Nguyên nhân gói 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội chưa được giải ngân?
Gói 120.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại được NHNN chỉ đạo thực hiện từ đầu tháng 4. Tuy nhiên, tới nay lại chưa có đồng vốn nào được cho vay ra.
Ngày 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ… về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Khan hiếm nguồn cung, chưa phát sinh dư nợ
Tại Hà Nội, bất chấp thời tiết nắng nóng 40 độ C, vào cuối tuần qua, hàng nghìn người đã xếp hàng bốc thăm suất mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn. Tỷ lệ chọi các suất mua khoảng 1 chọi 9, khiến nhiều người đành "lỡ hẹn" với giấc mơ an cư. Thực tế, đã từng có nhiều dự án nhà ở xã hội mở bán, nhưng chưa từng có dự án nào có số lượng hồ sơ lớn như vậy. Bởi hiện nay, các căn hộ có giá bán dưới 20 triệu đồng quá khan hiếm.
Báo cáo tại buổi làm việc về đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại 36 địa phương đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng. Tại 4 địa phương có 7 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư với nhu cầu vốn vay khoảng 4.130 tỷ đồng.
Ngoài các dự án trên, tỉnh Bắc Giang đã công bố 12 dự án đủ điều kiện vay vốn. Một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Riêng tại Hà Nội, hiện đã có hơn 4.000 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường, và khoảng 40 dự án đang triển khai.
Trong tháng 4/2023, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vay.
Trước đó, tại hội nghị triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2011 – 2030 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 19/5, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội triển khai từ 1/4/2023 với chủ lực là 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, đến nay, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội chưa sẵn sàng; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự hấp dẫn; việc xác định giá bán nhà chưa thuận lợi đang ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội, tiến độ giải ngân vốn. Do đó, mặc dù được triển khai từ ngày 1/4 nhưng đến nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi này chưa phát sinh dư nợ.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đến hết 30/6/2023, lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ đối với chủ đầu tư 8,7%/năm và người mua nhà 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ. Thời hạn giải ngân gói tín dụng đến khi số tiền 120.000 tỷ đồng giải ngân hết, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Chủ đầu tư được vay ưu đãi 3 năm còn người mua nhà được 5 năm.
Không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản
Lý giải nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương. Thêm nữa là quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.
Cùng với đó, do các văn bản hướng dẫn mới được ban hành trong tháng 4/2023 nên các địa phương vẫn đang thực hiện lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và những đối tượng đủ điều kiện vay vốn.
Mặt khác, các ý kiến tại cuộc họp cũng kiến nghị bổ sung thêm đối tượng được vay ưu đãi là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dưới dạng cho thuê, thuê mua; kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, chủ đầu tư; đơn giản hóa thủ tục miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để “giải cứu” thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Trước mắt, các địa phương cần đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hàng tháng về tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.