'Nguy hiểm hơn là lãng phí niềm tin!'

Đại biểu Quốc hội Đào Hồng Vận lo lắng tình trạng người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách; chậm trễ trong triển khai đầu tư dự án; nhiều dự án hoàn thành đầu tư nhưng không thể đưa vào hoạt động, gây lãng phí lớn, ít nhiều làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề nghị giám sát chuyên đề về nghĩa vụ của cán bộ, công chức

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đề cập tình trạng lãng phí trong cải cách hành chính khi phát sinh hàng ngàn thủ tục hành chính tại các bộ ngành, địa phương; lãng phí niềm tin của nhân dân vào cơ quan công quyền. Từ đó, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao các cơ quan của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước.

ĐBQH Trần Văn Khải.

ĐBQH Trần Văn Khải.

Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm, quy định những điều bị cấm liên quan đến đạo đức công vụ: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao, gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. "Từng cấp, từng ngành, từng địa phương Xây dựng quy trình hóa, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực, lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ. Tiếp tục chỉ đạo siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống chính trị, nhấn mạnh việc phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, đi liền với thường xuyên kiểm tra, giám sát", đại biểu nêu. Ông cũng đề nghị, Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.

ĐBQH Lý Thị Lan.

ĐBQH Lý Thị Lan.

ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang) đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. "Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công", đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu, tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Và việc chậm trễ này gây lãng phí cơ hội thực hiện chương trình, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của Nhà nước...

Lãng phí nguồn nhân lực nếu không được đầu tư đúng mức

Đề cập tới tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị báo cáo của Chính phủ cần kiểm điểm xem xét lại năng suất lao động không đạt là do đâu. Do người lao động, cán bộ công nhân viên chức không chịu làm việc, hay do vấn đề quản lý? "So với các nước xung quanh thì năng suất lao động của nước ta là mức rất thấp, gần như là cận dưới. Trong khi đây là nguồn lực cực kỳ lớn mà chúng ta đang bỏ qua", ông lưu ý.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân.

Đại biểu đề nghị cần quan tâm, có cơ chế tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức, và nên coi tăng lương là đầu tư vào con người. "Chúng ta đầu tư vào cơ sở hạ tầng hàng triệu tỷ, tại sao chúng ta không đầu tư vào tăng lương? Đây là vấn đề lâu dài nhưng đề nghị Chính phủ cần xem xét, nếu không nguồn lực đó sẽ đi chỗ khác, chứ không nằm trong Nhà nước", đại biểu lo ngại.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân cũng chỉ rõ những lãng phí trong việc có rất nhiều quỹ nhưng không phát huy tác dụng, lãng phí trong chậm giải quyết, xử lý 12 dự án lãng phí, đắp chiếu; hay tồn dư ngân sách nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng trong ngân hàng không sử dụng trong khi doanh nghiệp thiếu tiền, dự án thiếu vốn phải đi vay... Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị nên giãn thời gian cho doanh nghiệp thực hiện chính sách, tìm cách khắc phục hậu quả để bù lại thất thoát.

ĐBQH Đào Hồng Vận.

ĐBQH Đào Hồng Vận.

ĐBQH Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới tập trung tổng hợp, đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực công, khu vực tư chưa đánh giá đầy đủ thực trạng. Đó là những chậm trễ, hạn chế về một số cơ chế chính sách không tốt trong quy hoạch, kế hoạch trong hoạt động công vụ của bộ máy, mặc dù đã được quan tâm, khắc phục nhưng vẫn đang ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Người dân, doanh nghiệp một số nơi khó tiếp cận chính sách, khó khăn, chậm trễ trong triển khai đầu tư dự án. Nhiều dự án hoàn thành đầu tư nhưng không thể đưa vào hoạt động, sản xuất kinh doanh được, gây lãng phí lớn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội, ít nhiều làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.

"Chúng ta lo lắng không chỉ lãng phí về vật chất, tiền bạc, mà nguy hiểm hơn là lãng phí niềm tin. Ví dụ như các dự án điện tái tạo và một số dự án khác mà báo chí và các ĐBQH đã nêu, báo cáo của Chính phủ cần tổng hợp, đánh giá kỹ vấn đề này, phân tích tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục" - đại biểu Đào Hồng Vận nhấn mạnh.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguy-hiem-hon-la-lang-phi-niem-tin--i695497/