Nguy cơ xung đột do khan hiếm nước

Có 9 lưu vực sông quốc tế bị xem là điểm nóng, nơi xung đột đang diễn ra hoặc có nguy cơ xảy ra

Sự suy giảm nguồn nước trên toàn cầu nên được xem là một trong những thách thức cấp bách nhất về an ninh môi trường trong thế kỷ này.

Đó là quan điểm của ông Francis Galgano, chuyên gia về địa lý và môi trường tại Trường ĐH Villanova (Mỹ). Ông Galgano gần đây đã công bố nghiên cứu về mối quan hệ giữa tình trạng khan hiếm nước, địa chính trị và nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực.

Chuyên gia này chỉ ra 2 mối quan ngại lớn là sự quản trị kém ở các khu vực dễ bị tổn thương nghiêm trọng - đặc biệt là ở những lưu vực sông xuyên biên giới - và cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Theo đài CNBC hôm 5-9, viễn cảnh xảy ra xung đột về nguồn nước là vấn đề gây nhiều tranh luận thời gian qua. Nhiều quan chức cấp cao Liên Hiệp Quốc và chuyên gia đều bày tỏ lo ngại về những rủi ro tiềm tàng.

Theo ước tính, 1/2 dân số thế giới từng đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trong năm nay. Song song đó, một báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới hồi năm ngoái cảnh báo tình trạng căng thẳng nguồn nước nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến 31% GDP toàn cầu (khoảng 70.000 tỉ USD) vào năm 2050.

Sự cạnh tranh gia tăng về nguồn nước ở những khu vực khô cằn, cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã dẫn đến hàng loạt vụ việc gây chú ý trong những tháng gần đây. Hồi tháng 1-2024, người dân tại thủ đô Mexico City của Mexico đã xuống đường phản đối tình trạng thiếu nước kéo dài chưa từng có trong nhiều tuần.

Trong khi đó, Cơ quan Xếp hạng tín nhiệm Moody's (Mỹ) gần đây cảnh báo tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở Ấn Độ có thể gây hại đến sức mạnh tín dụng của nước này.

Người dân lấy nước từ xe bồn trong bối cảnh khan hiếm nước ở thủ đô Mexico City - Mexico hồi tháng 1-2024 Ảnh: REUTERS

Người dân lấy nước từ xe bồn trong bối cảnh khan hiếm nước ở thủ đô Mexico City - Mexico hồi tháng 1-2024 Ảnh: REUTERS

Chưa hết, dữ liệu được Công ty Tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Control Risks (Anh) công bố vào đầu tháng 6 cho thấy số lượng sự cố an ninh liên quan đến nước trung bình mỗi tháng đã tăng 230% trong giai đoạn từ đầu năm 2019 đến tháng 5-2024.

Control Risks cho biết các sự cố nói trên gồm biểu tình và bất ổn bạo lực liên quan đến tình trạng thiếu nước hoặc ô nhiễm, cũng như cảnh báo xu hướng này khó có thể chậm lại trong thời gian tới.

Riêng ông Galgano xác định 9 lưu vực sông quốc tế là điểm nóng, nơi xung đột đang diễn ra hoặc có nguy cơ xảy ra.

Danh sách này gồm những địa điểm như lưu vực sông Nile ở châu Phi, lưu vực sông Tigris-Euphrates ở Tây Nam Á, các sông Helmand và Harirud dọc biên giới Afghanistan - Iran. Chẳng hạn như tại lưu vực sông Nile, các quốc gia nằm dọc theo sông này cho đến nay vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về một con đập gây nhiều tranh cãi.

Trong bối cảnh có nhiều lo ngại về khả năng xảy ra xung đột vì nước, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) hồi tháng 3 công bố danh sách 7 điều mà các quốc gia và cá nhân có thể thực hiện để đối phó tình trạng thiếu nước đang đến gần.

Các biện pháp này gồm bảo vệ và phục hồi không gian tự nhiên, cải thiện hiệu quả sử dụng nước, khắc phục sự cố rò rỉ nước, khai thác các nguồn nước phi truyền thống như xử lý và tái sử dụng nước thải…

Trong khi đó, Viện Nước quốc tế Stockholm (Thụy Điển) trấn an rằng ngay cả khi nguy cơ xung đột xã hội và bạo lực gia tăng, nước có thể là cầu nối cho đàm phán hòa bình, thay vì là yếu tố dẫn đến xung đột hoặc trở thành vũ khí chiến tranh.

Khủng hoảng nước "tấn công" các đảo Hy Lạp

Toàn bộ khu vực Địa Trung Hải đang chịu ảnh hưởng ngày càng tăng của hạn hán và biến đổi khí hậu. Trong đó, tình hình ở Hy Lạp đặc biệt tồi tệ, nhất là tại hầu hết đảo trên biển Aegean. Tại đảo Naxos, trữ lượng nước đã gần cạn kiệt trong khi du khách vẫn liên tục đổ về, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng nước. Theo đài DW, nhiệt độ cao và hạn hán năm nay đặc biệt khắc nghiệt tại Naxos, nơi ngành nông nghiệp phát triển và hầu hết cư dân làm nghề nông.

Ông Kyriakos Kalogeitonas, người điều hành một khách sạn và khu cắm trại ở Naxos, cho biết sản lượng nông nghiệp giảm mạnh trong năm nay do khô hạn và nhiều nông dân đang chuyển sang làm du lịch. Mặc dù vậy, tìm kiếm đủ nước để phục vụ hoạt động du lịch cũng là áp lực không nhỏ.

"Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua nước cho hệ thống của mình và phải kiểm tra nguồn nước hai lần một ngày để quản lý chúng chính xác" - ông Kalogeitonas giải thích. Cũng như nhiều người khác, ông Kalogeitonas không nghĩ tình hình sẽ cải thiện trong dài hạn bởi lượng mưa qua các năm không ổn định.

Hiện có 4 nhà máy khử muối trên đảo Naxos, được lắp đặt để đáp ứng nhu cầu nước tăng cao trên đảo trong những tháng mùa hè. Các nhà máy khử muối nằm gần cảng nên nước chỉ có thể được sử dụng ở khu vực xung quanh. Tuy có thể tạm thời giải quyết khó khăn cho ngành du lịch, các nhà máy này không phải là giải pháp phù hợp cho ngành nông nghiệp, chủ yếu vì không có cơ sở hạ tầng để đưa nước vào sâu trong đảo.

Anh Thư

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguy-co-xung-dot-do-khan-hiem-nuoc-196240905201025996.htm