Nguyễn Đông Thức trở lại bằng tiểu thuyết 'Yêu nhau trong lo âu'

Mượn một câu hát trong bản tình ca Dạ khúc cho tình nhân của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã cho thấy rằng cuộc tình nào ngay từ đầu cũng đầy bất trắc...

Sau rất nhiều năm vắng bóng trên văn đàn, nhà văn Nguyễn Đông Thức mới đây đã quay trở lại với tiểu thuyết mới Yêu nhau trong lo âu. Vẫn là những trang văn đong đầy cảm xúc, với tác phẩm này, tình yêu, thân phận và những cách ngăn đã được mô tả vô cùng số động.

Mê hồn trận của tình yêu

Kể về một nhà làm phim mang tên Huy Miên, tiểu thuyết xoay quanh những mối quan hệ tình cảm của anh, từ đó khắc họa muôn mặt tình yêu trong đời sống này. Vẫn là những phân tích nội tâm vô cùng chi tiết, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã chạm được đến người đọc bằng những thổn thức vô cùng chất chứa.

Bắt đầu từ mối tình thời sinh viên với Hoàng Lan – hoa khôi của trường điện ảnh, cuộc tình thanh mai trúc mã tuy thế lại sớm kết thúc khi anh có được cơ hội tu nghiệp ở Mỹ, còn người thiếu nữ thì gặp được một đại gia, với một tương lai nhiều phần tốt đẹp.

Vì sao mối tình đẹp ấy lại sớm kết thúc? Đó là câu hỏi mà chính Huy Miên cũng không hiểu được. Kể từ khi đó, anh lao vào trong vòng xoáy của công việc, cũng như tình cảm đơn phương của những người phụ nữ đa cảm, phức tạp… ở mọi độ tuổi và nhiều mục đích khác nhau.

Đó là Như Hảo – giám đốc hãng phim cho anh cơ hội đi ra nước ngoài. Đó là Hương, con gái của Hảo, người đã chung sống cùng anh một năm xa nhà. Còn là Kim Phụng – người diễn viên nóng bỏng thử vai trong một bộ phim do anh cầm trịch, và cả Yến – chủ nhiệm đoàn phim, người anh lựa chọn bởi nhìn thấy được một sự đồng cảm.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức tại buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết Yêu nhau trong lo âu. Ảnh: NXB Trẻ

Trong tiểu thuyết này, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã cho thấy được những sự phức tạp trong các diễn biến nội tâm của từng nhân vật. Từng người phụ nữ đến với Huy Miên không vì thể xác, mà thay vào đó là những phức cảm vô cùng khác biệt, đặt để vào thế lưỡng nan vô cùng khó giải.

Như với Như Hảo, người phụ nữ ấy ngoài việc cảm thấy một sự rung động, thì phải vượt qua khoảng cách tuổi tác, cũng như chức vụ mình đang nắm giữ. Đó là khát khao một điều gì đó nằm sâu trong tâm thức, không giải thích được. Còn với Hoàng Lan chỉ còn lại những kỉ niệm, và những dấu tích của mối tình cũ. Nhưng anh nào có thể quên?

Mượn một câu nói của nhân vật nữ Gemma trong phim truyền hình dài tập Sons of Anarchy, nhà văn Nguyễn Đông Thức gián tiếp cho thấy: “Chỉ có đàn ông là cần được yêu. Đàn bà thì cần khát khao”.Và những tình cảm, những khao khát đó đã được khắc họa vô cùng rõ ràng, bởi một nội tâm có nhiều chiều sâu của các nhân vật.

Những nhân vật nữ đã làm nên mê hồn trận của những cảm xúc, để những hậu quả, kết quả của những sự kiện… diễn biến theo cách khó lường. Liệu đó là những ngẫu nhiên, hay có một sự sắp đặt đằng sau bàn tay của một ai đó? Câu hỏi cho đến cuối cùng không thể giải đáp, và chỉ còn lại một lời khẳng định: Yêu nhau trong lo âu.

Tại buổi ra mắt tác phẩm do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã chia sẻ rằng ông vẫn chưa chán viết về tình yêu, bởi nó “đa dạng, phong phú và viết hoài có khi không hết”. Những nhân vật của ông ở giai đoạn đầu nghiệp viết thì sôi nổi và nhiệt thành, nhưng càng về sâu có lẽ do đã đạt đến được sự chín mùi trong cách cảm nhận tình yêu, nên cảm xúc đó cũng có diễn biến phức tạp và sâu sắc hơn.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức chụp hình cùng độc giả tại buổi ra mắt sách. Ảnh: NXB Trẻ

Nhà văn Nguyễn Đông Thức chụp hình cùng độc giả tại buổi ra mắt sách. Ảnh: NXB Trẻ

Vẻ đẹp của sự tha thứ

Mượn một câu hát trong bản tình ca Dạ khúc cho tình nhân của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã cho thấy rằng cuộc tình nào ngay từ đầu cũng đầy bất trắc. Từ chiến tranh, bệnh tật, cho đến bội bạc... không gì tồn tại một cách mãi mãi. Do đó sao không thứ tha, sao không tận hưởng những ngày hiện tại của cuộc sống này?

Như nhà văn chia sẻ, ông lấy cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết từ việc chứng kiến một mối quan hệ tan vỡ từ những người bạn của mình. Với ông bội phản, thay lòng đổi dạ… là “chuyện muôn thủa từ xưa tới nay chứ không hề hiếm. Do đó ta nên tìm hiểu và nói về nó”. Tác phẩm này cũng là lời đáp cho vấn đề đó, rằng vì sao người ta vẫn luôn cố chấp đặt ra luật lệ và rồi từ chối chia sẻ với nhau, để rồi cứ thế mọi thứ sụp đổ và thành tro tàn cuốn theo gió bay?

Trong tác phẩm này, điều đó thể hiện rõ ràng ở hai nhân vật Huy Miên và Yến. Trong khi Huy Miên cho rằng khái niệm chung thủy không hẳn chỉ đúng với duy nhất một người, mà là tất cả những người mình từng yêu thương, thì Yến lại không chấp nhận được sự dối trá cũng như hoài niệm từng có trong một tình yêu.

Khép lại tác phẩm, mượn những tư tưởng từ bi hỉ xả, thêm một lần nữa nhà văn cho thấy mọi thứ chỉ là cõi tạm, con người trong cuộc sống này thay vì cố gắng đóng khung lẫn nhau, thì hãy mở lòng và thấu hiểu nhau. Cái kết tuy có bi kịch, nhưng thông qua đó câu chuyện về sự tha thứ đã được truyền đi vô cùng cảm xúc và đầy hoài nhớ.

Như một câu nói đậm tính Phật giáo, rằng: “Để có được năng lượng yêu thương, con hãy buông bỏ hết những đau khổ buồn giận, tham sân si trong cuộc đời này. Hãy tha thứ cho lỗi lầm của người cũng như sám hối những lỗi lầm của mình. Hãy giữ cho tâm con thật thanh thản, đó là mảnh đất tốt để hạt yêu thương được nảy mầm”.

Tiểu thuyết đánh dấu hơn 40 năm viết về tình yêu của Nguyễn Đông Thức. Ảnh: NXB Trẻ

Tiểu thuyết đánh dấu hơn 40 năm viết về tình yêu của Nguyễn Đông Thức. Ảnh: NXB Trẻ

Bên cạnh thông điệp vô cùng sâu sắc, Yêu nhau trong lo âu cũng cho thấy được một sự nghiên cứu cũng như tìm hiểu vô cùng chi tiết của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Lấy bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh, tác phẩm theo đó cũng phản ánh một đời sống chung của điện ảnh nước nhà, cùng đó là những bộ phim ấn tượng, góp phần nâng cao cảm xúc cho các độc giả.

Cùng với vốn sống và thích phiêu lưu, nhiều vùng đất, phong tục, con người, ẩm thực… cũng được nhà văn mô tả vô cùng sinh động. Từ Đà Lạt, Cà Mau… cho đến Argentina ở nơi tận cùng thế giới… Độc giả đã được dịch chuyển qua nhiều vùng đất, qua nhiều không gian, từ đó tác phẩm cũng cho thấy được sự chuyển động của mình.

Viết bằng vốn sống và những quan sát có phần tinh tế, Yêu nhau trong lo âu là tác phẩm có phần chậm rãi, nhưng lại truyền tải thông điệp quan trọng về chính tình yêu và những mối quan hệ con người. Ở đó sự buông bỏ, thứ tha… sẽ là vùng đất cho những hạnh phúc nảy mầm, từ đó con người khát sống và thêm yêu nhau.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-dong-thuc-tro-lai-bang-tieu-thuyet-yeu-nhau-trong-lo-au-37731.html