Nguy cơ rối loạn chỉ đạo tuyến trong hệ thống y tế nếu Hà Nội 'quản' bệnh viện trung ương

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập việc chuyển các bệnh viện trung ương Bộ Y tế quản lý về Hà Nội. Nhiều lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành, chuyên khoa bày tỏ quan điểm thống nhất: Bộ Y tế cần tiếp tục quản lý.

Công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào?

Ông Trần Cao Bính - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phân tích: vai trò của Bộ Y tế là quản trị ngành y tế cả nước. Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội hiện nay đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, có cả hạng đặc biệt, là bệnh viện tuyến cuối, có tầm ảnh hưởng quốc tế và quan hệ quốc tế, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

"Chúng tôi không chỉ làm công tác khám chữa bệnh tuyến cuối, mà còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới… Đặc biệt các bệnh viện này giữ vai trò dẫn dắt của ngành y trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới, như Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương chỉ đạo cho các cơ sở y tế trên cả nước chứ không riêng gì Hà Nội. Nếu chuyển về Hà Nội quản lý thì việc phát triển chuyên môn và chỉ đạo tuyến dưới sẽ ra sao?"- ông Bính phân tích.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ (trái) và Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Trần Cao Bính (phải).

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ (trái) và Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Trần Cao Bính (phải).

Đồng quan điểm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nêu thực trạng: sau khi đi khảo sát, tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch COVID-19 ở phía Nam và Tây Nguyên cho thấy, ngay chỉ một chuyên ngành hồi sức tích cực cả vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên gần như 'trắng', do đó nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ông Cơ, trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư, nhưng họ vẫn có 20-30% bệnh viện công do chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội.

"Với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, tôi đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.

Đồng thời các tỉnh cũng băn khoăn nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào? Rồi mối quan hệ giữa bệnh viện các tỉnh với bệnh viện của Hà Nội sẽ thế nào?"- ông Đào Xuân Cơ nói thêm.

Nói riêng về Bệnh viện Bạch Mai, ông Cơ phân tích: "Ngoài các nhiệm vụ khám chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi, ứng dụng và triển khai các kỹ thuật cao, mới tiên tiến của thế giới vào Việt Nam... chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ Bộ Y tế giao về xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật. Với sự đồng hành của các cục/vụ liên quan của Bộ Y tế, chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được hơn 5.000 danh mục. Vậy nếu trực thuộc Hà Nội quản lý, việc này sẽ thực hiện thế nào"?

Giám đốc Bệnh viện E Nguyễn Công Hựu và và Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TW Vũ Nam đều cho biết mỗi bệnh viện đang làm công tác chỉ đạo tuyến cho vài chục bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Do đó nếu thuộc Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác này.

Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày đón 6.000-8.000 bệnh nhân đến thăm khám, điều trị.

Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày đón 6.000-8.000 bệnh nhân đến thăm khám, điều trị.

Tâm tư, nguyện vọng của hơn 1.300 y bác sĩ Bệnh viện E

Giám đốc Đào Xuân Cơ cũng thông tin thêm, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới về việc "Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện", Bệnh viện Bạch Mai đang hướng tới thí điểm mô hình này.

"Dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến trung ương sẽ có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình chuỗi bệnh viện. Vậy chuyển chúng tôi về Hà Nội quản lý thì sẽ thực hiện mô hình này thế nào?"- ông Cơ băn khoăn.

Vai trò của các bệnh viện tuyến cuối, chuyên khoa do Bộ Y tế quản lý trong công tác đào tạo nhân lực y tế cũng được các lãnh đạo bệnh viện trung ương đề cấp đến. Từ nhiều năm nay, tại các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K, Tai mũi họng Trung ương, Bệnh viện E... đều là các cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng như Trường Đại học Y Hà Nội.

Bệnh viện E còn nắm vai trò đầu ngành chỉ đạo tuyến về chuyên khoa ngoại tim mạch.

Bệnh viện E còn nắm vai trò đầu ngành chỉ đạo tuyến về chuyên khoa ngoại tim mạch.

"Hiện Bệnh viện E đang là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội. Vâỵ̣ nếu chuyển về trực thuộc Hà Nội, công tác đào tạo thực hành của các trường này có bị ảnh hưởng?" - Giám đốc Bệnh viện E nói.

Trước đó tại cuộc họp về nội dung này ở Bộ Y tế diễn ra chiều 31/7, Giám đốc Bệnh viện E thông tin, hơn 1.300 cán bộ y bác sĩ của Bệnh viện E khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng đã thống nhất đề nghị Bệnh viện E tiếp tục do Bộ Y tế quản lý.

Thái Bình - ảnh Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-roi-loan-chi-dao-tuyen-trong-he-thong-y-te-neu-ha-noi-quan-benh-vien-trung-uong-169230802155343857.htm