Nguyễn Thụy Kha đi xa, câu ca vàng sương khói
Tôi quen nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ngày chân ướt chân ráo từ nước ngoài về tập tọng viết văn và theo nghề báo chí, năm 1991. Có thể do tôi may mắn và quảng giao nên chưa có chút vốn liếng văn học nào cầm tay nhưng được các bậc đàn anh gọi đến các cuộc nhậu nhẹt.
Nhậu bằng rượu sắn (đựng trong chiếc săm ô tô cũ), thức ăn sang lắm là vài bộ lòng gà xào măng, còn thì đa phần là lạc rang hoặc nem thính (thính trộn với da lợn luộc thái nhỏ). Chuyện văn chương, nhân tình thế thái luôn rôm rả. Trong đó, Thụy Kha và Nghiêm Bá Hồng là hai người dẫn dắt, điều khiển. Nhưng nếu có thêm Phạm Tiến Duật hay Nguyễn Trọng Tạo thì Thụy Kha lại ít nói hoặc im hẳn. Ông bảo với tôi: “Nhường bạn cho êm, mà nhường ai chứ hai ông ấy thì cũng đáng”.

Thế rồi tôi nhanh chóng vào nghề. Thụy Kha lúc đó vừa ra quân, hàm đại úy, nhưng phục viên về một cục, đang tìm việc làm. Anh rủ tôicùng làm một tờ tạp chí.
Sau này, hai anh em vẫn chơi với nhau thân thiết. Anh thuê một phòng trong dãy phòng của cơ quan tôi ở Tràng Thi làm văn phòng. Buổi trưa, đó là nơi gặp gỡ. Cũng từ đó mà tôi bắt đầu thích nghiên cứu âm nhạc và thân với nhiều nhạc sĩ. Dường như, Nguyễn Thụy Kha thân với cả giới nhạc sĩ. Ông hiểu họ, hiểu từ cá tính, lối sống đời thường, hiểu triết lý âm nhạc và khả năng sáng tạo của họ nên họ khá thân thiết. Cũng vì những bài phê bình, giới thiệu với công chúng về tác phẩm và tác giả, về những buổi biểu diễn của ông mà tên tuổi các nhạc sĩ tỏa sáng hơn trước mắt công chúng. Vì thế nên các nhạc sĩ rất quý ông. Ông có ý thức sưu tập từ trong máu, có trong tay nhiều tư liệu quý về âm nhạc. Trí nhớ cực tốt, bài hát nào, của ai sáng tác năm nào, hỏi là có đáp số ngay tắp lự. Có những bài hát mất bản gốc, ông dùng đàn ký âm lại giúp cho tác giả. Ông làm tư liệu cho Hội nhạc sĩ, bao nhiêu bài hát qua các thời kỳ của nền âm nhạc Việt. Ông giúp NXB Hội Nhà văn làm cuốn tư liệu Nhà hát lớn Hà Nội 100 năm tuổi. Nhưng ông còn có nhiều tư liệu về các nhà văn nữa. Không chỉ thân thiết với những người đồng thời như Thanh Tùng, Ngọc Tân, Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, ông là người đặt tên 4 người đó là “Bộ tứ Sông Hồng” và giới văn nghệ chấp nhận. Bên thơ văn có Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Ngô Thảo, Trần Vũ Mai, Nguyễn Trọng Tạo, Đỗ Nam Cao, Nghiêm Đa Văn… Rồi các bậc cao niên nổi tiếng như: Hoàng Cầm, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Trịnh Công Sơn… Ông có tài hội nhập với các nhóm, ở nhóm nào ông cũng có thể làm chủ tình hình. Nổi tiếng chiều bạn và không nề hà viết bài khen bạn. Bạn từ Nam ra Băc, và ngược lại, từ Bắc vào Nam. Bạn vong niên, từ cao tuổi đến các ca sĩ mới vào nghề. Có 3 giai đoạn thân thiết, như cặp bài trùng: một với Nguyễn Trọng Tạo, một với Đỗ Quang Hạnh và một với Lê Thiết Cương. Đi đâu cũng có nhau. Người này là chỗ dựa của người kia khi tung hứng một vấn đề gì.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha (bên phải) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thời trẻ.
Người đời bảo Kha lắm tài nhiều tật. Có lẽ đúng. Ông rong chơi mút mùa. Uống ngày này sang ngày khác. Nhiều khi đại ngôn. Đôi khi bắt nạt, cả tiếng với những kẻ đến cầu cạnh nhờ vả. Rất đa tình. Nhưng mặt khác ông lại là người làm được rất nhiều, để lại thành tựu bởi sức làm việc vô biên. Đang uống rượu, nhưng nếu có người gọi đến đặt bài, ông đều nhận lời và không biết ông viết vào lúc nào, đều xong hết. Có lẽ là đêm. Ông sống bằng nhuận bút. Viết vì thích, vì cảm xúc thôi thúc, viết vì trách nhiệm, vì cần phải sống, nhưng nhiều khi ông cũng viết vì tình. Tình với người hay với tác phẩm mà đôi khi là chợt đến tay ông chứ cũng không vì người ta nhờ. Điều đó khiến tôi trọng ông hơn. Đọc rất kỹ càng, có tài tóm tắt, bắt thần tác phẩm và viết rất trúng, rất hay, mà có khi chả vì đồng nào. Thời gian ông lập công ty tổ chức biểu diễn, tôi có làm với ông mấy năm. Khi tôi về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng mời Nguyễn Thụy Kha cộng tác. Ông giúp cho Trung tâm phát hiện những ca khúc được sử dụng, lưu hành có trong danh sách của Trung tâm mà không biết ai là tác giả. Chỉ cộng tác thôi chứ Thụy Kha vẫn làm công ty riêng, việc mở tài khoản, đóng thuế, hạch toán, hóa đơn đỏ ông rất rành. Cũng có người bảo ông là người chặt chẽ. Nhưng tôi đoán đó là với những người. ông ghét. Nhiều khi tôi thấy ông rất hào phóng. Đôi ba lần ông nhờ tôi chuyển tiền cho người này người nọ, bảo với tôi rằng ông không thể không giúp đỡ người đó, dù chỉ gặp có một lần… Ông cũng là người chiều bạn bè và nhẫn nhịn với những người đáo để ghê gớm hơn. Đa tình, song lại rất thủy chung... Không bao giờ ông rời phòng làm việc sau 5 giờ chiều, không bao giờ bỏ cơm chiều, luôn về ăn cùng vợ. Vợ ông thân thiết với tôi, bà cho biết ngay cả điện thoại buổi tối ông cũng không gọi, không nghe, không đọc tin nhắn để tránh cho bà những xúc cảm không cần thiết.
*
Ông có một gia tài sáng tác khổng lồ trên nhiều lĩnh vực: thơ, nhạc, tạp văn, tiểu thuyết, báo chí và bình luận văn học nghệ thuật, khó có thể kể hết những đầu sách và các tác phẩm mọi thể loại của ông đã xuất bản. Ông cũng đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2023.
Thơ tình của ông tôi rất ấn tượng với những bài có nhiều sương và mưa. “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa” (Không đề). Hay bài “Chiều không em”: “Chiều không em, chiều buồn không em/ Trời đầy mây mà trời một mình/… Chiều không em, mặt hồ buồn tênh/ Trái tim ta ai ném bên thềm…", đã trở thành ca khúc được yêu thích do Phú Quang phổ nhạc. Những vần thơ về người lính của ông cũng vô cùng ấn tượng. “Thế là tôi đã cởi áo lính, một thanh xuân vô tư… Tôi cởi những thập niên máu xanh/ Đến bao giờ máu tôi đỏ lại…".( Cởi).
*
Kể từ khi biết, tôi chưa bao giờ thấy Thụy Kha ốm. Trong tôi luôn là hình ảnh một Thụy Kha to cao lừng lững, làm việc như một thợ cày, và uống như hũ chìm. Nhưng sau khi nhạc sĩ Phó Đức Phương mất, tôi thôi không còn làm việc ở Trung tâm bảo vệ quyền âm nhạc Việt Nam nữa thì tôi không gặp Nguyễn Thụy Kha. Tháng 8 năm ngoái, bất ngờ gặp trong cuộc nhậu do nhạc sĩ Trần Tiến tổ chức, tôi không tin ở mắt mình, Thụy Kha quá gầy và không còn sức uống. Tôi hiểu ông có vấn đề về sức khỏe. Nhưng ông thì không nghĩ mình bệnh. Thế rồi… sau khi con gái ông ép phải đi viện khám và kết luận là phải điều trị, bệnh hiểm nghèo.
Nằm viện Đại học Y. Khi tôi đến thăm, thấy xót xa vì gương mặt điển trai ngày nào giờ tiều tụy…
Dù biết ông lâm bệnh nặng, nhưng khi nghe tin ông rời cõi thế, tôi vẫn bàng hoàng thương xót. Một con voi khổng lồ đã không còn nữa, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để lại một khoảng trống trong giới văn nghệ nước nhà.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguyen-thuy-kha-di-xa-cau-ca-vang-suong-khoi-10302703.html