Nguyên nhân nào khiến ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TPHCM tăng cao?
'Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM khác thường so với mọi năm và ô nhiễm cục bộ tăng'- đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hoàng Văn Thức nhấn mạnh tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 14/10, tại Hà Nội.
Cũng theo ông Hoàng Văn Thức, mưa ít, hiện tượng nghịch nhiệt và việc chưa quản lý tốt nguồn gây ô nhiễm... là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM. Đáng chú ý, hiện tượng ô nhiễm trong năm nay có khác thường so với mọi năm và rất nghiêm trọng, mức ô nhiễm cục bộ tăng lên.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, riêng tháng 9 vừa qua là thời điểm ít mưa nhất trong 6 năm trở lại đây, đồng thời cũng là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, bụi không phát tán lên cao nhiều như mọi khi do giao mùa.
Đặc biệt, khu vực ngoại thành Hà Nội, người dân đốt rơm rạ khói ảnh hưởng một phần không khí của Thủ đô. Trước đó, tháng 3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan trắc và có cảnh báo nguyên nhân, nếu không kiểm soát tốt nguồn gây ô nhiễm mà vẫn tồn tại ô nhiễm từ các nguồn phác thải từ giao thông, xây dựng cũng như thói quen sinh hoạt của người dân sẽ tác động xấu đến môi trường đặc biệt là môi trường không khí.
Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức, đánh giá từ năm 2013 đến nay, chất lượng không khí ở các đô thị ở Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng không khí luôn tăng, giảm cục bộ trong ngày và phụ thuộc vào vị trí của từng trạm quan trắc. Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, trong thời gian từ ngày 12-29/9/2019, nồng độ bụi PM2.5 đều có xu hướng tăng.
Đặc biệt từ 15-17/9 và 23-29/9 có thời điểm, nồng độ bụi tăng hơn 75%, giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam. Qua việc theo dõi, phân tích số liệu quan trắc nhiều năm qua cho thấy, xu hướng biến động của nồng độ bụi PM10 và PM2.5 tại thành phố Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Nếu đặt các trạm quan trắc ở khu vực điểm nóng ô nhiễm như những nơi có mật độ giao thông cao, cạnh các công trình lớn đang xây dựng,... thường chất lượng không khí kém hơn.
Để xác định chất lượng không khí toàn Hà Nội phải căn cứ vào mật độ trạm đo. Sắp tới, Tổng cục Môi trường sẽ thiết kế các trạm quan trắc không khí cố định liên tục, kết nối với các trạm của các địa phương và đưa thông tin ô nhiễm thực của cả quốc gia lên điện thoại cho người dân cập nhật.
Tại TPHCM, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa, chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP cho thấy, từ ngày 1-23/9/2019 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.
Cũng theo kết quả so sánh của Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số thành phố trong khu vực châu Á (số liệu của 15 trạm quan trắc tự động đặt do Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ lắp đặt tại các thành phố của một số nước châu Á trong giai đoạn 2016 -2018) cho thấy, thành phố Hà Nội năm 2016, 2017 đứng thứ 10 trên 15 thành phố, năm 2018, đứng vị trí 11/15 thành phố có chất lượng không khí kém.