Nguy cơ trẻ mắc viêm phổi trong mùa hè

Để đối phó với thời tiết nóng bức, nhiều gia đình sử dụng điều hòa để nhiệt độ thấp dưới 20 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ phòng lạnh và ngoài trời quá cao, khiến trẻ khó thích nghi, có thể gây viêm phổi.

Khám, điều trị cho trẻ viêm phổi tại khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Hà Nam). Nguồn: Báo Hà Nam.

Khám, điều trị cho trẻ viêm phổi tại khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện đa khoa Hà Nam). Nguồn: Báo Hà Nam.

Không ít người cho rằng, vào mùa hè, thời tiết ấm áp, sức đề kháng của trẻ tốt hơn nên không có nguy cơ cao bị viêm phổi. Song, thực tế, ngay cả trong mùa hè, trẻ vẫn có nguy cơ bị viêm phổi nếu các cha mẹ không biết cách gìn giữ cho con trong thói quen ăn uống, sinh hoạt, vui chơi... Cũng vì cha mẹ chủ quan và nhận thức sai lầm, bỏ qua các dấu hiệu, triệu chứng ban đầu của bệnh mà đã có không ít trường hợp, trẻ được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nặng.

BS Nguyễn Hạnh Trang - Phó khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi khi virus và vi khuẩn tấn công cơ quan này và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Bệnh này rất dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Theo các thống kê, mỗi năm, trung bình 1 trẻ dưới 5 tuổi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp 3 - 8 lần. Khoảng 1/3 trong số trẻ đó sẽ diễn tiến thành viêm phổi.

Bác sĩ Trang cho biết, nhiều phụ huynh lầm tưởng viêm phổi chỉ xảy ra ở mùa lạnh. Tuy nhiên, thực tế, virus có thể tấn công trẻ bất cứ mùa nào. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, phụ huynh lơ là phòng tránh viêm phổi kèm thói quen sinh hoạt như sử dụng điều hòa sai cách, ăn đồ lạnh, ngâm mình nhiều giờ trong nước mát dẫn đến bệnh viêm phổi tăng.

Theo chuyên gia này, để đối phó với thời tiết nóng bức, nhiều gia đình sử dụng điều hòa để nhiệt độ thấp dưới 20 độ C kéo dài. Sự chênh lệch nhiệt độ phòng lạnh và ngoài trời quá cao, khiến trẻ khó thích nghi, có thể gây viêm phổi.

Ngoài ra, trời nắng nóng khiến trẻ biếng ăn, thích uống nước đá, trái cây ướp lạnh, kem… Nếu ăn nhiều và liên tục thì vùng họng, thanh quản và đường hô hấp dễ tổn thương, nhiễm bệnh. “Trẻ có thể viêm họng, thanh quản, viêm amidan, viêm VA, nếu không điều trị đúng dễ dẫn đến viêm phổi” - BS Trang nói.

Ngoài ra, hoạt động tắm nhiều lần trong ngày, ngâm mình dưới nước với thời gian lâu, cũng rất dễ khiến trẻ bị cảm lạnh gây viêm họng, viêm amidan hoặc nặng hơn là viêm phổi. Một số trẻ sau khi tắm xong một thời gian thấy sốt cao, đau họng, chảy mũi nước, thậm chí khó thở. Đó là dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp tính.

Nắng nóng khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, nếu không được vệ sinh cũng dễ gây nhiễm lạnh, nhất là quần áo chật, chất liệu không thấm mồ hôi. Trẻ lớn hơn, đang vận động nhiều mồ hôi đi tắm ngay cũng dễ cảm lạnh, dẫn đến viêm phổi.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chủ động phòng ngừa viêm phổi khi trời nắng nóng bằng cách sử dụng điều hòa đúng cách. Không nên để quạt điều hòa thổi thẳng vào cơ thể trẻ. Ngoài giờ ngủ, không để trẻ ở trong phòng điều hòa quá nhiều, trẻ dễ bị cảm lạnh và thiếu ánh sáng, ít tiếp xúc không khí tự nhiên, có thể thiếu hụt vitamin D.

Ban ngày, mẹ chỉ nên cho bé nằm tối đa 2 - 3 tiếng mỗi lần, sau đó cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường từ 15 - 30 phút. Thời gian nghỉ, tranh thủ mở cửa phòng, bật quạt thông thoáng, kết hợp đón nắng vào trong phòng bé. Nếu dùng máy lạnh nên giữ nhiệt độ phòng ở mức 26 độ C, có chăn đắp cho trẻ, vệ sinh máy lạnh 2 - 3 lần mỗi năm.

Khi cho trẻ hoạt động ngoài trời, cần chú ý giữ sức khỏe, cho trẻ uống đủ nước, đội nón chống nắng, tham gia bơi trong thời gian vừa phải, tắm lại bằng nước sạch và ủ ấm trẻ bằng khăn tắm dày hoặc áo khoác sau tắm.

Để nhận biết bệnh viêm phổi, phụ huynh cần chú ý một số biểu hiện ở trẻ.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi trung ương, các biểu hiện bệnh viêm phổi thường rất đa dạng và phức tạp. Ở giai đoạn sớm, trẻ có thể chỉ có sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc… Giai đoạn sau, nếu trẻ không được điều trị đúng và theo dõi sát, trẻ có thể diễn biến nặng hơn với biểu hiện sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi… Ngoài ra, trẻ cũng có thể mệt mỏi, quấy khóc, bị tiêu chảy, nôn, đau bụng.

Ngoài ra, dấu hiệu khác là trẻ thở nhanh hơn bình thường. Cha mẹ có thể kiểm tra bằng phương pháp đếm nhịp thở của trẻ trong trọn một phút. Trẻ được coi là thở nhanh khi: Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng. Từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2 - 11 tháng. Từ 40 lần/phút trở lên ở trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-co-tre-mac-viem-phoi-trong-mua-he-10285386.html