Nguyên nhân 'bùng nổ' doanh nghiệp đăng ký mới những tháng đầu năm
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương đã thông tin chi tiết về nguyên nhân dẫn đến sự 'bùng nổ' doanh nghiệp đăng ký mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2025, cũng như triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương thông tin tại Họp báo. Ảnh: Chính phủ
Công tác đổi mới thể chế đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương, qua các số liệu, có thể khẳng định, tình hình doanh nghiệp đăng ký mới cũng như các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2025 hết sức tích cực.
Cụ thể, quý I/2025, doanh nghiệp đăng ký mới cũng như các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 36.400 doanh nghiệp. So với năm 2024 là tương đương, tuy nhiên nếu so với giai đoạn 2017-2023, con số này đã tăng khoảng 1,2 lần. Đặc biệt, phần vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao - tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, sự "bùng nổ" trong việc doanh nghiệp đăng ký mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động quý I/2025 xuất phát từ các nguyên nhân:
Thứ nhất, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường sản xuất, kinh doanh của Việt Nam cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế chúng ta tốt hơn. Nền kinh tế ngày càng được củng cố và nâng cao, thể hiện qua các kết quả, đặc biệt qua công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Niềm tin này cũng chịu sự chi phối và tác động rất nhiều của các tiến trình đang diễn ra trong nền kinh tế như: Quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, sắp tới đây là Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Điều này cho thấy, công tác đổi mới về thể chế đã tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp về sự cởi mở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Thứ hai, niềm tin của doanh nghiệp vào các quyết sách chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án hiện đang vướng mắc. Điều này rất quan trọng vì các dự án đang chờ các giải pháp cụ thể để tháo gỡ, tiếp tục hoạt động. Các nhà đầu tư mới, các dự án lớn đang có niềm tin vào chính sách của Nhà nước và nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thông qua các quyết sách của Đảng và Nhà nước như quyết tâm tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và định hướng trong những năm tới tăng trưởng hai con số. Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Kèm theo đó là một loạt giải pháp, chính sách có thể củng cố thêm niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thứ tư, yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng là mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này hết sức quan trọng. Chúng ta thấy rõ chủ trương lớn của Đảng trong phát triển kinh tế khu vực tư nhân, coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.
“Đây là những tác nhân, yếu tố làm cho các doanh nghiệp ngày càng có thêm niền tin vào nền kinh tế của chúng ta. Điều này dẫn đến sự “bùng nổ” trong việc doanh nghiệp đăng ký mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động những tháng đầu năm 2025” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Nâng hạng thị trường chứng khoán là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Ảnh minh họa
Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9/2025
Liên quan đến câu hỏi về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, nâng hạng thị trường chứng khoán là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng cũng như định hướng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực triển khai giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường từ “cận biên” lên “mới nổi”.
“Ở đây có 2 tiến trình song song, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa làm việc với các tổ chức nâng hạng như FTSE hay MSCI, trong đó với 9 tiêu chí của các tổ chức này, Việt Nam đã đáp ứng điều kiện nâng hạng. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, điều kiện đủ tùy thuộc sự đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Thứ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính định hướng một số giải pháp lớn nhằm gia tăng sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường, cũng như tăng cường sự ủng hộ quyết định nâng hạng của các tổ chức:
Thứ nhất, triển khai hiệu quả hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán) với nhiều tính năng mới về thanh toán, giao dịch, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc trước đó đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC, bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức - một “nút thắt” quan trọng đã được gỡ bỏ, giúp cho hoạt động đầu tư được thông suốt.
Thứ hai, rà soát sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định rõ thời hạn công ty đại chúng phải hoàn tất thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa nhằm minh bạch hóa thông tin sở hữu cho các đối tượng tham gia thị trường. Triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo Cơ chế Đối tác bù trừ trung tâm.
Thứ ba, đơn giản hóa các thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp.
“Với giải pháp này, Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam, nhằm thu hút nguồn vốn đa dạng trên thị trường chứng khoán” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin.
Thứ tư, nghiên cứu triển khai các tài khoản giao dịch tổng theo hướng ban đầu áp dụng cho các quỹ đầu tư nước ngoài, sau đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Tài khoản giao dịch tổng (OTA - Omnibus trading account) là tài khoản cho phép công ty quản lý quỹ có thể thực hiện giao dịch mua/bán chứng khoán đồng thời đối với tất cả các quỹ mà công ty quản lý và không phải thực hiện lệnh mua/bán riêng lẻ trên từng tài khoản của từng quỹ như hiện nay.
“Việc triển khai tài khoản giao dịch tổng sẽ giúp các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty quản lý quỹ có thể đơn giản hóa việc đặt lệnh cho các quỹ và đảm bảo việc khớp lệnh với cùng một mức giá cho từng quỹ mà công ty đó quản lý” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ.
Thứ năm, tăng cung hàng hóa và phát triển sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán như rút ngắn quá trình niêm yết cổ phiếu sau khi IPO (phát hành công khai lần đầu); phát triển các bộ chỉ số đầu tư bên cạnh bộ chỉ số thị trường hiện nay làm cơ sở cho hoạt động đầu tư của các quỹ...
Cuối cùng, thành lập Nhóm Đối thoại chính sách gồm các thành viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chuyên gia, quỹ đầu tư, tổ chức đầu tư quốc tế, công ty chứng khoán... để hỗ trợ quá trình nâng hạng.
“Với các giải pháp như vậy, Bộ Tài chính tin tưởng câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9/2025 này sẽ có kết quả cụ thể” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương kỳ vọng./.