Nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh phải vào viện điều trị liên tục?

Bé Bình An, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang khi sinh cân nặng 2,8kg, chỉ tăng 1kg trong 3 tháng đầu và liên tục phải nhập viện điều trị do viêm phổi.

Chị Nguyễn Thị Hường, mẹ của Bình An kể, bé hay ốm, khoảng 20 ngày con lại phải vào viện điều trị bệnh viêm phổi. Khi con mắc viêm phổi phải điều trị ở BV Sản Nhi Bắc Giang, qua thăm khám bác sĩ phát hiện con bị dị tật thông liên nhĩ và còn ống động mạch nhưng khi đó con còn bé nên chưa thể can thiệp.

"Bệnh tim bẩm sinh làm thể trạng con yếu, da xanh xao hay bị viêm phổi tái đi, tái lại. Con được 89 ngày tuổi, cân nặng 3,8kg bác sĩ đề nghị cần phẫu thuật tim để tránh biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe", chị Hường nói.

BSCKI Nguyễn Minh Cường, Phó Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang, người trực tiếp phẫu thuật tim cho Bình An thông tin, bệnh nhi mắc 2 dị tật tim bẩm sinh kết hợp đó là thông liên nhĩ và còn ống động mạch. Bệnh này tiến triển nặng sẽ gây biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp tim, đặc biệt là tăng áp động mạch phổi.

Kíp phẫu thuật mổ tim tại BV Sản Nhi Bắc Giang

Kíp phẫu thuật mổ tim tại BV Sản Nhi Bắc Giang

Qua kết quả siêu âm tim và điện tim cho thấy bệnh nhi có tổn thương thông liên nhĩ lỗ thứ phát đường kính 9x15mm shunt trái và phải, còn ống động mạch kích thước lớn (đường kính phía phổi 3mm, đường kính phía chủ 5,9mm, dài ống 7.0mm shunt trái, phải), thất phải giãn, động mạch phổi giãn.

Chụp X-Quang thấy bóng tim to, rốn phổi đậm. Đây là nguyên nhân khiến Bình An mắc viêm phổi tái diễn và chậm lớn. Trường hợp này cần phải được phẫu thuật sớm vì nếu để lâu sẽ nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhi.

So với những trường hợp dị tật tim bẩm sinh thông liên thất và thông liên nhĩ mà bác sĩ BV Sản Nhi Bắc Giang đã từng phẫu thuật, trường hợp của Bình An gặp nhiều khó khăn hơn bởi bệnh nhi có thể trạng gầy yếu, nhẹ cân (3,8kg) lại bị thông liên nhĩ và còn ống động mạch ở mức độ rất nặng. Vì vậy, quá trình phẫu thuật bác sĩ hết sức thận trọng, tỉ mỉ trong từng thao tác tránh tổn thương cơ tim của trẻ.

Bước vào ca phẫu thuật, hệ thống máy tuần hoàn chạy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể được thiết lập, các bác sĩ rạch da đường thẳng dọc giữa xương ức, mở màng tim bộc lộ tim bệnh nhi. Quan sát thấy còn có ống động mạch lớn kích thước 3x5x5mm, phẫu thuật viên thắt ống động mạch bằng chỉ Ethibond 3-0. Sau khi thắt, kiểm tra huyết động ổn định.

Hệ thống máy chạy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể được thiết lập

Hệ thống máy chạy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể được thiết lập

Kíp phẫu thuật thực hiện cho chạy máy tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO), mở dọc nhĩ phải, thấy tổn thương trong tim là lỗ thông liên nhĩ thứ phát kích thước 9x15mm, xung quanh có gờ, vách, phẫu thuật viên tiến hành vá lỗ thông liên nhĩ bằng miếng vá màng ngoài tim tự thân, kiểm tra lỗ thông liên nhĩ và van 3 lá đều được đóng kín, tim đập trở lại nhịp xoang (tần số 110 chu kỳ/phút), kíp phẫu thuật khâu đóng vết mổ thành ngực theo các lớp giải phẫu.

2 giờ căng thẳng trong phòng mổ, ca phẫu thuật vá lỗ thông liên nhĩ và thắt ống động mạch cho bé Bình An đã thành công, mạch, huyết áp và nhịp tim bệnh nhi ổn định.

BSCKI Phạm Văn Khôi, BS phụ trách gây mê hồi sức cho bệnh nhi kể về khó khăn khi thực hiện: Với bệnh nhi nhẹ cân, thể trạng gầy yếu, khi thực hiện thủ thuật đặt hệ thống nội khí quản, đặt Catheter huyết áp động mạch xâm lấn hay Catheter tĩnh mạch trung tâm trước khi tiến hành phẫu thuật chúng tôi gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình phẫu thuật phải theo dõi sát vấn đề thông khí, thăng bằng toan - kiềm, khí máu để sau khi mổ, tim bệnh nhi đập lại nhịp xoang bình thường. Hoàn thành ca phẫu thuật tim, bệnh nhi được dùng thêm một số thuốc vận mạch có tác dụng gây co mạch, tăng sức co bóp cơ tim, dùng thuốc an thần, hồi sức, thở máy và chuyển sang hồi sức.

BSCKI Nguyễn Minh Cường, Phó Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang khuyến cáo:

Với trẻ đã được phẫu thuật tim bẩm sinh cần có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đặc biệt sau phẫu thuật. Phụ huynh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Thường xuyên cho trẻ đi tái khám định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm/lần cho tới khi sức khỏe trẻ hoàn toàn ổn định.

Phụ nữ mang thai nên đi sàng lọc trước sinh ngay khi bé còn trong bụng mẹ tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhằm phát hiện sớm tim bẩm sinh của thai nhi.

Bên cạnh đó, ngoài thăm khám lâm sàng bởi các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh, việc khám sàng lọc sau khi sinh cho trẻ chào đời đủ tháng hoặc non tháng bằng các xét nghiệm, thăm dò chức năng (siêu âm tim, điện tim, X-Quang) cũng quan trọng nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh vào danh sách theo dõi, khám định kỳ và thực hiện chỉ định mổ ở thời điểm thích hợp, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện nay, với sự phát triển của phẫu thuật tim, trẻ có thể được phẫu thuật ngay từ khi còn nhỏ để tránh các biến chứng có thể xảy ra. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 98% bệnh nhi tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống bình thường.

Hiền Chúc (BV Sản Nhi Bắc Giang)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-nao-khien-tre-so-sinh-phai-vao-vien-dieu-tri-lien-tuc-169240825220912211.htm