Nguyên Bình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao
Dân tộc Dao ở huyện Nguyên Bình chiếm 57,2% dân số trên địa bàn huyện. Dân tộc Dao có 2 nhánh là Dao tiền và Dao đỏ, sống tập trung đông nhất tại các xã: Thành Công, Phan Thanh, Ca Thành, Vũ Nông, Mai Long, Yên Lạc.
Nhằm phát huy giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn, huyện Nguyên Bình luôn chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Dao. Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/HU, ngày 9/5/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện Nguyên Bình, giai đoạn 2022 - 2025; chỉ đạo ban hành Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Nguyên Bình giai đoạn 2022 - 2025; kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số trên địa bàn gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn huyện.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao được lưu giữ, trao truyền cho thế hệ sau, như: Giá trị văn hóa gia đình, nhà ở, trang phục, phong tục, tấp quán, tiếng nói, chữ viết...
Về văn hóa gia đình là hệ thống giá trị văn hóa được tích hợp từ các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, được hình thành và phát triển từ đời sống của gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội thể hiện qua nhận thức, thái độ, hành vi và ứng xử trong các mối quan hệ giữa cá nhân - gia đình - xã hội. Văn hóa gia đình của đồng bào Dao được thể hiện qua thuần phong, mỹ tục, nếp sống, tác phong của các thành viên trong gia đình, trong sự hiếu thuận của con cháu đối với cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên để tổ chức gia đình, giáo dục con người, nhất là về mặt tinh thần. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội.
Nhà ở của người Dao là kiểu nhà trệt 4 mái, ba gian, vách gỗ hoặc trát bằng đất. Phía trong nhà bàn thờ được bố trí ở phía bên phải gian giữa, bên trái là bếp lửa nơi đun nấu của gia đình, hai gian còn lại bố trí các phòng ngủ. Nhà ở của người Dao theo năm, tháng cũng dần được thay đổi cho phù hợp với sinh hoạt, lao động sản xuất thường ngày, tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, những ngôi nhà trình tường tại xóm Tam Hợp, xã Thành Công; những ngôi nhà gỗ lợp mái ngói âm dương tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành của đồng bào Dao tiền vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống và đến nay vẫn được bảo tồn, gìn giữ và gắn với quảng bá, phát triển du lịch, thu hút khách đến tham quan.
Trang phục của dân tộc Dao rất đặc sắc và tinh tế, nhất là nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao. Trang phục Dao tiền với sắc áo chàm kết hợp với màu trắng và trang trí thêm là những đồng xu bằng bạc. Trang phục Dao đỏ màu sắc trang trí chủ đạo là màu đỏ, đặc biệt là hai chuỗi bông đỏ được gắn trên áo của phụ nữ. Đặc biệt, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ xã Vũ Minh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 235/QD-BVHTTDL ngày 14/02/2023.
Về phong tục, tập quán người Dao rất chú trọng việc thờ thần thổ công, còn gọi là cúng tậy ông, mục đích lễ cúng là cầu phù hộ cho xóm, làng bình yên, làm ăn phát đạt, tránh được các thiên tai, dịch bệnh. Các ngày, tháng trong năm được nghỉ lao động (theo âm lịch) như: Đầu ngày Dần, ngày Mão trong tháng Giêng, ngày 20 tháng Giêng gọi là ngày “Kỉnh giáo" (cấm gió đi); ngày 20 tháng Hai (âm lịch) là ngày “Kinh giáo" (cấm gió về); ngày 1/3 (âm lịch) ngày “Pồ câu ông” (ngày cấm sét). Các ngày tết và các ngày cấm trong năm là tập tục gắn bó với đồng bào Dao, tạo cơ hội cho anh, em, họ hàng nội ngoại... có dịp đi chơi, thăm hỏi nhau để thêm gắn kết tình cảm gia đình, dòng họ.
Trong lễ cưới, người Dao là một trong những tộc người trên địa bàn huyện còn ít nhiều giữ được những nét độc đáo trong đám cưới, trước đây người Dao thách cưới khá cao. Đám cưới khá tốn kém của người Dao gây nhiều khó khăn cho gia đình nghèo, nhưng tài sản giá trị cơ bản được người con gái đem theo về nhà chồng như là cách tạo dựng cơ sở ban đầu cho cuộc sống tương lai. Quan niệm của người Dao khi thách cưới cao còn muốn thể hiện giá trị của người con gái và sự biết ơn công dung dưỡng của cha mẹ người con gái. Ngày nay, việc thách cưới đã có phần nhẹ hơn, thực tế với đời sống hơn. Điều đặc biệt nữa liên quan đến đám cưới của người Dao là lễ “Se miền khú" - tức là tách hộ khẩu của người con gái thuộc phần hồn về nhà chồng. Nét đặc sắc nhất là văn bản “Lầy nhioảng sâu” có giá trị như khế ước hôn nhân.
Người Dao còn có lễ “Tầu sai” - tức là lễ cấp sắc hay lễ trưởng thành. Thông qua lễ này, người đàn ông cần phải tuân thủ những nguyên tắc sống, phấn đấu không ngừng để luôn trở thành người đàn ông tốt trong gia đình và cộng đồng xã hội. Theo phong tục, người con trai phải đủ 18 tuổi trở lên mới được cấp sắc, ai được cấp sắc mới là người trưởng thành, nếu không được cấp sắc dù 50 - 60 tuổi vẫn là trẻ con, khi chết không được làm ma chôn cất đoàng hoàng. Những ai được cấp sắc sẽ được tham gia vào các lễ hội tín ngưỡng như: Gọi hồn, mo, cúng…
Chữ viết của người Dao có một ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình và trong cộng đồng người Dao. Đặc biệt, sách cổ của người Dao vẫn còn lưu giữ và bảo quản khá tốt ở một số ít gia đình. Sách của người Dao có thể loại, nội dung phong phú từ tâm linh, văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc đến các văn bản khế ước hoặc có nội dung như sách giáo khoa... Sách cổ vừa dạy chữ, vừa dạy cách làm người, có cuốn ghi chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể, như: tín ngưỡng thờ cúng, ma chay, tổ chức lễ hội, cấp sắc, nắm bắt quy luật thiên nhiên, địa lý, tình nghĩa vợ chồng, cha con, anh em hàng xóm làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, hình thành và phát triển nhân cách và gìn giữ, phát huy cốt cách của tộc người, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại…
Dân tộc Dao đã hình thành và phát triển nên một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc với nhiều loại hình, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều sắc màu. Đó là tài sản vô giá của đồng bào, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng dân tộc. Nhiều gia đình dân tộc Dao đề cao việc bảo lưu được truyền thống văn hóa, tập tục, nghỉ lễ của tộc người, quan tâm thực hiện các nghi lễ vào dịp lễ tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình. Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống của dân tộc đã và đang có những biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Vì vậy, việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trên địa bàn huyện là một việc làm rất thiết thực và cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị và những người làm công tác văn hóa.