Nguyên nhân gây ra thảm họa động đất kinh hoàng tại Myanmar

Trận động đất lịch sử xảy ra tại Myanmar là do các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu cọ xát vào nhau gây ra một chuyển động được mô tả là 'đứt gãy trượt ngang'.

Trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar vào trưa ngày 28/3 đã gây thiệt hại nặng nề tại nước này, ảnh hưởng đến Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc và Ấn Độ.

Phần lớn hậu quả do trận động đất này gây ra tập trung ở cố đô Mandalay của Myanmar, gần tâm chấn ở khu vực Sagaing, nơi có các tòa nhà, công trình bị đổ sập và đường xá bị nứt vỡ. Theo truyền thông nhà nước Myanmar, tính đến đêm 29/3 đã có hơn 1.600 người thiệt mạng tại nước này, con số này dự kiến có thể sẽ còn tăng cao.

Một tòa nhà bị sập ở Mandalay. Ảnh: Reuters.

Một tòa nhà bị sập ở Mandalay. Ảnh: Reuters.

Sự cọ xát của các mảng kiến tạo

Trước hết, động đất thực sự là gì? Trái đất bao gồm ba phần: lõi nóng chảy, chủ yếu là kim loại ở trung tâm, được bao quanh bởi một lớp đá nóng, gần như rắn chắc gọi là lớp phủ, với lớp vỏ bên ngoài được tạo thành từ các mảng kiến tạo liên tục dịch chuyển.

Sự chuyển động của các mảng kiến tạo trên lớp phủ trơn trượt này, với tốc độ khác nhau và theo các hướng khác nhau, khiến năng lượng tích tụ. Quá trình giải phóng năng lượng tích tụ này gây ra sự rung chuyển dữ dội trên bề mặt hành tinh mà chúng ta gọi là động đất. Khi năng lượng được giải phóng bên dưới đại dương, nó tạo ra một loạt các đợt sóng lớn được gọi là sóng thần.

Theo Will Yeck, một nhà địa chấn học thuộc Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), các trận động đất được kích hoạt "do những thay đổi về sức nén trong lòng đất ".

Vị trí của Myanmar nằm giữa hai mảng kiến tạo - mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu - khiến nơi này có nhiều nguy cơ xảy ra động đất.

Ranh giới giữa hai mảng được gọi là Đứt gãy Saigang. Các chuyên gia mô tả nó là một đường thẳng dài, chạy khoảng 1.200km từ Bắc xuống Nam qua các thành phố như Mandalay và Yangon, khiến hàng triệu người gặp nguy hiểm.

Vị trí Đứt gãy Sagaing trên bản đồ khu vực. Ảnh: Researchgate.

Vị trí Đứt gãy Sagaing trên bản đồ khu vực. Ảnh: Researchgate.

Đứt gãy Sagaing là một trong những đứt gãy lớn nhất trong cấu trúc địa chất của Cao nguyên Tây Tạng. Đứt gãy này hình thành khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm vào lục địa châu Á hàng chục triệu năm trước. Đây là một ranh giới kiến tạo nơi hai mảng địa chất di chuyển theo hướng ngược nhau với tốc độ khoảng 18 mm mỗi năm. Sự dịch chuyển này tạo ra sức căng tích tụ dọc theo đứt gãy và sau mỗi vài thập kỷ, nó được giải phóng dưới dạng một trận động đất lớn.

Vị trí tâm chấn động đất và đường đứt gãy Sagaing. Đồ họa: Quỹ Mô hình Động đất Toàn cầu.

Vị trí tâm chấn động đất và đường đứt gãy Sagaing. Đồ họa: Quỹ Mô hình Động đất Toàn cầu.

Theo USGS, trận động đất ở Myanmar xảy ra do các mảng kiến tạo Ấn Độ và Á - Âu cọ xát vào nhau theo chiều ngang, một chuyển động được mô tả là "đứt gãy trượt ngang".

Tiến sĩ Rebecca Bell, một chuyên gia về kiến tạo tại Imperial College London đã so sánh đứt gãy trượt ngang giữa hai mảng Ấn Độ và mảng Á - Âu với Đứt gãy San Andreas nổi tiếng ở California, nơi xảy ra trận động đất chết người Northridge năm 1994.

“Bản chất “trượt ngang” có nghĩa là động đất có thể xảy ra trên các khu vực rộng lớn - và diện tích đứt gãy trượt ngang càng lớn thì động đất càng lớn”, bà Bell cho biết.

Bản đồ rung lắc biểu thị độ rung lắc mặt đất do trận động đất gây ra. Ảnh: USGS.

Bản đồ rung lắc biểu thị độ rung lắc mặt đất do trận động đất gây ra. Ảnh: USGS.

Ngoài ra, Myanmar nằm ở đầu phía Đông của Vành đai Alpide, một trong những khu vực hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới. Vùng Andaman nằm ở phía Tây, vùng hút chìm hoạt động này là nơi Mảng Ấn Độ bị ép xuống bên dưới Mảng Burma với tốc độ 2-3,5 cm mỗi năm. Lịch sử chứng kiến các trận động đất lớn dọc theo vùng này đã tạo ra sóng thần, như động đất Sumatra-Andaman ngày 26/12/2004 có cường độ 9,1 độ richter xảy ra dọc theo một đới hút chìm kiến tạo trong Mảng Ấn Độ.

Lịch sử động đất tại Myanmar

Myanmar đã hứng chịu một số trận động đất kể từ sau trận động đất mạnh 7,3 độ richter ở thành phố Bago phía Nam năm 1930, khiến ít nhất 550 người thiệt mạng, theo đánh giá rủi ro động đất của Liên hợp quốc.

Số người thiệt mạng ở Myanmar sau động đất hôm 28/3 đã lên vượt 1.600 người. Ảnh: AFP.

Số người thiệt mạng ở Myanmar sau động đất hôm 28/3 đã lên vượt 1.600 người. Ảnh: AFP.

Trận động đất hôm 28/3 có thể là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Myanmar trong thời hiện đại. Trận động đất lớn nhất trước đó là vào năm 1946, với cường độ 7,6 - 7,7 độ richter, cũng xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing. Đây cũng là trận động đất đầu tiên có cường độ từ 7,0 trở lên tại Myanmar kể từ năm 1991 khi một trận động đất 7,0 độ richter xảy ra cách đó khoảng 160km về phía Bắc.

Ngoài ra, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã từng xảy ra ngay bên kia biên giới Trung Quốc vào năm 1988, cách trận động đất lần này khoảng 320 km về phía Đông, khiến 730 người thiệt mạng.

Trận động đất lớn đến mức nào?

Cường độ của trận động đất hôm 28/3 được đo theo thang độ mô men, thang này phần lớn thay thế thang Richter nổi tiếng vào những năm 1970.

Trận động đất 7,7 độ richter hôm thứ 28/3 được coi là mạnh tương đương 334 quả bom nguyên tử.

Tiến sĩ Ian Watkinson, Khoa Khoa học Trái đất tại Royal Holloway, Đại học London tin rằng, trận động đất này có thể tạo ra mức độ tàn phá tương đương với trận động đất mạnh 7,8 độ richter năm 2023 ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nhiều tòa nhà bị sụp đổ sau nhiều năm xây dựng không được kiểm soát, khiến hơn 50.000 người thiệt mạng.

Theo USGS, trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 750.000 người chịu rung lắc dữ dội, trong khi tại Myanmar, con số này lên tới 800.000 người. Đặc biệt, số người chịu rung lắc cấp độ 8-9 ở Myanmar lên tới gần 5 triệu, gấp đôi so với 2,7 triệu người của trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Dự kiến thiệt hại sẽ là bao nhiêu?

Trận động đất tại Myanmar xảy ra ở độ sâu tương đối nông - chỉ khoảng 10km.

Tiến sĩ Ian Watkinson cho biế, động đất nông có thể gây ra rất nhiều thiệt hại, vì "năng lượng địa chấn không bị tiêu tán nhiều khi chạm tới bề mặt".

Ngoài ra, trong khi một số khu vực trên thế giới nằm dọc theo các đường đứt gãy đang hoạt động, bao gồm California và Nhật Bản, có các quy định về xây dựng được thiết kế để chống chọi với động đất, thì các cơ sở hạ tầng trong khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất hôm 28/3 tại Myanmar không đáp ứng được các tiêu chuẩn để chống chọi động đất.

Tiến sĩ Watkinson cho biết thêm, Myanmar đã trải qua “quá trình đô thị hóa nhanh chóng”, với “sự bùng nổ các tòa nhà cao tầng được xây dựng từ bê tông cốt thép”.

Sự phát triển không theo quy hoạch ở các thành phố như Yangon và Mandalay dẫn đến nhiều tòa nhà không được thiết kế để chịu được lực động đất mạnh. Vì vậy, thiệt hại do động đất về nhà cửa và cơ sở hạ tầng sẽ rất lớn.

Tại Myanmar, ít nhất 2.900 tòa nhà, 30 con đường và bảy cây cầu đã bị hư hại do trận động đất. Thủ đô mới Naypyitaw và thủ đô cũ Yangon cũng bị thiệt hại. Phương tiện truyền thông nhà nước Myanmar cho biết ít nhất 1.600 người đã thiệt mạng tại nước này.

Nhiều tuyến đường ở Myanmar bị xới tung do động đất. Ảnh: AFP.

Nhiều tuyến đường ở Myanmar bị xới tung do động đất. Ảnh: AFP.

Còn tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, một tòa nhà cao 33 tầng đang xây dựng đã sụp đổ, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và khiến hàng chục công nhân xây dựng bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Liệu còn xảy ra động đất nữa không?

Theo các dự báo, các dư chấn lớn sẽ xảy ra sau trận động đất chính và nhiều dư chấn khác có thể tiếp tục trong những giờ hoặc ngày tới. “Những dư chấn này có thể khiến các tòa nhà đã bị hư hỏng sụp đổ hoàn toàn, làm cho công tác cứu hộ trở nên nguy hiểm và khó khăn hơn”, một nhà khoa học của USGS cảnh báo.

Trí Đức

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nguyen-nhan-gay-ra-tham-hoa-dong-dat-kinh-hoang-tai-myanmar-318382.htm