Nguyễn Đình Thi - 'cây đại thụ' của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam

Nói đến Nguyễn Đình Thi là nói đến một nhà văn hóa lớn, một tài năng lớn, 'cây đại thụ' của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Ảnh tư liệu: HNVVN

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Ảnh tư liệu: HNVVN

Ông đã để lại một di sản văn hóa lớn ở nhiều lĩnh vực như thơ ca, văn học, sân khấu, âm nhạc... Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng, với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian.

Người nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng

Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 quê ở Hà Nội, nhưng ông sinh ở Luang Prabang, Lào. Năm lên sáu tuổi, ông cùng gia đình về quê hương. Từ nhỏ, Nguyễn Đình Thi đã nổi tiếng thông minh và học rất giỏi tất cả các môn, đặc biệt là môn triết. Ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ông đã viết một số sách triết học, như: "Triết học nhập môn" (1942), "Triết học Căng" (1942), "Triết học Nitsơ" (1942), "Triết học Anhxtanh" (1942) và "Siêu hình học" (1942).

Cũng như bao thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Đình Thi đã sớm dùng ngòi bút của mình làm vũ khí chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông đã nghiên cứu, viết sách về các trường phái triết học phương Tây và bí mật tìm đọc, nghiên cứu triết học Mác, tham gia hoạt động Việt Minh từ năm mười bảy tuổi.

Với lòng yêu nước thiết tha và lý tưởng sống cao đẹp, Nguyễn Đình Thi tích cực tham gia Hội Văn hóa cứu quốc từ năm 1943, trực tiếp phụ trách báo Độc lập. Ông được cử tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tháng 7/1945. Từ một chàng trai yêu nước, hăng say với không khí cách mạng sục sôi đến một tài năng Nguyễn Đình Thi đã biết hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc không phải chỉ bằng sức lực của tuổi trẻ mà còn bằng cả tình cảm tha thiết cháy bỏng. Giai điệu của “Diệt phát xít”, “Thanh niên cứu quốc”, “Người Hà Nội” là kết quả của quá trình hoạt động sôi nổi. Tiếng hát thiết tha ấy đã hòa chung cùng với tiếng hát mãnh liệt của cả dân tộc đang đứng dậy giành chính quyền. Cảm hứng về đất nước, về dân tộc anh hùng là cảm hứng chủ đạo của Nguyễn Đình Thi trong âm nhạc, thơ ca và tiểu thuyết.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Ủy viên Tiểu ban dự thảo Hiến pháp và Ủy ban Thường trực Quốc hội (khóa I). Sau Ngày toàn quốc kháng chiến, ông tích cực tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa kháng chiến. Năm 1948, Nguyễn Đình Thi được cử giữ chức Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1952, một bước ngoặt đối với ông, khi ông gia nhập quân đội với chức vụ Phó Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308. Đây là thời kỳ ông lăn lộn với thực tế chiến trường của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Điều đáng ngạc nhiên là trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Nguyễn Đình Thi đã đi đầu trong cách tân thơ ca Việt Nam với những bài thơ nổi tiếng như: “Đất nước”, “Không nói”, “Đêm mít tinh”, “Đường núi”… Và ông cũng là lý luận gia đi đầu xây dựng nền văn hóa văn nghệ của nước nhà với các tiểu luận nổi tiếng, xác định rõ lập trường văn nghệ phải phục vụ kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Tiểu thuyết “Nhận đường”, “Mấy vấn đề văn học”, “Công việc của người viết tiểu thuyết” đã giúp cho nhiều nghệ sĩ trước đây và sau này có thêm những nhận thức đúng đắn về con đường cách mạng mình đi, trách nhiệm nhà văn phải gánh vác và nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp bổ ích.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Nguyễn Đình Thi là một cây bút xông xáo. Ngay từ những ngày đầu chiến tranh, ông đã có mặt ở tuyến lửa cùng với nhiều nhà văn khác. Trải suốt thời kỳ chống đế quốc Mỹ và cho đến khi đất nước thống nhất rồi bước sang thời kỳ đổi mới, tuy bận với công việc quản lý: Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Đình Thi vẫn sung sức trong sáng tạo ở hai thể loại là kịch (“Con nai đen”, “Hoa và Ngần”, “Giấc mơ”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”) và tiểu thuyết (“Vào lửa”, “Xung kích”, “Mặt trận trên cao” và bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ”).

Nguyễn Đình Thi để lại dấu ấn của mình trên nhiều lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Ông có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông cũng là nhà thơ, nhà biên kịch, người sáng tác âm nhạc có nhiều đổi mới trong tư duy và cách tân nghệ thuật. Thành công trong các sáng tác của ông nổi rõ ở tính tư tưởng, tính nhân văn, nghệ thuật đặc sắc, bút pháp phóng khoáng mà nhuần nhị; ở đó, hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng cách mạng, tính dân tộc và tính hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.

Với tài năng và cống hiến xuất sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên cả lĩnh vực sáng tác và lãnh đạo, quản lý, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) về văn học nghệ thuật và nhiều phẩn thưởng cao quý khác.

Người nghệ sĩ đa tài, xuất sắc trên nhiều lĩnh vực

Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi để lại cho đất nước thật đồ sộ, phong phú và quý giá.

Thơ là lĩnh vực Nguyễn Đình Thi dành nhiều tâm huyết nhất. Ông mang đến một phong cách thơ riêng, độc đáo và hiện đại, nổi bật với những bài như: "Đất nước", "Người chiến sĩ", "Bài thơ Hắc Hải", "Dòng sông xanh", “Lá đỏ”... Thơ ông dạt dào cảm hứng yêu thương sâu lắng về đất nước "vất vả, gian nan” nhưng “tươi thắm vô ngần", với những con người “một nắng hai sương” mà vẫn kiên cường, bất khuất. Những câu thơ của ông luôn tha thiết, lắng đọng, giàu chất triết lý chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của sự sống, của tình yêu, của sức mạnh tiềm ẩn trong con người Việt Nam hiền lành, đôn hậu. Trong đó “Đất nước", sáng tác năm 1948-1955, là bài thơ nổi bật của Nguyễn Đình Thi. Đây thực sự là cuốn biên niên sử bằng thơ hào hùng, oanh liệt, vinh quang và rực rỡ của dân tộc. Với những “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại…” và kết lại bằng ánh sáng, niềm tin và khát vọng mạnh mẽ của “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. “Đất nước” được đưa vào chương trình giáo khoa môn Văn lớp 12 từ sau ngày giải phóng và cũng được nhạc sĩ Đăng Hữu Phúc phổ thành bản giao hưởng-hợp xướng mang cùng tên Đất nước.

Nguyễn Đình Thi cũng luôn trăn trở tìm tòi hướng sáng tạo nhằm đổi mới diện mạo thơ ca. Ông là người đầu tiên làm thay đổi thơ Việt Nam hiện đại theo cách cấu tạo hình ảnh mới, năng động, đa nghĩa và phức điệu. Thơ ông hàm súc và giản dị, có khả năng gợi không khí, gợi hình ảnh và tâm trạng. Câu thơ phóng khoáng, tự do, không câu nệ vần, thậm chí không vần nhưng vẫn giàu nhạc điệu. Mỗi bài thơ đều có chất nhạc riêng không lẫn vào đâu được. Chính những nỗ lực đổi mới thơ ca này đã mang đến cho ông phong cách riêng, vô cùng độc đáo, khiến người đọc háo hức và say mê. Nhiều thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam sau này đã kế thừa và phát huy những cách tân đầy nghệ thuật này của ông.

Còn những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi đã phản ánh chân thực cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân dân ta. “Xung kích” tiểu thuyết đầu tay được nhận Giải thưởng văn nghệ 1951-1952 đã góp phần mở ra một một giai đoạn phát triển mới của văn xuôi cách mạng. “Bên bờ sông Lô”, tập truyện ngắn viết vào cuối giai đoạn kháng chiến chống Pháp, có một cách viết độc đáo, đã phản ánh được sự giản dị, cao đẹp của cuộc sống và con người trong chiến đấu. Đặc biệt, “Vỡ bờ” - bộ tiểu thuyết hai tập với hơn 1000 trang đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946-1985. Đây là bộ sử thi bề thế, phản ánh cuộc sống đấu tranh của quần chúng lao động dưới sự giác ngộ, dìu dắt của Đảng trong những ngày tiền khởi nghĩa, để rồi làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.

Tuy không phải là một người chuyên viết kịch, nhưng đến nay, hàng chục vở kịch của Nguyễn Đình Thi đã để lại dấu ấn sâu sắc trên sân khấu kịch Việt Nam. Ông mang đến cho kịch tiếng nói mới mẻ, từ vở "Con nai đen" (1961) đến "Hoa và Ngần" (1975), "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" (1979), "Người đàn bà hóa đá" (1980), "Giấc mơ" (1983), "Tiếng sóng" (1985)... Kịch bản nào cũng là những nỗ lực cách tân không ngừng của Nguyễn Đình Thi, nhằm mở rộng dung lượng cũng như làm giàu thêm tính văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lý của kịch. Thế giới nghệ thuật kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, nơi mà dấu vết văn hóa cổ kim, đông tây, dân gian, bác học được hội tụ và tỏa sáng. Dù đa dạng về sắc thái, tính chất nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu tha thiết của một nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với đất nước, với dân tộc, với nhân dân, thể hiện những trăn trở, xót xa về số phận con người và những khát vọng sáng tạo nghệ thuật. Nhiều nhà phê bình đã nhận xét: kịch của Nguyễn Đình Thi đa dạng, giàu chất thơ, nhạc giàu tính triết lý, tưởng tượng, đan xen hài hòa giữa cái thực và cái ảo khiến cho những tác phẩm của ông mang một dấu ấn riêng biệt, độc đáo.

Trong rất nhiều danh hiệu của Nguyễn Đình Thi như nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, nhà văn hóa… thì người ta còn phải nhắc đến một danh hiệu cao quý khác, đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Dẫu ở địa hạt âm nhạc Nguyễn Đình Thi chỉ như một chàng lãng tử ghé qua đôi chút nhưng cũng đủ làm nên những kiệt tác bất hủ. Tuy sáng tác không nhiều nhưng tác phẩm “Người Hà Nội” và “Diệt phát xít” - hai tác phẩm âm nhạc vào hàng hay nhất và lớn nhất của âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX - luôn gợi cho người nghe một cảm xúc dâng trào, rạo rực và mãnh liệt đến kỳ lạ. Và không một ai yêu âm nhạc, yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nghe "Người Hà Nội" mà không thấy rạo rực trong lòng: "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...". Những lời ca thiết tha, hào hùng, giai điệu sâu lắng của ca khúc đã chinh phục trái tim nhiều thế hệ người Việt Nam và cả những người yêu Việt Nam trên toàn thế giới.

Trong những ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945 sục sôi, Nguyễn Đình Thi cũng cho ra đời “Diệt phát xít” – ca khúc đi vào bất tử trong lòng mỗi người dân đất Việt. Sau này, bài hát “Người Hà Nội” được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội và bài “Diệt phát xít” được chọn làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sinh thời, Nguyễn Đình Thi từng thổ lộ: “Tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ”, tuy nhiên, hai tuyệt phẩm ông sáng tác ở lứa tuổi đôi mươi “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội” cũng đủ để tất cả chúng ta tôn vinh ông là một nhạc sĩ lớn, cùng Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thương… mở đường, dẫn lối cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ thông tuệ, tài ba

Cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách phát triển văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc. Nhất là trên các cương vị Tổng Thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống đất nước. Những vị trí công tác mà ông từng trải qua, mọi người không chỉ khâm phục tài năng, uy tín về chuyên môn của ông mà còn quý trọng những ý tưởng, góc nhìn từ ông về xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến thời kỳ hòa bình, đổi mới.

Nguyễn Đình Thi là người có tư duy sâu sắc và tầm nhìn xa trong lĩnh vực quản lý văn hóa, văn nghệ. Trong vai trò lãnh đạo, quản lý, ông luôn coi trọng sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa sáng tạo và bảo tồn, giữa chuyên nghiệp, tinh hoa và bình dân, đại chúng. Ông quan niệm: để nền văn hóa Việt Nam phát triển bền vững, cần phải dựa trên những giá trị cốt lõi của dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu, học hỏi, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Đặt quan điểm ấy trong bối cảnh đất nước còn đang trong giai đoạn chiến tranh, bị cô lập rất nhiều năm mới thấy rõ tầm chiến lược và tính đột phá trong tư duy của người lãnh đạo văn nghệ xuất sắc Nguyễn Đình Thi. Các tiểu luận lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của ông không chỉ là những phân tích học thuật mà còn kết tinh trong đó tầm nhìn chiến lược, lý luận gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sinh động. Ông không áp đặt quan điểm của mình lên tác giả, tác phẩm mà luôn cố gắng tìm hiểu và tôn trọng cá tính sáng tạo của nghệ sĩ; coi phê bình là người bạn đồng hành, tri âm, tri kỷ của sáng tác.

Nguyễn Đình Thi đặc biệt coi trọng vai trò của lý luận, phê bình trong việc thẩm định, định hướng, hỗ trợ sáng tạo văn học, nghệ thuật. Các tác phẩm, bài nói của ông lúc còn rất trẻ, được giới chuyên môn đánh giá cao như tiểu luận “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao, cổ tích; bài diễn thuyết “Dòng máu Việt Nam chảy trong ca dao” (1944), đặc biệt là tùy bút “Nhận đường” nổi tiếng (Tạp chí Văn nghệ số 1, tháng 3 năm 1948), các bài viết: “Kịch Bắc Sơn”, “Tiếng nói của văn nghệ”, “Mấy ý nghĩ về thơ”, “Trần Đăng”, “Nam Cao”, “Nhà văn viết bằng cái gì”, “Mấy vấn đề văn học (1956), “Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay” (1957), “Công việc của người viết tiểu thuyết” (1964)... Nguyễn Đình Thi luôn trăn trở về sứ mệnh của văn hóa, văn nghệ và vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sỹ; gợi mở hướng kết nối văn học với chính trị, với thực tiễn xã hội, đề cao vai trò của văn hóa, văn nghệ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông viết: "Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng cũng chính kháng chiến cũng đem đến cho văn nghệ nguồn cảm hứng và sức mạnh mới".

Những “di sản” mà Nguyễn Đình Thi để lại cho công tác lãnh đạo văn nghệ còn là vai trò quan trọng của ông trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức văn học, nghệ thuật. Thời kỳ đó, nhiều tổ chức văn nghệ đã được củng cố và phát triển, trở thành những trung tâm quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân tộc và thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật. Điển hình là Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi ông giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều năm.

Trên phương diện hội nhập quốc tế, Nguyễn Đình Thi là người có công lao to lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, giúp giới trí thức, văn nghệ sĩ quốc tế hiểu đúng hơn về đất nước, con người Việt Nam, từ đó, có thái độ đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Ngoài mục tiêu trên, trong vai trò của người lãnh đạo văn nghệ, hơn ai hết, ông hiểu sâu sắc rằng việc học hỏi và giao lưu với các nền văn hóa khác sẽ giúp văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển phong phú hơn, mạnh mẽ hơn, xác lập vị thế của văn hóa, văn nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.

GS Phong Lê, khi nhận xét về Nguyễn Đình Thi, đã tóm gọn trong ba ý lớn, đó là tài năng, tầm vóc và bản lĩnh. Theo GS Phong Lê, Nguyễn Đình Thi là một tài năng gần như bẩm sinh, ngay từ khi ông xuất hiện ở tuổi trên dưới 20. Tài năng gắn với tài hoa và nói đến Nguyễn Đình Thi là nói đến nhiều danh xưng như nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, kịch - tác giả, lý luận - phê bình… bên cạnh nhà hoạt động xã hội và nghề nghiệp có vị trí cao. "Một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn trên rất nhiều phương diện. Và ở mỗi phương diện cần một khảo sát công phu với tư cách chuyên sâu mà những người bình thường không có tư cách chuyên gia như chúng tôi khó lòng ôm xuể" - GS Phong Lê nhận định.

Còn GS. NGND Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học bày tỏ niềm kính trọng với người nghệ sĩ, chiến sĩ Nguyễn Đình Thi: "Cái gì cũng hay, cái gì cũng hấp dẫn, không chỉ tài hoa mà còn đậm dấu ấn văn hóa. Nguyễn Đình Thi là người thứ hai trên thế giới được xem là nhà triết học thế giới ở trong từ điển của Pháp ở Pari, rồi nhà sử học và còn nhiều kiến thức lớn nữa".

Là nghệ sĩ rất mực tài hoa, là nhà lãnh đạo văn hóa-nghệ thuật xuất sắc nhưng Nguyễn Đình Thi luôn sống chân thành, giản dị và khiêm nhường. Cho đến cuối đời ông vẫn tự nhận là: "Tôi không nói được mình đã trải đời/ Không nói được mình đã hiểu người/ Không dám nói mình đã biết yêu/ Không dám nói mình đã biết sống...". Sự khiêm tốn đến mức chân thật ấy khiến chúng ta càng kính trọng ông hơn. Ông xứng đáng là một nhân cách có bản lĩnh văn hóa, một đại diện tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, từ một người thanh niên tri thức yêu nước, giàu lý tưởng, hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc, Nguyễn Đình Thi đã trưởng thành và trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của văn nghệ cách mạng Việt Nam. Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau.

Diệp Ninh/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/nguyen-dinh-thi-cay-dai-thu-cua-nen-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-20241220065057733.htm