Nguyễn Tấn Đạt, ông chủ đàn cá 3D 7000 con
Nghệ nhân vẽ tranh Cá 3D Nguyễn Tấn Đạt thuộc thế hệ 8X nửa sau, chỉ trong 5 năm đã là một 'ông chủ' sở hữu khoảng 7000 con cá với hơn 2000 tác phẩm nghệ thuật tranh cá 3D, chưa kể anh còn đang sáng tạo chủ đề mới – những tác phẩm nghệ thuật về văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam bằng đất sét…
Ngay từ nhỏ Nguyễn Tấn Đạt đã có đam mê hội họa, nhưng điều kiện gia đình chưa cho phép để theo đuổi môn nghệ thuật khá tốn kém này. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, thay vì theo đuổi công danh sự nghiệp bằng tấm bằng Luật, Đạt rẽ lối khác, quyết thỏa đam mê từ nhỏ của mình là nghệ thuật hội họa. Bắt đầu là nghiên cứu và vẽ tranh “Thủy Mặc Lĩnh”, là loại hình nghệ thuật hội họa khó, tinh tế và gần như rất ít người trẻ thích, đã dần mai một.
Rồi Đạt còn dấn thân vào nghệ thuật thư pháp tiếng Việt. Những bức thư pháp của Đạt viết trong các dịp lễ dân gian hay Tết Nguyên đán không chỉ là “rồng bay phượng múa”, mà còn ẩn tàng hàm ý những sâu xa về vẻ đẹp văn hóa truyền thống Việt từ những câu thơ, câu đối, chữ…, qua nét viết linh hoạt mà mềm mại, tinh tế mà khỏe mạnh, khí chất phóng khoáng mà hài hòa, sắc sảo mà tao nhã …
Nhưng có lẽ bước ngoặt trong đam mê hội họa của Đạt chính là năm 2013, khi một lần xem video nghệ thuật vẽ cá 3D của nghệ nhân Riusuke Fukahori, Nhật Bản, trên nhựa resin, anh đã như bị thôi miên với vẻ đẹp lung linh sống động của những bức tranh cá 3D. Kể từ đó, giống như bị những con cá bỏ bùa mê, Đạt quyết tâm theo đuổi loại hình nghệ thuật này.
Khởi đầu không phải đã xuôi chèo mát mái, bởi vì chất liệu nhựa resin tại Việt Nam lúc đó còn khá hiếm, rất ít ai sử dụng, mà số người dùng gần như không chia sẻ vì như một bí mật kỹ thuật bởi là chất liệu dùng trong một số sản phẩm mang lại lợi nhuận cao... Hơn nữa giá thành của nó cũng cao. Nhưng khó khăn về chất liệu không làm Đạt chùn nhiệt huyết và đam mê khám phá thử sức lĩnh vực mới.
Ham học hỏi, chịu khó truy tìm các tài liệu trên mạng và cả ở một số bạn bè trong ngoài nước, rồi thực nghiệm từ kỹ thuật pha chất liệu, phương pháp vẽ 3D, trải qua khá nhiều lần thất bại, 2 năm sau - 2015, Đạt đã hoàn thành bức tranh cá 3D đầu tiên. Khó khăn trong việc vẽ tranh cá 3D đó là làm chủ được chất liệu resin, có hơn 1.000 loại nhựa khác nhau và công thức pha chế cũng không giống nhau. Điều này đòi hỏi phải thử nghiệm rất nhiều loại nhựa, cân đo đong đếm thật chính xác.
Đặc biệt là tới năm 2016, Đạt đã thành công và nắm được bí quyết trong công thức chế tác nhựa serin “made in Đạt”. Đạt không ngại ngần chia sẻ: “Nếu pha dư xúc tác nhựa, có thể dẫn đến tỏa nhiệt, nguy cơ cháy cao hoặc bề mặt nhựa bị rỗ. Ngược lại nếu pha ít xúc tác thì nhựa không bao giờ đóng rắn và giữ nguyên trạng thái lỏng. Bọt trong các tác phẩm phải khử rất công phu và qua nhiều giai đoạn, nếu dùng keo không tốt, sau 1 tuần lễ, tranh cá sẽ ngả vàng”...
Vẽ cá cũng phải dùng màu acrylic pha thêm các phụ gia khác, mới tạo được màu giống cá thật. Việc dùng màu cũng phải trải qua nhiều thử nghiệm khác nhau. Có nhiều loại màu khi tương tác với nhựa lỏng sẽ bị loang màu, hoặc độ bền màu bị mất đi.
Khác các môn hội họa khác với vẽ airbrush, nghệ thuật tranh cá 3D là một phương pháp vẽ theo hướng điêu khắc dựng hình, chồng các lớp vẽ xen kẽ lớp keo (layer by layer), khéo léo dụng màu sắc phù hợp phủ từng lớp màu lên đến khi thành con cá hoàn chỉnh kết hợp cùng độ trong của nhựa resin, tạo không gian 3 chiều, đánh lừa thị giác người xem, nhìn sinh động như cá thật đang bơi trong nước. Khi vẽ tranh cá, cần sự kiên nhẫn vì phải chờ đợi keo khô (có thể từ 8- 20 giờ tùy theo loại keo).
Ngay cả khi vẽ cá, cũng là những trải nghiệm thực tế, phải nghiên cứu về cấu tạo của các loại cá khác nhau, cấu trúc khớp xương, tập quán, cách bơi của từng loại cá…, phải trải qua nhiều giờ ngắm kỹ cá rồi ký họa hoặc chụp ảnh lưu giữ lại, để khi dựng hình tỷ lệ phải chuẩn, vẽ con cá cũng thật sinh động.. Và để luôn có “mẫu nguyên gốc nguyên bản”, Đạt nuôi cả bầy cá để ngay trong phòng vẽ của mình, thú vị nhất, là anh còn thành công cả việc cho cá sinh sản, có lúc chúng sinh sôi nhiều quá, không còn chỗ nuôi, phải mang cho.
Để sản phẩm mang phong cách dân gian Việt Nam, Đạt đưa những chi tiết mộc mạc như tre, nứa, gỗ dừa, đất nung… kết hợp vào tranh cá., cũng như anh chọn những loài cá “made in Vietnam”, như cá vàng, cá bảy màu, cá bống, cá thòi lòi,...
Sau gần 5 năm tự mày mò tự nghiên cứu quy trình vẽ tranh cá 3D, cho đến nay, Đạt đã sáng tạo ra gần 5.000 tác phẩm tranh vẽ lớn nhỏ các loại với hơn 7000 con cá. Và hàng ngàn tác phẩm đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế như: Mỹ, Pháp, Úc, Nhật, Singapore… Bản thân anh được mọi người đặt “nghệ danh”- Đạt Cá 3D. Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam - Viện Kỷ lục Việt Nam hiện đang đề xuất Kỷ lục “Nguyễn Tấn Đạt - người sáng tác tranh cá 3D trên chất liệu resin nhiều nhất Việt Nam”
Hướng tới con số trên 20.000 con cá, hướng phát triển mới của Đạt là đồng hành cùng các nghệ nhân Việt, phát huy những nghề thủ công tinh xảo Việt Nam như nghệ nhân hoa đất sét, gáo dừa thủ công mỹ nghệ, gốm sứ thuần Việt, đưa các sản phẩm mỹ nghệ Việt chất lượng cao ra thị trường, đồng thời kết hợp với du lịch, tạo thành sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa Việt.
Tết Nguyên đán 2021, nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Đạt không chỉ đưa ra những bầy cá Tam Đa, Ngũ Phúc, Bát Lộc…, mà còn làm ngỡ ngàng những ai yêu văn hóa truyền thống Việt với một loạt mẫu tái hiện những tinh tế ẩm thực Việt bằng đất sét, từ mâm cơm rước ông bà ngày Tết của ba miền Nam Trung Bắc: Bánh tét, bánh chưng, gà luộc, xôi gấc, nem chua, giò chả măng miến, thịt kho hột vịt…, đến hơn 40 món ẩm thực sông nước Nam bộ như: Cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui, cá khô, đuông dừa, mắm cá linh, cá thòi lòi, cua đồng, bông điên điển, canh khổ qua nhồi thịt... , hay 25 món bún Việt như: Bún riêu, bún ốc, bún cá, bún mắm, bún chả, bún mọc…, được tái hiện khéo léo, tỉ mỉ, chi tiết, màu sắc y hệt, rất sinh động.
Thật ra ngay từ lúc TP Hồ Chí Minh giãn cách lần 1 tháng 4/2020, Đạt đã lấy thời gian đó mày mò nghiên cứu, “chơi” với đất sét, thể nghiệm các loại đất sét của Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc.., và sau cùng kết luận, đất sét Việt Nam phù hợp nhất để tạo nên sản phẩm mang hồn cốt thuần Việt và thể hiện được cả tình cảm của Đạt trong tác phẩm.
Đạt muốn thông qua các tác phẩm, giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về một nền văn hóa ẩm thực Việt giàu có, phong phú, nhiều hương vị thiên nhiên…, để người Việt thêm yêu đất nước, để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam…
Và ở lần thứ 2 giãn cách ở TP Hồ Chí Minh, hỏi Đạt làm gì trong hai tuần này, anh chia sẻ: “Cũng bận rộn lắm, làm những clip đăng trên youtube dạy các bí quyết vẽ cá 3D, dạy quay phim bằng điện thoại thông minh, dạy thư pháp, vẽ tranh thủy mặc… Kể cả những chia sẻ các địa chỉ có thể mua nguyên vật liệu giá rẻ, chất lượng… Và nghiên cứu thêm sách về văn hóa ẩm thực Việt cả ba miền, để ngoài tranh cá 3D thì còn là những sản phẩm đất sét tái hiện các món ăn đặc trưng của ba miền, đặc biệt là các món ẩm thực cung đình Huế. Tôi muốn trong Festival Huế kỳ tới sẽ có sản phẩm của tôi tham dự, một dịp giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế”./.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguyen-tan-dat-ong-chu-dan-ca-3d-7000-con-n194271.html