Nguy cơ ở nhóm người Canada dưới 40 tuổi, Mali có ca tử vong đầu tiên

Cơ quan Y tế công cộng Canada công bố báo cáo cho biết đáng quan ngại hơn cả là 30% số ca phải nhập viện điều trị là những người dưới 40 tuổi.

Cảnh vắng lặng tại một tuyến phố ở Vancouver, Canada do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cảnh vắng lặng tại một tuyến phố ở Vancouver, Canada do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ quan Y tế công cộng Canada công bố báo cáo cho biết khoảng 1/3 số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này là nhóm người dưới 40 tuổi.

Đáng quan ngại hơn cả là 30% số ca phải nhập viện điều trị là những người dưới 40 tuổi.

Tại Canada, chỉ có những người có biểu hiện bệnh nghiêm trọng mới có chỉ định nhập viện để điều trị.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada, bà Theresa Tam cho biết khoảng 3% các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Tính đến tối 28/3 (giờ địa phương), theo CTV News, tại Canada có khoảng 5.600 ca nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm 61 ca tử vong.

Canada đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho hơn 184.000. Ước tính, cứ 1 triệu dân, có khoảng 4.400 người đã xét nghiệm COVID-19.

Đáng lưu ý là gần 90% số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong tuần trước là lây nhiễm trong cộng đồng.

Tối 28/3 (giờ địa phương), chính quyền tỉnh bang Ontario đã ban hành lệnh khẩn cấp cấm tổ chức các sự kiện công cộng và tụ tập trên 5 người.

Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, nhưng không áp dụng với các hộ gia đình có trên 5 thành viên, hay các trung tâm chăm sóc trẻ hiện đang hoạt động để hỗ trợ các nhân viên y tế ở tuyến đầu của trận chiến với dịch COVID-19.

Mali thông báo ca đầu tiên tử vong

Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Mali thông báo ngày 28/3, nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo bộ trên, người này có tiền sử mắc bệnh tiểu đường và chứng tăng huyết áp.

Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sau khi qua đời tại thủ đô Bamako.

Đây là ca đầu tiên tử vong do COVID-19, theo đó tổng số ca được xác nhận mắc COVID-19 tại nước này tăng lên 19 người.

Trước đó cùng ngày, bộ trên đã thông báo 7 trường hợp bệnh nghi ngờ đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Mali quyết định giữ nguyên kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội.

Ấn Độ đối mặt với nguy cơ thiếu trang thiết bị y tế

Tại Ấn Độ, dư luận bắt đầu dấy lên lo ngại hệ thống y tế yếu kém của nước này cũng như nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy thở nếu tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục tăng.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn truyền thông địa phương ngày 28/3 cho biết, theo các ước tính của Đại học Johns Hopkins, Trung tâm nghiên cứu biến động dịch bệnh, kinh tế và chính sách (CDDEP) và Đại học Princeton, nhu cầu về máy thở ở Ấn Độ dự kiến tăng lên 1 triệu chiếc vào tháng Bảy tới, trong khi số lượng máy sẵn có chỉ từ 30.000-50.000 chiếc.

Hiện Ấn Độ chủ yếu phụ thuộc vào việc nhập khẩu máy thở. Hầu hết các máy thở ở nước này hoặc được nhập khẩu hoặc lắp ráp sử dụng các linh kiện nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo Tiến sỹ Devi Prasad Shetty, Chủ tịch chuỗi bệnh viện Narayana Health của Ấn Độ, điều quan trọng là chính phủ chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước sản xuất máy thở hàng loạt để Ấn Độ không phải lâm vào tình huống như ở Italy nơi nhiều người tử vong do không có thiết bị hỗ trợ điều trị.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất máy thở trên cả nước cho rằng họ không có khả năng đẩy mạnh sản xuất trong một thời gian ngắn như vậy, do các nước cung cấp chính hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế.

Giải pháp khả thi là sản xuất các máy thở cơ bản với thiết kế và linh kiện nội địa./.

Hương Giang-Huy Lê-Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dich-covid19-nguy-co-voi-nhom-nguoi-duoi-40-tuoi-o-canada/631190.vnp