Nguy cơ sốt xuất huyết ở TP.HCM khi mùa mưa đến

Trong lần giám sát thực tế gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã phát hiện 2 điểm có nguy cơ phát hiện loăng quăng - yếu tố lây bệnh sốt xuất huyết.

 Ban đỏ nổi khắp mặt một bệnh nhi sốt xuất huyết. Ảnh minh họa: BabyChakra.

Ban đỏ nổi khắp mặt một bệnh nhi sốt xuất huyết. Ảnh minh họa: BabyChakra.

Từ ngày 19/5 đến 26/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã giám sát thực tế ở 12 điểm nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết tại phường 2 (quận 5), phường 4 (quận 11), phường 2 (quận Tân Bình) và xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn). Kết quả cho thấy có 2/12 (17%) điểm nguy cơ có phát hiện lăng quăng.

Hai điểm này là nhà thờ Tân Sa Châu (số 378, đường Lê Văn Sỹ, Phường 2, Quận Tân Bình) và trường Mầm non Sơn Ca 3 (số 35, đường Nhị Bình 9, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn).

Cả 2 đều có điểm chung là trưng bày các chậu cảnh điểm phát sinh lăng quăng, tạo môi trường sống cho loài vật này sinh sôi.

Các vật dụng chứa lăng quăng thu thập tại nhà thờ Tân Sa Châu và trường Mầm non Sơn Ca 3. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Các vật dụng chứa lăng quăng thu thập tại nhà thờ Tân Sa Châu và trường Mầm non Sơn Ca 3. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Tính HCDC, tính đến ngày 26/5, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến nay là 3.393 ca, không có ca tử vong.

Sở Y tế TP.HCM cho biết những đồ vật ít được chú ý xung quanh nhà như chậu kiểng, lọ hoa, bát nước hứng từ điều hòa hay thậm chí là các vật dụng chứa nước ngoài trời đều có thể trở thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, đây là thời điểm mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết lại gia tăng.

Sở kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát, trong đó chú ý các hoạt động sau:

- Đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước (như chậu kiểng, bình hoa, lốp xe cũ, và các dụng cụ chứa nước khác...).

- Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, lấp kín các ổ nước, dọn sạch rác thải.

- Ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng Y tế trực tuyến để được xử lý.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch, do virus Dengue gây ra, lây truyền qua muỗi vằn. Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có các biểu hiện nhẹ giống cúm và có ban đỏ nổi dưới da toàn cơ thể.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sốt xuất huyết vẫn gây triệu chứng và biến chứng nặng. Nếu không kịp thời phát hiện, bệnh có thể dẫn tới suy đa tạng, hôn mê, thậm chí tử vong.

Mới đây, Bộ Y tế đã cấp phép cho vaccine phòng sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam. Người dân từ 4 tuổi trở lên, dù đã mắc bệnh hay chưa, đều được tiêm vaccine mà không cần làm xét nghiệm trước đó.

Dự kiến, vaccine sốt xuất huyết sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9 năm nay.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguy-co-sot-xuat-huyet-o-tphcm-khi-mua-mua-den-post1478197.html