Nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh

Nguồn gốc sâu xa của mất bình đẳng giới là ở một số nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore... có “mẫu số chung về văn hóa” là Nho giáo. Nho giáo hình thành chế độ gia tộc phụ hệ truyền thống, con theo họ của bố (cha), con trai mới được nối dõi tông đường, mới được vào nơi thờ tự... đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ; tâm lý “ưa thích con trai” và khát vọng “phải có con trai” để được gọi là có con đã hằn sâu trong tâm thức, tập quán người Việt.

Bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ngay cả trong ý thức và hành động của một bộ phận dân cư, dẫn đến tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, được coi là nguyên nhân đầu tiên và có ý nghĩa quyết định dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Mong muốn có con trai dẫn đến nhiều phụ nữ chỉ sinh con gái phải chịu sức ép sinh thêm con trai từ phía (cha) mẹ chồng, đặc biệt khi người phụ nữ đó là con dâu trưởng hay con dâu độc nhất trong gia đình...

Cùng với sự phát triển ngày càng tốt hơn của hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ hành nghề y dược trong và ngoài công lập có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, tạo điều kiện cung cấp chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn. Trong đó, có các kỹ thuật siêu âm sẵn có, dễ tiếp cận, ngày càng thuận tiện, chẩn đoán sớm giới tính thai nhi; những người cung cấp dịch vụ siêu âm thông báo “tế nhị” cho các bà mẹ biết trước giới tính thai nhi là trai hay gái ngày càng phổ biến.

Bên cạnh hiện tượng biết trước giới tính thai nhi đã tác động mạnh mẽ, trực tiếp tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng tăng và ở mức nghiêm trọng. Nếu giới tính thai nhi không đáp ứng được như mong muốn, nhiều cặp vợ chồng có thể quyết định phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Ngoài siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, còn sử dụng các biện pháp, kỹ thuật khác như: áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt vợ chồng, canh trứng, soi trứng để thụ thai... nhằm tăng khả năng thụ thai sinh con theo ý muốn (là trai). Các biện pháp đó được phổ biến dưới dạng tài liệu hướng dẫn, được lưu truyền giữa mọi người mà chưa có biện pháp xử lý phù hợp.

Nhận thức của người dân, đặc biệt là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, hiểu biết thiên lệch về giá trị của con trai và con gái, dẫn đến tâm lý muốn có thêm con trai để phòng ngừa các trường hợp rủi ro cũng làm tăng thêm mong muốn sinh được con trai hơn con gái. Nhiều người chồng cũng đứng về phía cha mẹ mình để đòi hỏi vợ phải sinh thêm con trai. Trước đây, sinh đẻ tự nhiên, nhiều con nên vừa đáp ứng được nhu cầu có con trai, vừa cân bằng giới tính một cách tự nhiên, nay đa số vợ chồng chỉ sinh “2 con” nên phải lựa chọn giới tính thai nhi, kết quả dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Việc thực hiện chính sách quy mô gia đình nhỏ có tác động mạnh đến việc nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai, đặc biệt là những cặp vợ chồng chỉ có con gái trong những lần sinh trước đó.

Tại điều 40, khoản 7, mục b của Luật Bình đẳng giới quy định: “Cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi”. Trên thực tế, hầu hết những bà mẹ mang thai đến khám và siêu âm, đều được người cung cấp dịch vụ siêu âm cho biết giới tính của thai nhi dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng quản lý nhà nước chưa thể kiểm soát được, chưa giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; sự hiểu biết của người dân về pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính chưa sâu, rộng. Mất cân bằng giới tính khi sinh thuộc loại mất cân bằng vật chất - nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo dự báo, tỷ số giới tính khi sinh vượt quá 115 bé trai sơ sinh/100 bé gái sơ sinh vào năm 2025 thì số nam giới trong độ tuổi 20 - 49 đến giữa thế kỷ nhiều hơn số nữ từ 15 - 44 tuổi là 2,3 triệu người. Tỷ số giới tính khi sinh sẽ tăng liên tục đến 125 bé trai sơ sinh/100 bé gái sơ sinh rồi giữ nguyên ở mức này đến năm 2050 thì số chênh lệch nam giới trong độ tuổi 20 - 49 đến giữa thế kỷ nhiều hơn số nữ từ 15 - 44 tuổi là 4,3 triệu người.

Hôn nhân ở nước ta thực hiện theo chế độ “1 vợ, 1 chồng” nhưng nam nhiều hơn nữ thì đương nhiên việc kết hôn của nam, nữ thanh niên sẽ không thể thuận lợi và có thể xảy ra tình trạng mất ổn xã hội dưới nhiều hình thức. Do “thừa” nam, “thiếu” nữ, khó khăn trong việc kết hôn, tranh giành trong hôn nhân, nam giới khó tìm được bạn đời phải sống độc thân, không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, có thể phải ra nước ngoài kết hôn... Kinh nghiệm cho thấy, đàn ông Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đã phải “xuất cảnh” tìm vợ và Việt Nam là một trong các “điểm đến”; nữ giới có thể kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn, tái hôn cao; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ.

Nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: do “thừa” nam, “thiếu” nữ nên nam giới không thể kết hôn, kết hôn muộn; tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên, mại dâm khó kiểm soát, du lịch tình dục phát triển; nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS tăng cao, nhất là nước ta ở gần các nước “khan hiếm” phụ nữ như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.

Gia tăng tội phạm xã hội: do khan hiếm phụ nữ nên xảy ra tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội, tranh giành trong hôn nhân như ngăn cản, xung đột giữa nam ở địa phương này sang tìm hiểu, kết hôn với nữ ở địa phương khác, thậm chí đã xảy ra một số án mạng; nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, mại dâm... đã xảy ra và có thể sẽ tăng lên; phụ nữ có thể bị ép buộc sinh thêm con, phá thai nhi gái, bất chấp sức khỏe và tính mạng, bị ngược đãi, phụ tình, ruồng bỏ khi không sinh được con trai; thiếu hụt lao động ngành nghề: giáo viên Mầm non, Tiểu học, hộ lý, y tá...

Mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, do đó cần triển khai hệ thống giải pháp, vừa cấp bách vừa lâu dài, tăng quyền năng của phụ nữ và giải quyết bất bình đẳng giới; giữ được sự cân bằng giới tính, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Đồng thời nâng cao nhận thức cho toàn xã hội và hệ thống chính trị về Luật Bình đẳng giới; giới và giới tính; hệ lụy xã hội nặng nề và tác động tiêu cực đối với sự phát triển của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm quy định pháp luật về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; nâng cao ý thức xóa bỏ dần quan niệm “trọng nam hơn nữ”; tuyên truyền, giáo dục nam - nữ thanh niên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không nghiên cứu áp dụng việc lựa chọn giới tính khi mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; khi mang thai hãy thuận theo tự nhiên; mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để “duy trì mức sinh thay thế”; nêu gương phụ nữ, gia đình chỉ có con gái thành đạt, hạnh phúc; tăng cường giám sát và thực thi pháp luật liên quan đến giới tính thai nhi; thu thập, thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác số trẻ em trai, trẻ em gái sinh tại các địa phương và cơ sở y tế, để nắm chắc tình hình giới tính khi sinh...

LÊ HÙNG

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/nguyen-nhan-he-luy-cua-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-127229.aspx