Nguyên do nào quy định chuyển đổi môn học lựa chọn vào cuối năm?
Xung quanh quy định chuyển đổi môn học lựa chọn được thực hiện vào cuối năm học, Bộ GD&ĐT nêu ra 3 lý do.
Các cơ sở giáo dục cũng thể hiện sự đồng thuận và sẵn sàng hỗ trợ học sinh, dù thực tế triển khai còn có khó khăn.
Tính chủ động của học sinh
Về quy định việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập được thực hiện vào cuối năm học, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thứ nhất, để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được xây dựng cho một năm học. Thứ hai, để bảo đảm quy định về kiểm tra, đánh giá. Theo đó, học sinh cần hoàn thành chương trình môn trong cả năm học mới đủ điều kiện để lên lớp. Thứ 3, thời điểm cuối năm học, với thời gian nghỉ hè, sẽ tạo điều kiện thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng cho môn học mới.
Lưu ý rằng, không phải việc thực hiện chuyển đổi môn học, chuyên đề học tập vào cuối năm học, nghĩa là lúc đó học sinh mới bắt đầu bù đắp kiến thức môn học mới (nếu muốn xin đổi). Việc chuẩn bị về kiến thức, kĩ năng cần được học sinh chủ động lên kế hoạch thực hiện ngay khi có ý định chuyển đổi. Như vậy, để đến cuối năm học sinh có thời gian dài hơn để tiếp cận và bù đắp kiến thức, kĩ năng cho môn sắp chuyển. Sau đó, các em lại có thời gian nghỉ hè để học, ôn tập vững vàng hơn với môn học mới khi lên lớp học trên.
Ví dụ, ngay từ học kỳ I lớp 10, học sinh đã có ý định chuyển đổi từ Vật lí sang Sinh học thì việc bù đắp kiến thức, kĩ năng môn Sinh lớp 10 phải thực hiện ngay, không đợi đến cuối năm. Tuy nhiên, các em vẫn có trách nhiệm hoàn thành môn Vật lí để có điểm tổng kết cả năm học cho môn này ở lớp 10”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Cùng với tính chủ động của học sinh, theo ông Nguyễn Xuân Thành, nhà trường có thể linh động trong việc hỗ trợ học sinh bù đắp kiến thức, kĩ năng; có thể tạo điều kiện cho học sinh học một số tiết môn mới ở lớp em đó muốn chuyển sang (tất nhiên phải bảo đảm yêu cầu học tập của học sinh đó ở lớp hiện tại).
Ông Nguyễn Xuân Thành đồng thời nhấn mạnh: Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT là hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT, không phải hướng dẫn chuyển trường. Việc chuyển trường vẫn được thực hiện theo đúng quy định nhưng cần bảo đảm việc chuyển môn học vào cuối năm học.
Với băn khoăn về việc học sinh có nhu cầu chuyển trường nhưng sang trường mới không có lớp học trùng hoàn toàn 4 môn học đã lựa chọn ở trường cũ, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: Các trường cần tạo điều kiện cho học sinh trong khả năng có thể.
Hiện các trường đều dạy đủ 7 trong 9 môn lựa chọn (trừ Âm nhạc, Mĩ thuật chưa có đủ giáo viên nên chưa tổ chức được), nên dù học sinh chọn tổ hợp nào trong 7 môn đó, trường mới cũng có thể tổ chức cho học sinh học tiếp các môn học đã lựa chọn. Trường tiếp nhận có thể bố trí học sinh vào lớp có nhiều môn học chung nhất, môn còn lại cho học sinh học ở một lớp khác một cách phù hợp.
Sẵn sàng hỗ trợ người học
Từ thực tế, cô Đoàn Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) nhận định: Quy định thời điểm chuyển môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập vào cuối năm học vừa có điểm thuận lợi, vừa có khó khăn. Thuận lợi vì học sinh có cả đợt hè để đẩy mạnh việc học và hoàn thành kiến thức môn lựa chọn. Nhưng khó khăn ở chỗ sau 1 năm không học, việc dồn tụ lượng kiến thức của môn học sẽ có khó khăn cho học sinh và giáo viên dạy sau này.
“Rất may mắn Trường THCS - THPT Phenikaa chưa có học sinh nào có nguyện vọng đổi môn học, chuyên đề học tập. Dù vậy, nhà trường cũng chuẩn bị sẵn sàng nếu tình huống đó diễn ra...”, cô Đoàn Hà cho hay.
Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) có 5 lớp 10. Căn cứ điều kiện thực tiễn, trường đã xây dựng 4 phương án cho học sinh lựa chọn môn học. Việc tuyên truyền, định hướng, tư vấn cho học sinh, phụ huynh trước khi chọn môn được đặc biệt chú trọng. Do đó, thời điểm này, chưa có học sinh nào có nguyện vọng đổi môn học. Tuy nhiên, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh thừa nhận, nếu có trường hợp phát sinh, nhà trường sẽ gặp khó khăn nhất định.
“Sẽ thuận lợi nhất cho cả học sinh và nhà trường nếu các em giữ ổn định nguyện vọng và theo đuổi các môn học trong cả 3 năm THPT. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Việc chuyển đổi môn học chỉ nên thực hiện trong trường hợp đặc biệt và vào cuối năm học.
Thời điểm này là phù hợp để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Với Trường THPT Mường Chiềng, nếu có trường hợp học sinh quyết tâm đổi môn học, nhà trường, thầy cô sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới bằng trách nhiệm của mình.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập được thực hiện vào cuối năm học là cần thiết để học sinh có kết quả điểm cả năm học, từ đó hoàn thành học bạ trong năm học đó. Theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS, THPT, học sinh cần có kết quả rèn luyện và kết quả học tập trong cả năm học được đánh giá ở mức Đạt trở lên mới được lên lớp.
“Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn, định hướng, giúp học sinh chọn đúng môn học phù hợp ngay từ đầu, làm sao hạn chế thấp nhất việc chuyển môn giữa chừng. Làm được điều này mới là tốt nhất cho học sinh. Muốn vậy, các trường THPT phải công khai thật sớm về phương án các nhóm môn lựa chọn để các phòng GD&ĐT, trường THCS nắm được; từ đó phối hợp truyền thông, định hướng cho học sinh từ lớp 9. Phải làm được thật tốt công tác này”, ông Nguyễn Tân nhấn mạnh.
“Việc đổi môn học lựa chọn đồng nghĩa học sinh phải chuyển lớp, thậm chí chuyển trường. Nhà trường sẵn sàng tiếp nhận các em trên cơ sở nhận thấy lực học môn học lựa chọn ổn, có khả năng theo kịp và gia đình sẵn sàng đồng hành. Trường sẽ cử giáo viên hỗ trợ tài liệu, định hướng học tập, có thể hỗ trợ một số buổi học online dịp nghỉ hè. Trên lớp, khi hòa nhập với tập thể mới, nhà trường sẽ chú trọng dạy học cá nhân hóa những học sinh này...”. - Cô Đoàn Hà (Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa)