Nguyên nhân mùa cúm năm nay bùng phát mạnh

Các chuyên gia nhận định năm nay là mùa cúm bùng phát mạnh nhất trong gần một thập kỷ với số lượng ca bệnh, nhập viện và tử vong gia tăng.

 Dịch cúm năm nay lan rộng hơn. Ảnh: Thạch Thảo.

Dịch cúm năm nay lan rộng hơn. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC), tình hình dịch cúm đang tiếp tục gia tăng tại quốc gia này, số ca dương tính với virus cúm và lượng người phải nhập viện cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Trong mùa cúm năm nay, US CDC ước tính đã có ít nhất 13 triệu ca bệnh, 120.000 trường hợp phải nhập viện và 7.300 ca tử vong (trong đó có hơn 21 trẻ em) do cúm.

“Chúng ta đang đối mặt với một trong những mùa cúm tồi tệ nhất kể từ đại dịch cúm lợn H1N1 năm 2009. Áp lực từ dịch cúm ngay từ đầu mùa năm nay đã nhanh chóng vượt qua mức độ trung bình 13 năm qua”, BS Robert Glatter, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lenox Hill, nói.

Các chuyên gia cho rằng có 3 yếu tố chính góp phần vào mức độ nghiêm trọng của dịch cúm năm nay: Sự thống trị của biến chủng virus cúm A, tỷ lệ tiêm phòng cúm thấp và các hạn chế liên quan Covid-19 được nới lỏng”.

Dịch căng thẳng từ biến chủng virus cúm A

Ngược dòng quá khứ, mùa cúm 2009-2010 bắt đầu sớm và ghi nhận số ca mắc tăng nhanh, tương tự năm nay. Tuy nhiên, mùa cúm 2009-2010 xuất hiện một biến chủng cúm mới được đặt tên là H1N1.

BS Shanthi Kappagoda, chuyên khoa truyền nhiễm, phó giáo sư lâm sàng về y học và bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Stanford, nói : “Khi đó, một loại vaccine cúm riêng biệt đã được tạo ra để bảo vệ cộng đồng trước biến chủng chủng này (H1N1). Tuy nhiên, mùa cúm năm nay không phải do một chủng virus mới như vậy”.

 Virus cúm A có thể là nguyên nhân cho sự bùng phát dịch năm nay. Ảnh minh họa: CDC.

Virus cúm A có thể là nguyên nhân cho sự bùng phát dịch năm nay. Ảnh minh họa: CDC.

Mặc dù không có chủng cúm mới nào lây lan, hầu hết virus đang xuất hiện trong cộng đồng hiện nay là cúm A. Theo dữ liệu của US CDC, trong số virus cúm A được phát hiện trong mùa này, 76% là virus cúm A (H3N2) và 24% là virus cúm A (H1N1).

Michael Jhung, Phó giám đốc khoa học dịch tễ học tại phòng Cúm của US CDC, nói: “Thông thường, virus H3N2 có liên quan đến các điều kiện khắc nghiệt hơn, nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi”.

Các chủng virus cúm loại A thường gây diễn biến bệnh nặng hơn, tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong.

Glatter cũng cho biết cúm A là virus cúm duy nhất từng gây ra đại dịch cúm và có thể lây lan nhanh giữa người với, nhất là ở nhóm ít hoặc không có khả năng miễn dịch.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp

Theo Glatter, tỷ lệ tiêm phòng cúm có thể là một lý do khác khiến số ca mắc cúm, nhập viện và tử vong năm nay tăng cao.

Một cuộc khảo sát quốc gia năm 2022 của Tổ chức Quốc gia về các Bệnh Truyền nhiễm (NFID) cho thấy 41% người trưởng thành không chắc chắn hoặc không có kế hoạch tiêm vaccine phòng cúm trong mùa 2022-2023 vì lo ngại rằng vaccine không hiệu quả và sẽ có tác dụng phụ.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy trong 5 người Mỹ nguy cơ cao mắc các biến chứng liên quan đến cúm sẽ có một người không có kế hoạch tiêm phòng trong mùa cúm này.

Glatter cho biết: “Tỷ lệ tiêm phòng cúm thấp ở Mỹ hiện nay là do tâm lý bài trừ vaccine cùng các thông tin sai lệch liên quan vắc xin mRNA. Điều này kết hợp với việc tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang kém đã gây ra những hậu quả ban đầu”.

Hạn chế từ Covid-19 được nới lỏng

Trong đại dịch Covid-19, nhiều người đã tuân theo các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh tụ tập đông người. Điều này đã giúp ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác như cúm.

 Một số thói quen tốt trong dịch Covid-19 khi giảm bớt sau dịch có thể gián tiếp làm virus cúm lây lan. Ảnh minh họa: kristine_wook.

Một số thói quen tốt trong dịch Covid-19 khi giảm bớt sau dịch có thể gián tiếp làm virus cúm lây lan. Ảnh minh họa: kristine_wook.

BS Kappagoda cho biết: “Các biện pháp này đã giúp giảm đáng kể số ca mắc cúm. Điều này cũng có nghĩa chúng ta sẽ ít tiếp xúc với virus cúm hơn. Tuy nhiên lại vô tình hạn chế khả năng phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên với bệnh cúm”.

Từ đây, các chuyên gia cho rằng việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang, những thay đổi trong hành vi xã hội, cộng đồng ngày càng miễn cưỡng tiêm vaccine và tâm lý kiệt quệ chung với các biện pháp phòng ngừa Covid-19 có thể ảnh hưởng đến số ca mắc cúm.

Glatter nói: “Cúm không phải là vấn đề lớn trong hai năm qua do người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, mọi người làm việc tại nhà và ít tham gia các sự kiện tụ tập đông người. Các hành vi xã hội đó có thể có tác động đến tốc độ lây lan của virus cúm từ góc nhìn về dân số”.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-mua-cum-nam-nay-bung-phat-manh-post1385181.html