Nguy cơ ô nhiễm, thu hẹp nguồn nước mặt

Tại một số địa phương, chất thải, túi nilon, chai nhựa, nước thải sau sản xuất chế biến nông sản, thậm chí là xác chết động vật đều được trút xuống sông, suối. Cùng với đó là tình trạng vi phạm, xâm lấn nguồn nước mặt khiến nhiều hồ chứa, con suối đang bị ô nhiễm và thu hẹp dần.

Con suối 1 chảy qua địa phận thôn 3, xã Tân Long (Yên Sơn) đã trở thành bãi rác của một số hộ dân thiếu ý thức. Ông Lê Mạnh Biền, Trưởng thôn 3 bức xúc, không chỉ một số hộ dân trong thôn, người ngoài thôn gom rác thải của gia đình cũng mang đến vứt khiến đoạn suối trở thành nơi chứa rác thải. Ông Biền lo ngại từ nay trở đi không có mưa, rác thải bị ứ lại cộng thêm nguồn nước thải từ các cơ sở chế biến sắn, dong riềng suối sẽ bị “bức tử”.

Suối 1 đoạn qua địa phận thôn 3, xã Tân Long (Yên Sơn) đã trở thành bãi rác.

Suối 1 đoạn qua địa phận thôn 3, xã Tân Long (Yên Sơn) đã trở thành bãi rác.

Cũng trên địa bàn Yên Sơn một số con suối tại xã Lực Hành, Chiêu Yên cứ đến mùa chế biến dong riềng, sắn mặt nước lại bị đóng váng, bốc mùi hôi. Mặc dù chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ các cơ sở chế biến xây dựng những bể chứa xử lý nguồn nước thải nhưng hoạt động này chỉ là hình thức.

Tại các hồ chứa thủy lợi, tình trạng vứt rác thải, thậm chí là xác động vật chết, xâm lấn hành lang gây biến dạng lòng hồ. Bà Hoàng Thị Sỹ, Giám đốc Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, Ban đã làm việc với các địa phương thực hiện thu gom, nạo vét, giải tỏa những hành vi vi phạm vào công trình. Tuy nhiên, còn một số hộ vẫn lén lút vứt rác, gây bức xúc cho cộng đồng.

Tổng hợp chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 190.294 điểm xả thải với tổng lượng xả gần 50 triệu m3/năm gồm nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, dịch vụ... Lượng nước xả thải sinh hoạt của các hộ gia đình chiếm khoảng 43,75%, tương đương gần 21 triệu m3/năm; nước thải từ các cơ sở chăn nuôi chiếm khoảng 21,87%, tương đương 10,4 triệu m3/năm; nước thải các cơ sở dịch vụ chiếm khoảng 21,87% tổng lượng xả toàn tỉnh, tương đương 10,4 triệu m3/năm. Hiện chỉ có nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện cơ bản đã được xử lý trước khi xả ra môi trường, còn nước thải từ các cơ sở ngành nghề nông thôn, trang trại chăn nuôi và nước thải sinh hoạt từ các hộ dân gần như xả trực tiếp ra môi trường.

Ông Trần Vũ Hưng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, để quản lý tốt công tác xả thải vào nguồn nước mặt và hạn chế tình trạng xâm lấn ao, hồ... Nhà nước cần có cơ chế thực hiện việc thu tiền để xử lý nước thải gắn liền với thu tiền sử dụng nước hoặc tiến hành ký quỹ để quy trách nhiệm xử lý nước thải theo quy định của pháp luật; xây dựng hệ thống giám sát liên tục, tự động, trực tuyến hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thực hiện Dự án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm quản lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm dòng chảy, sử dụng đất trái phép thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên các sông suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo. Ngành cũng phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra các điểm xả thải nhằm phát hiện và xử lý và ngăn chặn kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nguy-co-o-nhiem-thu-hep-nguon-nuoc-mat-139220.html