng ký cho con gái tham gia lớp học bơi ở một bể bơi công cộng gần nhà. Chỉ sau vài ngày học bơi, con gái chị Hằng có biểu hiện toàn thân ngứa, rát, da nổi mẩn đỏ, mụn nước.

Chị đưa con đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm da nặng. Nguyên nhân được xác định là do cháu tiếp xúc với nước bể bơi không hợp vệ sinh, trong nước có chứa các hóa chất để khử trùng, làm xanh nước bể bơi.

Chị Hằng cho biết: "Tôi muốn tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hè cho con đi học bơi để rèn luyện sức khỏe, phòng ngừa đuối nước. Song, việc cháu bị nhiễm bệnh khi đi bơi khiến tôi rất lo lắng. Hiện tôi đang cân nhắc về việc có nên tiếp tục cho con đi học bơi nữa hay không, nếu có, chắc tôi phải tìm một bể bơi sạch hơn để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cho con".

Bác sĩ Đinh Văn Sơn, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Khi đi bơi ở các bể bơi công cộng, nguồn nước bể bơi không hợp vệ sinh có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nhiều người mang theo mầm bệnh, thông qua môi trường nước bể bơi làm lây bệnh sang người khác. Bể bơi càng đông người càng khiến nước trở nên ô nhiễm.

Trong khi đó, việc bể bơi không được thay nước thường xuyên, lạm dụng hóa chất sát khuẩn cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây bệnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.

Trong nước bể bơi có các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây nhiễm khuẩn đường ruột sinh sống, nếu người bơi uống phải nước bẩn dễ mắc bệnh tiêu chảy. Nếu không đeo kính bơi, người bơi có thể mắc bệnh viêm kết mạc do vi rút Adeno có trong nước bể bơi gây ra.

Chất Clo và các hóa chất khử trùng khác được sử dụng trong các hồ bơi với nồng độ không phù hợp có thể là “thủ phạm” khiến người bơi bị kích ứng và đỏ mắt, viêm da…

Ngoài ra, người bơi có thể mắc các bệnh lý nguy hiểm khác khi đi bơi ở các bể bơi công cộng có nguồn nước không hợp vệ sinh như viêm gan A, viêm họng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm tai, bệnh lậu, ghẻ, lang ben…".

Theo bác sĩ Đinh Văn Sơn, để ngăn ngừa lây lan các mầm bệnh tại bể bơi, mọi người không nên đi bơi khi trên người đang có vết thương hở hoặc đang mắc bệnh; trang bị đầy đủ kính bơi, mũ chụp đầu để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn vào mắt, tai, mũi, họng, da đầu; không ngâm mình dưới hồ bơi quá lâu; nên tắm rửa sạch sẽ trước và sau khi bơi, súc miệng, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý; nên lựa chọn hồ bơi có ít người bơi, nguồn nước sạch, trong xanh, không có vật thể lạ, mùi khó chịu.

Khi thấy cơ thể có các triệu chứng nhiễm bệnh, cần dừng ngay việc đi bơi và đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/79152/nguy-co-nhiem-benh-tu-cac-be-boi-cong-cong.html