Nguy cơ về một đại dịch mới

Từ năm 2020, Liên hợp quốc (LHQ) chọn ngày 27-12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, nhằm ủng hộ tầm quan trọng của việc phòng ngừa, chuẩn bị và hợp tác chống lại dịch bệnh. Trong bối cảnh thế giới chưa quên những ký ức về đại dịch Covid-19, các nhà khoa học cảnh báo khả năng về một đại dịch khác.

Tiêm phòng cúm do gia cầm tại Pháp. Ảnh: NEW SCIENTIST

Tiêm phòng cúm do gia cầm tại Pháp. Ảnh: NEW SCIENTIST

Theo các nhà khoa học, mặc dù đã rút ra được bài học từ Covid-19, nhiều quốc gia vẫn chưa có kế hoạch xử lý một đợt bùng phát dịch mới. Có thể thấy một số nơi đang mắc phải một số sai lầm tương tự trong thời kỳ Covid-19 trong phản ứng với dịch bệnh, nhất là với virus H5N1. Cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra xuất hiện từ giữa những năm 1990, cho đến nay đã lây sang khoảng 1.000 người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn lo ngại vì virus này đã làm chết phân nửa số người bị nhiễm bệnh. Năm 2022, loại virus này bắt đầu xuất hiện ở động vật có vú như cáo, gấu, gấu mèo, sư tử biển, cá heo, chồn. Đến tháng 3-2024, virus xuất hiện ở bò sữa tại Mỹ. Hàng triệu con gà ở Mỹ đã bị tiêu hủy để kiểm soát các đợt bùng phát ở đàn gia cầm. Tháng 10-2024, các quan chức xác nhận lần đầu tiên loại virus này được tìm thấy ở heo.

Mùa đông năm nay, nhiều nước châu Âu cũng đã phát hiện những trường hợp đầu tiên mắc cúm gia cầm trong đàn gia cầm thương mại. Các nhà chức trách trên khắp châu Âu cảnh báo nguy cơ mắc cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) đang gia tăng nhanh chóng và cần hết sức cảnh giác tại tất cả các trang trại gia cầm. HPAI là một biến thể nguy hiểm của virus cúm A, bao gồm các chủng như H5N1, H5N6 và H7N9. Virus này không chỉ gây ra tỷ lệ tử vong cao ở gia cầm mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và kinh tế toàn cầu.

Áo gần đây đã phải hứng chịu một đợt bùng phát lớn của HPAI, dẫn đến việc tiêu hủy hơn 200.000 con gia cầm. Các cơ quan y tế thậm chí đã phải huy động quân đội hỗ trợ chiến dịch. Trong vài tuần qua, Pháp chứng kiến đợt bùng phát HPAI ở đàn 51.000 con gia cầm tại Morbihan. Ở Đức, Anh, Hungary, Bulgaria, Italy và Ireland cũng xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp cúm gia cầm HPAI. Các trường hợp HPAI cũng gia tăng ở Đông Á, trong đó các đợt bùng phát HPAI đầu tiên được xác nhận tại các trang trại gia cầm của Nhật Bản sau đó lan sang Hàn Quốc, Trung Quốc rồi đến Australia, New Zeland...

Trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triển khai một loạt biện pháp nhằm ứng phó với nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm H5N1, tập trung vào việc tăng cường giám sát và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia, nâng cao hệ thống giám sát cúm ở động vật và con người, đồng thời chia sẻ dữ liệu và mẫu virus để theo dõi sự lây lan và biến đổi của H5N1. Bên cạnh đó, tổ chức này vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu để hiểu rõ hơn về virus và chuẩn bị cho các tình huống xấu có thể xảy ra. WHO cũng đã phối hợp với các tổ chức như Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) để tăng cường giám sát và kiểm soát H5N1 ở động vật, nhằm giảm nguy cơ lây truyền sang người. Đặc biệt, WHO duy trì trạng thái sẵn sàng cao đối với các bệnh cúm, liên tục theo dõi và cập nhật các biện pháp ứng phó để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh chóng nếu xảy ra bùng phát dịch.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguy-co-ve-mot-dai-dich-moi-post775023.html