Nguyên nhân khiến đề xuất tiếp quản Gaza của ông Trump gây phản ứng mạnh toàn cầu

Kế hoạch gây tranh cãi của cựu Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ tiếp quản Dải Gaza và di dời người Palestine đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Đề xuất này không chỉ có nguy cơ làm xáo trộn chính sách lâu đời của Mỹ tại Trung Đông mà còn đe dọa tiến trình hòa bình mong manh giữa Israel và Hamas.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 4/2/2025. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 4/2/2025. Ảnh: Anadolu Agency/TTXVN

Theo đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL) ngày 6/2, đề xuất gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ tiếp quản Dải Gaza và di dời người Palestine đang làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đồng thời có nguy cơ làm đảo lộn chính sách lâu đời của Washington trong khu vực.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/2, ông Trump tuyên bố: "Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và chúng tôi cũng sẽ làm việc ở đó. Chúng tôi sẽ sở hữu nó". Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa làm rõ cơ chế thực hiện, đặc biệt là việc di dời 2,3 triệu cư dân Gaza.

Theo đánh giá của Azriel Bermant, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Praha, kế hoạch này "không có triển vọng thực tế" và có thể chính quyền Mỹ sẽ phải xem xét lại do gặp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía.

Một trong những lo ngại lớn nhất là đề xuất này có thể làm tổn hại đến thỏa thuận ngừng bắn đang trong thế mong manh giữa Israel và Hamas. Lệnh ngừng bắn nhiều giai đoạn đã tạm dừng hơn một năm giao tranh để đổi lấy việc thả các con tin Israel và tù nhân Palestine. Chuyên gia Bermant cảnh báo rằng đề xuất của Tổng thống Trump có thể "gây tổn hại đến khả năng giải cứu những con tin còn lại" cũng như ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về giai đoạn hai của thỏa thuận.

Phản ứng từ cộng đồng quốc tế cũng rất mạnh mẽ. Các quốc gia Arab, kể cả những nước đã bình thường hóa quan hệ với Israel, đều bác bỏ đề xuất của ông Trump về việc Ai Cập và Jordan tiếp nhận người Gaza. Nhà lãnh đạo Palestine Mahmud Abbas khẳng định "quyền hợp pháp của người Palestine không thể thương lượng".

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố việc di dời người Palestine sẽ là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế" và nhấn mạnh Gaza không thể bị kiểm soát bởi "một quốc gia thứ ba". Saudi Arabia, dù duy trì quan hệ tốt với chính quyền Trump, cũng cảnh báo sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu không có một nhà nước Palestine có chủ quyền với Đông Jerusalem là thủ đô.

Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, hiện có khoảng 2,4 triệu người tị nạn Palestine đã đăng ký đang sống tại Jordan, nhiều người trong số họ đã phải di dời qua nhiều thế hệ. Tại Ai Cập, ít nhất 115.000 cư dân Gaza đã vượt biên giới kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 10/2023.

Tại Israel, đề xuất của Tổng thống Trump nhận được phản ứng trái chiều. Trong khi phe cứng rắn trong nội các của Thủ tướng Netanyahu và một số công dân ủng hộ, coi đây là giải pháp quan trọng cho an ninh quốc gia, thì nhiều người Israel ôn hòa lại lo ngại về hậu quả. Cựu Thủ tướng Yair Lapid thậm chí ví đề xuất này như "thả một quả bom" có hậu quả khó lường.

Đề xuất của ông Trump cũng đặt ra thách thức lớn đối với chính sách truyền thống của Mỹ. Kể từ Hiệp định Oslo những năm 1990, Washington đã luôn ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó Gaza và Bờ Tây là một phần của nhà nước Palestine. Việc thay đổi lập trường này có thể tác động sâu rộng đến tiến trình hòa bình khu vực.

"Không có thế lực nào trên thế giới có thể quyết định người Palestine sẽ sống ở đâu. Đây là lãnh thổ của chúng tôi. Ông Trump không thể quyết định chúng tôi sẽ sống ở đâu. Chúng tôi sinh ra ở Gaza và chỉ có cái chết mới có thể đưa mọi người ra khỏi Gaza", Samir al-Barawi, một người tị nạn Palestine ở Bosnia chia sẻ.

Như nhận định của chuyên gia Bermant, mối quan ngại lớn hơn là liệu Tổng thống Trump có cho phép chính quyền Israel sáp nhập Bờ Tây hay không, điều mà nhà phân tích này cho rằng sẽ là "một sự thay đổi lớn" trong chính sách của Mỹ. Khi được hỏi về vấn đề này, ông Trump chỉ bình luận rằng Israel là "một quốc gia nhỏ về mặt diện tích", để ngỏ khả năng ủng hộ kế hoạch sáp nhập trong tương lai.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo RFE/RL)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguyen-nhan-khien-de-xuat-tiep-quan-gaza-cua-ong-trump-gay-phan-ung-manh-toan-cau-20250206145710475.htm