Nguyên tắc thiết kế giếng trời cho nhà ống thoáng mát

Giếng trời giúp lấy gió, lấy sáng vào mọi góc, mang đến không gian thoãng đãng, rất phù hợp với nhà ống.

Giếng trời là gì?

Giếng trời là khoảng không gian được thiết kế theo phương thẳng đứng, thông từ tầng trệt đến mái của ngôi nhà. Giếng trời cho ánh sáng tự nhiên và không khí từ bên ngoài vào nhà, tạo không gian thông thoáng.

Giếng trời gồm 3 phần chính: đỉnh giếng, thân giếng và đáy giếng. Trong đó, đỉnh giếng là phần trên của giếng trời, thường có mái che. Mái che có thể bằng kính, nhựa hoặc kim loại.

Thân giếng là phần trung gian của giếng trời, có chức năng dẫn ánh sáng và gió vào nhà. Thân giếng có thể làm từ các vật liệu như gạch, gỗ hoặc composite.

Đáy giếng là phần dưới cùng, thường được trang trí bằng tiều cảnh hoặc cây xanh.

Dưới đáy giếng trời thường được trồng cây hoặc thiết kế tiểu cảnh. (Ảnh: Net Zero Solutions)

Dưới đáy giếng trời thường được trồng cây hoặc thiết kế tiểu cảnh. (Ảnh: Net Zero Solutions)

Nguyên tắc khi thiết kế giếng trời cho nhà ống

Để giếng trời phát huy hiệu quả tối đa, khi thiết kế giếng trời cho nhà ông cần chú ý những nguyên tắc sau:

Vị trí đặt giếng trời

Giếng trời có thể đặt ở nhiều vị trí như phòng khách, bếp, cầu thang...Mỗi ngôi nhà có diện tích và ưu nhược điểm riêng, do đó cần xem xét kỹ lưỡng để có thể bố trí giếng trời ở một khu vực hợp lý.

Với nhà ống có lợi thế chiều dài, có thể đặt giếng trời ở giữa hoặc cuối nhà. Nếu nhà nhỏ hơn, có thể chọn vị trí cầu thang để tiết kiệm diện tích và tối ưu ánh sáng.

Hệ thống thoát nước

Thiết kế hệ thống thoát nước sàn thực sự cần thiết, nhất là những giếng trời không có mái che. Khi đó, cần phải tính toán kỹ nhằm tránh tình trạng ngập nước trong nhà.

Nếu thiết kế tiểu cảnh hoặc trồng cây dưới giếng trời, cần có phương án xử lý nước để cây không bị chết vì úng.

Mái che

Khi thiết kế mái che giếng trời cần định hướn để ánh sáng chiếu vào giếng. Chất liệu mái che nên là loại chịu nhiệt, chống tia UV và truyền sáng hiệu quả. Đặc biệt, mái che phải vững chắc, chịu được gió, mư, bão.

Trang trí

Ngoài phần tiểu cảnh ở đáy giếng, có thể tô điểm cho phần thân giếng bằng cách ốp đá, gỗ, treo giỏ cây, tạo không gian bắt mắt.

Chức năng chính của giếng trời cho nhà ống là cung cấp ánh sáng, mang đến sự thông thoáng. Do vậy, không nên thiết kế rườm rà, nhiều chi tiết vì có thể ảnh hưởng đến chức năng lưu thông.

Tiêu âm

Không nên làm phẳng nhẵn tường phía trong giếng trời, thay vào đó hãy thiết kế mảng nhám giúp tiêu âm, tránh vọng âm thanh.

Bằng Lăng (tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguyen-tac-thiet-ke-gieng-troi-cho-nha-ong-thoang-mat-ar924587.html