Nguy hiểm khôn lường khi lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng nhiều người lạm dụng thuốc nhỏ mũi thời gian dài, gây phù nề cuốn mũi, phải phẫu thuật.

Mỗi tháng một cơ sở y tế tại TP.HCM tiếp nhận khoảng 80 người bệnh nghẹt mũi kinh niên (dạng nghẹt mũi kéo dài) thì đến 80%-90% lạm dụng thuốc nhỏ mũi thời gian dài để “qua cơn, cắt cơn”.

Nhiều người lạm dụng thuốc nhỏ mũi thời gian dài, gây phù nề cuốn mũi, phải phẫu thuật.

Nhiều người lạm dụng thuốc nhỏ mũi thời gian dài, gây phù nề cuốn mũi, phải phẫu thuật.

Khi người bệnh dùng thuốc nhỏ mũi để giải quyết tình trạng tắc nghẽn, nghẹt, khó thở. Khi thuốc tiếp xúc với niêm mạc mũi, thuốc lập tức có tác dụng co mạch, giảm xung huyết làm cho mũi thông thoáng, giảm nghẹt mũi, dễ thở nhưng sau đó, dồn máu trở lại, làm tắc mũi, đòi hỏi phải nhỏ tiếp. Đây không phải là thuốc trị bệnh mà là thuốc để giảm triệu chứng.

Nếu dùng thuốc nhiều lần hoặc vài lần mỗi ngày thì sau nhiều tuần dùng liên tục, thuốc sẽ giảm hiệu quả. Từ đó, người bệnh phải dùng nhiều hơn, tần suất tăng lên.

Lạm dụng thuốc nhỏ mũi khiến niêm mạc mũi phù nề, kém nhạy cảm với thuốc nên đòi hỏi phải nhỏ nhiều hơn, gây ra một vòng luẩn quẩn khiến người bệnh ngày càng nghiện thuốc.

Tai hại hơn là thuốc sẽ gây hiệu ứng dội ngược, khiến tình trạng nghẹt mũi càng nặng, trở thành bệnh viêm mũi, điều trị rất khó khăn về sau.

Khi mũi bị viêm, người bệnh phải thở bằng miệng, không khí hít vào sẽ không được lọc sạch, không được làm ấm và ẩm, rất dễ gây ra viêm họng và viêm thanh quản, viêm khí phế quản và phổi.

Sử dụng thuốc nhỏ mũi co mạch thường xuyên, kéo dài còn khiến cuốn mũi giãn nở to liên tục, không còn co lại được gây quá phát cuốn mũi.

Trong trường hợp này phải phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi một phần hoặc toàn bộ mới có kết quả. Chưa kể, việc sử dụng thuốc co mạch kéo dài còn ảnh hưởng tới tim mạch, đặc biệt bệnh cao huyết áp, viêm xoang, viêm tai giữa, đau đầu, ảnh hưởng tới trí tuệ…

Hầu hết những bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế đã bị biến chứng phì nề cuốn mũi, điều trị nội khoa không đáp ứng, buộc phẫu thuật.

Như chị H.T.D. (35 tuổi, quận Tân Bình) chưa từng có một giấc ngủ ngon 3 năm qua vì mũi bị nghẹt, khó thở, kích ứng rất khó chịu, đặc biệt mỗi khi trời mưa hay giao mùa. Chị đi khám, được chẩn đoán viêm mũi dị ứng mạn tính, cơ địa nhạy cảm, uống thuốc điều trị nghẹt mũi nhưng tái đi tái lại, ảnh hưởng công việc.

Chị không tự tin gặp đối tác do mũi cứ sụt sùi. Lúc mới nghẹt mũi, chị thỉnh thoảng sử dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để tập trung công việc, tham gia các cuộc họp kéo dài, khoảng 2 lần/tuần.

Nhưng gần 2 năm nay, chị D. sử dụng thuốc nhỏ mũi co mạch mỗi ngày, luôn mang theo bên người, sử dụng khoảng 7-8 lần/ngày. Số lần dùng thuốc tăng dần tỷ lệ thuận theo số lần nghẹt mũi.

Thậm chí nhỏ thuốc trở thành thói quen nên thỉnh thoảng, chị lại nhỏ cho mỗi bên mũi vài giọt. Nhiều lần, chị D. cảm giác mũi không ngửi thấy mùi.

“Mỗi lần quên mang theo thuốc, tôi lại bất an do ám ảnh chuyện nghẹt mũi. Tôi biết mình lệ thuộc thuốc nhưng không có cách nào khác vì mỗi lần dùng, tôi dễ thở hơn, đỡ nghẹt mũi hơn”, chị D. nói.

Tương tự, chị P.H.V. (29 tuổi, quận Thủ Đức) đến bệnh viện khám trong tình trạng nghẹt mũi kéo dài. Chị V. thường nghẹt mũi 2-3 ngày liên tục từ năm 3 đại học. Chị V. uống thuốc trị nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi, giao mùa.

Khoảng 2 năm nay, chị V. nghẹt mũi thường xuyên hơn, nghẹt mũi kéo dài cả tuần, tái phát liên tục, uống thuốc không bớt. Chị kể có những ngày ngồi văn phòng, chị nghẹt mũi, hắt xì liên tục gần 30 phút, vừa không làm việc được vừa ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Chị lệ thuộc thuốc nhỏ mũi co mạch để giảm triệu chứng nghẹt mũi, tập trung công việc, bớt tự ti. Mỗi ngày chị dùng khoảng 4-5 lần, nhiều khi nhỏ theo thói quen. Chị V. cũng cảm thấy không tìm thấy “lối ra” với tình trạng nghẹt mũi của mình.

Em B.H.T. (16 tuổi, quận Phú Nhuận) viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi liên tục. Em thường xuyên tham gia cuộc thi âm nhạc, đi diễn ở các show âm nhạc.

Nghẹt mũi khiến em tự ti, phải dùng thuốc nhỏ mũi co mạch trước giờ lên sân khấu. Nếu mũi em không bị nghẹt thì em mới có thể hát được, tự tin khi biểu diễn. Dùng thường xuyên và kéo dài khiến em T. lệ thuộc thuốc, nghiện thuốc, mang theo như vật bất ly thân, và luôn cảm thấy lo sợ, tự ti nếu quên đem thuốc.

Cả ba trường hợp trên đều lạm dụng thuốc nhỏ mũi gây phì đại cuốn mũi dưới, cản trở không khí khiến thở khó khăn, gây nghẹt mũi kéo dài.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi, giảm kích thước của cuốn mũi dưới, cải thiện luồng không khí qua mũi. Riêng chị D., vì lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch quá nhiều nên niêm mạc mũi phù nề, xung huyết, khi phẫu thuật mao mạch máu chảy nhiều hơn những người bệnh khác.

Sau 2 lần tái khám, chị D. và chị V. đều cải thiện tình trạng bệnh, không còn nghẹt mũi, khó thở. Em T. cũng không còn nghẹt mũi nhưng vẫn còn lo sợ trước giờ biểu diễn, vẫn mang thuốc nhỏ mũi co mạch bên người.

Ba em T. và bác sĩ Nguyên phải động viên rất nhiều để T. tự tin, thử biểu diễn mà không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch. Kết quả buổi biểu diễn vẫn thành công. Sau vài lần, em T. tự tin hơn, không còn lệ thuộc thuốc.

Thạc sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, các cuốn mũi là cấu trúc xương nằm bên trong mũi, được bao phủ bởi lớp niêm mạc, có chức năng lọc, làm ấm, làm ẩm không khí khi hít thở. Mỗi bên khoang mũi thường chứa ba cuốn mũi, gồm cuốn trên, cuốn giữa và cuốn dưới… sẽ nhạy cảm với tác động từ môi trường bên ngoài.

Do đó, thuốc nhỏ mũi nếu dùng phải được bác sĩ kê đơn, không được tự ý sử dụng mà không có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 5 ngày không đỡ người bệnh cần ngừng thuốc và tái khám để bác sĩ theo dõi điều trị.

Nếu người bệnh lạm dụng thuốc đến mức thuộc tên thuốc, tự mua, tự dùng liên tục, luôn mang bên mình như vật bất ly thân, hiểu tác dụng phụ của thuốc rất rõ nhưng vẫn dùng thường xuyên. Không có thuốc là lo sợ, tự ti… dễ biến chứng phì đại quá phát cuốn mũi.

Đặc biệt, ở người có cơ địa viêm mũi dị ứng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, cấu trúc cuốn mũi bẩm sinh… vốn đã rất dễ bị quá phát cuốn mũi. Bệnh thường xảy ra với các triệu chứng: nghẹt mũi kéo dài, khó thở, tắc nghẽn hai bên mũi, thở bằng miệng khi ngủ, tăng tiết nước bọt.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, nếu người bệnh nghẹt mũi kéo dài khoảng 2-3 tuần nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, để phát hiện kịp thời, chẩn đoán và điều trị hiệu quả ngay từ đầu. Với người bệnh bị lệ thuộc thuốc nhỏ mũi co mạch nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có cách điều trị phù hợp.

Bước đầu, khi chưa thể ngưng thuốc đột ngột, người bệnh có thể giảm số lần sử dụng thuốc bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm.

Khi thời tiết giao mùa, thay đổi, người viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, để hạn chế tái phát và bị phụ thuộc thuốc nhỏ mũi, người bệnh nên giữ ấm niêm mạc mũi, đeo khẩu trang khi ra ngoài, xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày. Nếu bệnh tái phát, người bệnh nên tái khám để bác sĩ khám, điều trị, không tự mua thuốc uống, nhỏ mũi.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguy-hiem-khon-luong-khi-lam-dung-thuoc-nho-mui-d217359.html