Nguyên nhân nào khiến người trẻ bị đột quỵ?

Gần đây có nhiều người trẻ bị đột quỵ mà phần lớn đều không biết mình có bệnh nền hoặc dấu hiệu cảnh báo từ trước. Nhiều người sau khi chơi thể thao, gục ngay tại sân bóng, được đưa đi cấp cứu mới biết bị đột quỵ.

Tháng 2/2024, một nam thanh niên ở Tuyên Quang đang đá bóng thì kêu với đồng đội mệt và ra sân nằm nghỉ. 30 phút sau, người dân phát hiện nam thanh niên không cử động, mất ý thức và gọi cấp cứu. Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đột quỵ, dù đã cấp cứu hồi sức tim phổi tích cực nhưng nạn nhân không qua khỏi do thời gian phát hiện muộn.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tập phục hồi vận động.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tập phục hồi vận động.

Tại Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận một số trường hợp đột tử trong khi đang đá bóng, vào viện cấp cứu thì đã ngừng tim, không thể cứu chữa. Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca nhập viện điều trị đột quỵ có chiều hướng gia tăng trong vài năm gần đây, từ 1,7% lên tới 2,5%, với tỉ lệ nam cao gấp 4 lần nữ. Bệnh có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở độ tuổi 20, thậm chí trẻ hơn, tỷ lệ ở người trẻ tuổi đột quỵ đang tăng ở mức 2% mỗi năm. Đặc biệt, đã có một số trường hợp bị đột quỵ khi đang chơi thể thao, khi đang tắm hoặc sau khi tắm.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đột quỵ khi chơi thể thao có hai nhóm chính: Xảy ra trên người có bệnh lý nền mà không biết, hay gặp ở người dị dạng mạch máu não (phình mạch máu não) hoặc có bệnh lý tiềm tàng về viêm cơ tim, gây ra nhồi máu cơ tim cấp, hoặc xuất huyết não cấp; do chơi thể thao gắng sức quá, ham mê quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của mình.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh phân tích, người ở nhóm thứ nhất rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng, khi tai biến hoặc đột quỵ xảy ra mới biết. Còn những người ở nhóm thứ hai, lẽ ra khả năng chỉ chạy được 5km, sau tập luyện đẩy lên chạy 10km, 20km, nhưng họ lại cố gắng chạy 50km, thậm chí 70km… nên không phù hợp. Cơ thể con người chỉ có ngưỡng nhất định, nếu vượt quá ngưỡng đòi hỏi phải tập luyện một quá trình lâu dài để thích nghi. Nếu thúc đẩy nhanh quá trình đó, cơ thể dẫn tới quá tải, quả tim bị suy không cung cấp đủ máu, phổi phải hoạt động liên tục mới trao đổi được oxy.

“Tim chỉ hoạt động khoảng 90 nhịp/phút, nếu đẩy lên 180-200 nhịp/phút là quá nhanh, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn tới suy tim cấp và đột quỵ. Biến chứng nặng nhất của người chơi thể thao mà chúng tôi hay gặp là suy tim cấp và đột quỵ”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nói.

Theo các bác sĩ, có 7 yếu tố nguy cơ khiến người trẻ bị đột quỵ: Rối loạn chuyển hóa mỡ máu; béo phì, lười vận động; tăng huyết áp; đái tháo đường; sử dụng chất kích thích; bệnh lý dị dạng mạch máu não; hút thuốc lá thường xuyên. Biến chứng đột quỵ ở người trẻ nói riêng cũng như di chứng đột quỵ nói chung vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Nặng nề hơn, người trẻ bị đột quỵ nếu không được cấp cứu vào “giờ vàng” (trong 6h đầu), có thể sống đời sống thực vật vĩnh viễn, tốn nhiều chi phí điều trị và tạo áp lực cho bản thân, gia đình và xã hội.

Theo khuyến cáo của BS, ở người trẻ, nên hạn chế thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh tình trạng ngủ ít, thiếu ngủ; nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài; có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau củ và trái cây, không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ; không sử dụng chất kích thích, rượu, bia; thường xuyên tập thể dục thể thao và khám tầm soát các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… để phòng bệnh đột quỵ hiệu quả nhất.

Những ngày hè nóng bức, với người chơi thể thao, BS Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo, những môn thể thao đòi hỏi vận động lớn như bóng đá, chạy đường dài chỉ phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Người bình thường nhịp tim có thể 70-90 nhịp/phút, khi mới chơi thể thao nhịp tim sẽ đẩy lên cao, sau trở lại bình thường, vì vậy người mới chơi thể thao cần luyện tập từ từ, không nên tăng nặng ngay. Người chơi môn chạy cần có phương tiện đi kèm để đo nhịp tim, không được để nhịp tim lên cao quá, chỉ đến 120 nhịp/phút là phù hợp và phải khởi động kỹ, bắt nhịp tăng dần để quả tim bóp cần có quá trình thích nghi.

BS cũng cho biết, đột quỵ tái phát thường rất nặng và nhiều trường hợp tái phát đến lần thứ 3-4. Khi có dấu hiệu méo miệng, tay chân đột nhiên yếu liệt, không giơ tay giơ chân lên được, nói không tròn tiếng, nói khó, nói ngọng thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp “giờ vàng” can thiệp, đem lại cơ hội hồi phục tốt nhất.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nguyen-nhan-nao-khien-nguoi-tre-bi-dot-quy--i733335/