Nguyễn Tiến Ngọc... mài

Mài ở đây không chỉ có nghĩa trực tiếp chỉ động tác mài, mà còn có nghĩa gián tiếp là quá trình mài giũa để đạt tới sự tiến hóa trong nghệ thuật sơn mài. Mài cũng là tên triển lãm cá nhân lần thứ 2 của họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc ( 1982) vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội, từ 14 đến 18-10), trưng bày 24 tác phẩm, gồm: 22 bức tranh sơn mài và 2 tác phẩm sắp đặt.

Hòa hợp 3.

Hòa hợp 3.

Trước hết, anh xác tín mình trên những không gian nhiều chiêm cảm. Ở đó, Nguyễn Tiến Ngọc để cho ký ức đan bện trong nôn nao những dự tưởng, rẩy run cùng khát vọng dẫn mở các cuộc đối thoại, dắt dìu chân tâm trở về soi chiếu dưới ánh sáng của tự tánh, qua những hình thể, những biểu tượng, những con đường... Ở đó, anh đi hết mình với những phức điệu cảm xúc, nỗ lực đến tận cùng trong cách thức biểu đạt các chủ đề để tự làm mới ngôn ngữ tạo hình của mình bằng những biến tấu, những điệu nhịp, những thể thức tự bạch đa - sắc - màu. Ở đó, Nguyễn Tiến Ngọc kết hợp nhận thức và sự hiểu biết về chất liệu sơn mài, cùng phương pháp và các biến động thời đại, rồi tạo ra những ánh sáng huyền ảo trong những không gian tự do, đầy những ẩn dụ suy tư. Ở đó, anh mở rộng cảm quan về phía không gian tâm tưởng, đi sâu khám phá các sắc tướng từ chính ánh sáng của trực giác, vô thức và tự ngã. "Sau 5 năm âm thầm mài, tôi thấy bản thân đã trải qua sự tăng tiến tích cực trong từng tác phẩm sơn mài. Qua quá trình mài còn giúp tôi hiểu sâu hơn về học thuật của bản thân. Tôi coi vẽ như là một nghi thức thực hành tôn giáo"- Nguyễn Tiến Ngọc chia sẻ.

Sự xác tín đó, anh đã bộc lộ qua cái nhìn đầy trách nhiệm trước hiện thực cuộc sống nhiều bề bộn, khi ngợi ca tinh thần say mê lao động, sự sẻ chia yêu thương giữa người với người để cùng nhau đi đến hạnh phúc. Thông điệp ấy, Nguyễn Tiến Ngọc khẽ rung lên qua việc tả chất hình tướng đôi bàn tay. Nó cũng là niềm mong cầu về một thế giới hòa điệu, nơi mọi xung đột hay sự khác biệt đều có thể gỡ bỏ nhờ biết lắng nghe từ chính những điều riêng biệt.

Thi nguyên 4

Thi nguyên 4

Mặc dù tả rất kỹ, rất chất hình tướng đôi tay, nhưng hội họa của Nguyễn Tiến Ngọc không chú trọng lắm đến hình tướng. Anh chủ tâm về không gian. Nguyễn Tiến Ngọc tâm sự: "Đối với tôi, không gian làm chủ vạn vật, là nguồn trưởng dưỡng muôn loài, là con đường dẫn dắt nhân sinh đi tới ánh sáng tự tâm. Mỗi tác phẩm trong series mài là một không gian hư cấu, một cảnh giới thiên đường trong tâm thức, một biểu tượng linh thiêng - nơi tôi muốn tìm về dựa nương. Chốn không gian ấy, cũng là nơi tôi thuộc về. Tôi đã thông qua cầu nối là những ánh sáng, những hình tượng, những mảng màu, những không gian thị hiện trên những tác phẩm hội họa của mình để đi đến với những điều tốt đẹp, cái cao cả".

Do không bị ràng buộc bởi những hình tướng hoặc sự vật cụ thể nên con đường giãi bày ẩn ức nội tâm của anh gần như chỉ là tiếng reo vỡ cảm xúc. Nguyễn Tiến Ngọc đã tạo ra những bước nhảy về không gian, ánh sáng, mảng màu... để kể những câu chuyện rất riêng về đời sống.

Ẩn thức ấy, anh còn biểu đạt qua 2 tác phẩm sắp đặt. "Ý tưởng về những mùa vụ bội thu chợt lóe lên trong đầu tôi. Tôi đã sử dụng các vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam như tô, bát, đĩa..., kết hợp với chất liệu sơn mài truyền thống, rồi bối trí chúng trên nền trải những hạt lúa vàng để làm nên 2 tác phẩm sắp đặt. Ý nghĩa của tác phẩm, gắn với ý niệm mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Ngoài ra, nó còn là để tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc"- Nguyễn Tiến Ngọc cho biết.

Nghệ thuật sơn mài của anh là nghệ thuật chiếm lĩnh những không gian tồn tại trong tâm tưởng. Ở đó, các hình thể được Nguyễn Tiến Ngọc phủ dụ bằng một thứ ánh sáng phản quang, ma mị và êm dịu, đầy những chiêm nghiệm và tưởng tượng.

Trịnh Chu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguyen-tien-ngoc-mai-post285397.html