Nguy cơ rửa tiền thông qua tiền mã hóa
Mặc dù đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng nhưng ước tính khối lượng giao dịch thực tế tiền mã hóa của Việt Nam đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới. Bên cạnh chức năng thanh toán, không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền (PCRT) và vai trò của PCRT trong giao dịch tiền mã hóa (TMH)” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức hôm qua (20/9).
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, Luật PCRT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCRT và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật PCRT.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (TMH), nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.
Chia sẻ về ứng dụng của ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch VBA cảnh báo, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Blockchain đang tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.
“Rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện. Vì vậy, PCRT là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm” - đại diện VBA khẳng định.
Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Đoan Hùng, mặc dù TMH đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng nhưng khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận TMH đứng đầu thế giới, tổng giá trị TMH Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 - 10/2022 là 90,8 tỷ USD.
Được biết, từ đầu năm 2023, VBA đã công bố dự án chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer. Dự án có nhiệm vụ cung cấp giải pháp theo dõi dữ liệu blockchain onchain và offchain, phát hiện những dấu hiệu gian lận trong tài sản kỹ thuật số, trở thành cầu nối cho người dùng tài sản truyền thống khi chuyển sang sở hữu tài sản số dựa trên công nghệ blockchain…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguy-co-rua-tien-thong-qua-tien-ma-hoa-post488848.html