Nguyễn Văn Thiên Vũ, CEO Công ty cổ phần Đặc sản Kinh đô: Từ bầu trời công nghệ đến chiều sâu văn hóa
Từng tiên phong phát triển công nghệ máy bay không người lái ứng dụng trong nông nghiệp, Nguyễn Văn Thiên Vũ bất ngờ rẽ sang hướng giữ gìn, bảo tồn văn hóa. Là người con xứ Huế, anh tin rằng, sự trở về lần này mang lại cho mình một cuộc sống mới, trọn vẹn hơn và hạnh phúc hơn.

CEO Nguyễn Văn Thiên Vũ.
“Muốn làm gì đó cho quê hương”
Không ít người bất ngờ khi biết tin Nguyễn Văn Thiên Vũ chọn khởi nghiệp lần thứ hai, ở một lĩnh vực tưởng chừng rất ít liên quan đến dự án trước đó của anh. Tiên phong phát triển công nghệ máy bay không người lái (drone) trên cánh đồng Việt Nam, từng rong ruổi đưa những cánh drone lướt gió khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Vũ quyết định chuyển giao việc điều hành Công ty cổ phần Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam cho người khác.
Anh chuyển về sinh sống ở quê nhà - TP. Huế, cùng vợ chuẩn bị cho sự ra đời của em bé thứ hai. “Đi nhiều, làm nhiều, tôi tự hỏi, điều gì quan trọng trên thế gian này? Tôi nhận ra, với mình, gia đình vẫn là quan trọng nhất. Tôi muốn theo đuổi một công việc mà mình có thể gắn bó cả đời, nhưng vẫn có thời gian để dạy dỗ, dẫn dắt con cái”, Vũ tâm sự.
Thực tế, Vũ dừng điều hành AgriDrone và chỉ tham gia ở vai trò tư vấn từ đầu tháng 4/2025. Nhưng trước đó, trong giai đoạn Covid-19, anh cùng vợ con đã chuyển về Huế. Quá trình sinh sống tại quê nhà khiến anh nhận ra, Huế dù là cái nôi của nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhưng lại không được nhiều du khách ưu ái lựa chọn. Nếu muốn trải nghiệm du lịch tại miền Trung, đa phần mọi người thích đến Đà Nẵng hơn là đến Huế, vì sự thiếu hụt trong dịch vụ trải nghiệm của mảnh đất cố đô.
“Tôi nghĩ, mình phải làm gì đó cho quê hương. Công nghệ giúp tôi chinh phục bầu trời, nhưng văn hóa và ẩm thực mới là thứ giữ tôi lại với cội rễ”, Vũ nói về hướng đi của mình.
Trở về Huế để khởi nghiệp lần này, Vũ chọn kết hợp với những người trẻ đã và đang trải qua nhiều thăng trầm trên con đường bảo tồn di sản Huế, cùng họ tạo thành một đội nhóm vững mạnh. “Một người khó làm tốt tất cả mọi thứ. Trước đây, tôi thành công với AgriDrone, một phần nhờ tìm đúng người”, anh bày tỏ.
Vũ tìm được một nhóm bạn trẻ đã “chinh chiến khởi nghiệp” trong suốt 10 năm. Anh đánh giá, các bạn có tư duy tốt về sản phẩm, nhưng gặp khó trong việc xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hợp tác cùng họ, trong vai trò CEO Công ty cổ phần Đặc sản Kinh đô, Vũ đã tiến hành nhiều cải tiến về thương mại. Đơn cử, trong cách đóng gói hạt sen, anh gợi ý, không đóng gói 1 - 2 kg, mà chuyển sang dạng gói nhỏ (10 - 20 hạt), tiện để bán cho khách du lịch kèm những câu chuyện về nguồn gốc phía sau.
“Nếu cứ để những người trẻ loay hoay một mình, họ sẽ không nhận về giá trị tương xứng với công sức bỏ ra. Lâu dần, tình yêu, nhiệt huyết của họ cũng sẽ bị mài mòn bởi nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền. Tôi muốn tham gia cùng họ và sau này có thể kêu gọi nhiều người con xứ Huế cùng trở về giải bài toán này”, Vũ tâm sự.
Xây dựng hệ sinh thái để phát huy các giá trị truyền thống của Huế
Tại Huế, Công ty cổ phần Đặc sản Kinh đô không phải doanh nghiệp đầu tiên chuyên sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm đặc sản của Huế. Nhưng CEO Nguyễn Văn Thiên Vũ tin rằng, thị trường còn nhiều tiềm năng, do vẫn chưa có thương hiệu nào định hình ở vị trí “top of mind” (đứng đầu trong tâm trí
khách hàng).
Dưới sự dẫn dắt của Vũ, đến nay, Công ty Đặc sản Kinh đô đã hợp tác chiến lược với 2 nhà máy sản xuất, tập trung vào 5 dòng sản phẩm chính, gồm sen hồ Tịnh Tâm, bánh bột lọc, tinh chất lá chè xanh, bánh gạo mầm và sợi mì từ bột chuối xanh. Các sản phẩm này được Công ty phối hợp với người dân địa phương để tuyển chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo, sản xuất quy mô lớn thay vì làm thủ công, nhỏ lẻ.
“Nhiều người Huế vẫn chưa quen với tư duy làm đặc sản, nhưng phải làm lớn. Nhiều bạn trẻ nghĩ chỉ cầm khoảng 100.000 đồng là ‘ăn sập’ Huế. Chúng tôi không khuyến khích kiểu tư duy này. Sản xuất phải theo quy mô, hàng hóa bán ra phải đúng với giá trị”, CEO của Đặc sản Kinh đô nhấn mạnh.
Đặc biệt, không chỉ chuyên môn hóa khâu sản xuất, Công ty còn hướng tới mở rộng kênh phân phối, gắn sản phẩm với các giá trị văn hóa lâu dài của Huế. Tháng 4 vừa qua, Công ty khai trương khu tổ hợp văn hóa - ẩm thực Đặc sản Kinh Đô, tại tòa nhà Sống Centre Huế (đường Bà Triệu). Đây là không gian đầu tiên tại Huế kết hợp các dịch vụ và trải nghiệm, bao gồm trình diễn - thực hành di sản, ẩm thực truyền thống và quà tặng đặc sản.
Khu tổ hợp văn hóa - ẩm thực Đặc sản Kinh Đô phát triển theo hướng “tất cả trong một”, khách du lịch có thể tìm thấy những món đặc sản và đồ lưu niệm mang đậm màu sắc của Huế hay có cơ hội trải nghiệm ẩm thực xứ cố đô với đầy đủ hương vị xưa. Nhưng quan trọng hơn, tổ hợp cũng có khu vực riêng để mỗi người tự mình khám phá các câu đố về lịch sử, trải nghiệm bản đồ văn hóa tương tác, tìm hiểu di tích, làng nghề, đặc sản của Huế theo cách nhẹ nhàng mà đầy kết nối.
Ngoài ra, tổ hợp còn bố trí không gian để khách trải nghiệm những dáng áo truyền thống như ngũ thân, nhật bình..., từ đó, du khách có cơ hội hóa thân thành những quý cô, công tử xứ Huế và lắng nghe những câu chuyện xưa được thêu bằng vải, bằng kim chỉ và bằng cả tình yêu di sản.
“Chúng tôi muốn mang đến du khách một Huế gần gũi mà cũng đầy mới mẻ, trong hình hài của một điểm đến văn hóa - ẩm thực - trải nghiệm hoàn chỉnh. Văn hóa không chỉ là thứ để giữ, mà là thứ để sống”, Vũ chia sẻ.
Tháng 5 này, Đặc sản Kinh Đô cùng đối tác sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Mỹ, như một dấu mốc khẳng định sản phẩm mang giá trị văn hóa Huế đủ sức vươn tầm thế giới. Công ty xác định tầm nhìn dài hạn là trở thành tổ chức dẫn đầu Đông Nam Á về đặc sản, bảo vệ chuỗi cung ứng và nâng cao sinh kế cho người dân Huế, biến Huế thành trung tâm văn hóa không chỉ của Việt Nam, mà còn của khu vực Đông Nam Á.