Về thăm nơi lưu dấu chân Bác Hồ ở Hà Tĩnh

Gần thời điểm kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), nhiều người dân Hà Tĩnh về thăm những nơi Bác Hồ từng đến, ghi nhớ lời Người căn dặn, từ đó tiếp thêm động lực phát triển quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay.

Sáng 15/5, nhiều cán bộ, người dân địa phương có mặt tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh ở thành phố Hà Tĩnh, trong không khí trang nghiêm, thành kính. Hôm nay, các cháu trường Mầm Non Hà Huy Tập cũng đến tham quan, dâng hoa, dâng hương tại đây.

Giáo viên, học sinh trường Mầm non Hà Huy Tập dâng hoa, dâng hương ở Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Giáo viên, học sinh trường Mầm non Hà Huy Tập dâng hoa, dâng hương ở Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Ông Từ Công Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin Thành phố Hà Tĩnh cho biết, mùa hè năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác Trung ương thăm và nói chuyện với cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Bác dự Hội nghị Mặt trận, nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đến thăm nhà nghỉ cơ quan Tỉnh ủy, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 812 vừa tập kết từ miền Nam ra.

Tại buổi nói chuyện, Bác biểu dương những thành tích Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục.

"Những lời căn dặn của Người đến nay vẫn là kim chỉ nam cho cán bộ, nhân dân toàn tỉnh trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương", ông Hải nói.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin Thành phố Hà Tĩnh cũng cho hay, kỷ niệm chuyến thăm đặc biệt ấy, tỉnh đã xây dựng Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh trên diện tích hơn 10.000m² ngay trung tâm thành phố. Khuôn viên gồm nhiều hạng mục ý nghĩa như nhà thờ, tượng đài, nhà truyền thống, cầu ao, hồ sen... nơi gìn giữ những dấu ấn về tình cảm sâu nặng mà Bác Hồ dành cho Hà Tĩnh.

Khu lưu niệm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Công trình được tôn tạo, nâng cấp nhiều lần, gần nhất là năm 2022, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản tinh thần đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong chuyến thăm năm 1957.

Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Huy Hoàng, Quản lý Khu lưu niệm xúc động nói: “Tôi được chứng kiến rất nhiều tình cảm của người dân Hà Tĩnh, cũng như các địa phương khác dành cho Bác. Không chỉ dịp lễ, ngày thường vẫn có nhiều người đến tưởng nhớ và tri ân. Điều đó khiến tôi càng trân trọng công việc của mình hơn và luôn nhắc bản thân phải có trách nhiệm cao trong từng việc nhỏ”.

Toàn cảnh Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Toàn cảnh Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, một địa điểm khác lưu dấu tuổi thơ của Bác Hồ ở Hà Tĩnh thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan là di tích Đền Cả Tổng Du Đồng (xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đây là nơi Bác Hồ thời niên thiếu theo thân sinh của mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến dạy học.

Trải qua năm tháng, địa danh này lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng, trở thành niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh trên hành trình tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang mà Bác từng vun đắp.

Ông Võ Đình Thi, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh dẫn các tư liệu lịch sử, cho hay, Đền Cả Tổng Du Đồng (còn gọi đền Hàng Tổng) là một trong những di tích văn hóa, lịch sử tiêu biểu của vùng đất học.

Đền được xây dựng cuối thời Lê (khoảng đầu thế kỷ XVI), thờ Hương cống Bùi Thúc Ngật - người có công khai khẩn đất hoang, lập làng, mở trường dạy học, phát triển nông nghiệp và nghề nuôi tằm cho cư dân vùng tây Đức Thọ.

Đền Cả Tổng Du Đồng là nơi Bác Hồ thời niên thiếu theo thân sinh của mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến dạy học.

Đền Cả Tổng Du Đồng là nơi Bác Hồ thời niên thiếu theo thân sinh của mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến dạy học.

Dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786), đền được ban sắc phong “Lương Uy Phụ quốc Trí dũng Hùng lược Hiền lương Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần”. Các đời vua Nguyễn về sau đều tiếp tục sắc phong, ghi nhận công lao của vị thành hoàng được nhân dân tôn kính.

Theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử và lời kể của các bậc cao niên trong vùng, năm 1903 - 1904, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dẫn theo con trai Nguyễn Sinh Cung (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đến dạy học tại Đền Cả Tổng Du Đồng. Trong thời gian lưu lại, Bác Hồ nhiều lần tham dự các buổi đàm đạo giữa cụ Sắc và bô lão, trí thức địa phương, những buổi sinh hoạt học thuật mang đậm tinh thần khai sáng, yêu nước, trọng chữ nghĩa.

Ngày nay, Đền Cả Tổng Du Đồng không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là “địa chỉ đỏ” trong hành trình giáo dục truyền thống. Các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức cho học sinh đến tham quan, học tập. Những câu chuyện về Người, tên đất, tên làng, đã trở thành di sản tinh thần ý nghĩa của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.

Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Đức Đồng khẳng định: “Chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời vận động xã hội hóa để tôn tạo, làm đẹp cảnh quan khu di tích. Hằng năm, ngày rằm tháng 6 âm lịch, địa phương tổ chức lễ hội Đền Cả nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử đặc biệt gắn với Bác Hồ”.

Ông Hiệp khẳng định, thấm nhuần lời Bác căn dặn "Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên", Đảng bộ và nhân dân tỉnh không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh, xanh - sạch - đẹp, xứng đáng niềm tin mà Bác Hồ gửi gắm.

Tuyết Mây

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ve-tham-noi-luu-dau-chan-bac-ho-o-ha-tinh-192250515153656083.htm