Nguyên vẹn những mùa xuân
“Đừng về Chiêm Quốc nhé, Huyền Trân.
Ta viết thơ này gửi cố nhân.
Năm mới tháng giêng mồng một tết,
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”.
BPO - Những câu thơ trong bài “Nhạc xuân” đầy vẻ tượng trưng của thi nhân Nguyễn Bính đã minh chứng cho giá trị vĩnh cửu của ngày tết Việt. Hồn cốt của ngày tết đặc biệt ở chỗ: Người Việt dành thời gian mở đầu một chu kỳ tuần hoàn của tạo hóa - mùa xuân - để thực hiện những nghi thức kết nối với tổ tiên, nguồn cội. Đây là mỹ tục “độc nhất vô nhị”, phong tục được lưu giữ qua hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc ta…
Mỹ tục từ văn hóa làng xã
Làng xã là nơi từ bao đời nay người Việt sinh sống, lao động, sản xuất và tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tinh thần. Ở những làng xã, miền quê có nhiều đình, chùa, miếu mạo, với vô vàn hình thức sinh hoạt cộng đồng trong dịp tết, ta càng cảm nhận rõ phong vị đặc biệt của ngày tết cổ truyền dân tộc. Đây là nơi ấp ủ và trao truyền qua bao thế hệ những thuần phong mỹ tục, tạo thành văn hóa làng đầy tình nghĩa, nhân văn.
“Câu đối đỏ dán cửa
Lồng đèn rực sáng choang,
Liễn, tranh treo lịch sự,
Nhà nhà vui hân hoan”
Khi những hình ảnh đầy sắc màu này xuất hiện là tết đã đến bên thềm… Hàng thế kỷ đã trôi qua cho đến xuân Quý Mão này, giá trị của tết Việt vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, đô thị hóa và nhịp sống hiện đại khiến không gian tết ở thành thị ngày càng bị thu hẹp, dần mất đi hương sắc cổ truyền... Chỉ ở những làng quê, không gian tết Việt đậm chất xưa với những giá trị truyền thống vẫn được lưu giữ.
Dựng cây nêu ngày tết là phong tục lâu đời của người Việt Nam
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè
Ở các làng xã, khi cây nêu được dựng ở đình làng thì các gia đình mới được dựng ở khuôn viên nhà mình. Đây là một trong những nghi lễ không thể thiếu vào dịp tết cổ truyền. Cây nêu là biểu tượng của sự thiêng liêng, tránh những xui xẻo và mang lại may mắn cho người dân trong năm mới. Chốn phồn hoa đô hội làm sao có cảnh sắc này? Bởi cây nêu ngày tết phải đứng cạnh sân đình, bến nước, những chủ thể chỉ có ở làng xã. Dân gian quan niệm, dựng cây nêu ăn tết không chỉ là dấu mốc quan trọng của tết Việt mà còn mang ý nghĩa là cây vũ trụ nối liền giữa đất và trời, thể hiện triết lý âm dương giao hòa và cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, cuộc sống người người, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Dựng nêu còn có ý nghĩa đánh dấu đất có chủ, ma quỷ không được dòm ngó, quấy nhiễu.
Và chỉ vào những ngày tết, mỹ tục của người Việt mới được tái hiện. Đó là tục “Đầu năm mua muối - cuối năm mua vôi”, là “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, là việc đi xin chữ từ những ông đồ, là xông đất, hái lộc đầu năm… Những mỹ tục ấy mãi vẹn nguyên và là “sợi chỉ xanh óng ánh” tiếp tục trao truyền qua bao thế hệ.
Mùa xuân tinh khôi còn là dịp để nhân dân tri ân, tưởng nhớ đến các vị thần linh, thành Hoàng được thờ cúng trang trọng ở đình, chùa, đền, miếu… Nhân dân ta quan niệm các bậc thánh thần siêu nhiên luôn bảo trợ cho sự bình an, thịnh vượng của từng gia đình, cộng đồng làng xã. Họ cũng chính là nơi kết nối vô hình, là điểm tựa tinh thần cho cộng đồng người Việt, giúp mọi người sống nhân văn hơn, đạo đức hơn, tử tế hơn.
Lẽ đương nhiên, thờ cúng tổ tiên, ông bà cũng là truyền thống tốt đẹp của người Việt trong ngày tết. Ông bà ta dạy “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên”, nghĩa là: Người sinh trăm tính, hiếu thảo đứng thứ nhất. Cũng từ lòng hiếu thảo đó, dù khó khăn đến mấy thì tết vẫn là dịp để người người, nhà nhà kính cẩn “rước” ông bà, tổ tiên về ăn tết.
Những mùa xuân hào hùng
Cứ mỗi độ xuân về, cùng với vô vàn sắc màu văn hóa tết, người Việt có một truyền thống đẹp là tưởng nhớ những mùa xuân chiến thắng rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Những hoạt động này thường gắn liền với lễ hội xuân, trường tồn qua bao thế hệ.
Mùa xuân năm 40, Trưng Trắc và Trưng Nhị vì nợ nước, thù nhà đã lãnh đạo nhân dân đứng dậy khởi nghĩa. Từ Hát Môn, hai bà đã cùng nhân dân đánh chiếm được thành Luy Lâu. Thái thú lúc bấy giờ là Tô Định hoảng sợ, cạo tóc, cạo râu chạy bán mạng về nước. Sự kiện này được tái hiện qua lễ hội đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) được tổ chức long trọng vào mùa xuân,.
Mùa xuân năm 1077 đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược trên sông Như Nguyệt, do Lý Thường Kiệt chỉ huy tiêu diệt quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu (Bắc Ninh), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ II (1075-1077). Đây cũng là thời điểm ra đời bài thơ thần nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam - Nam quốc sơn hà.
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1789 cũng lưu danh sử sách với đại thắng quân Thanh của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Sự kiện đi vào lịch sử dân tộc và tâm hồn người Việt Nam như một trong những mùa xuân đẹp nhất của đất nước, mang sức sống diệu kỳ, ý chí kiên cường và nghị lực phi thường của cả dân tộc. Đây là chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, biểu hiện đỉnh cao của lòng yêu nước, nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo và sáng tạo trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Vào mùa xuân Canh Ngọ 1930, lịch sử dân tộc ta có mốc son mới chói lọi với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - là mùa xuân đầu tiên nhân dân ta có Đảng. Kể từ mùa xuân ấy, con thuyền cách mạng Việt Nam đã có người cầm lái, vượt qua bao hiểm nguy, khó khăn, thử thách để cập bến bờ vinh quang. Trong giai điệu mừng xuân thánh thót, ta xúc động biết bao khi được nghe những lời ca đi cùng năm tháng: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng”, “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng”, “Đảng là cuộc sống của tôi”. Những lời ca tiếng hát góp phần tô thắm mùa xuân tươi đẹp, trường tồn của dân tộc.
Trên mảnh đất Bình Phước thân yêu, mùa xuân cũng ghi dấu với chiến thắng lịch sử: giải phóng Phước Long ngày 6-1-1975. Lần đầu tiên, ta tiến công giải phóng hoàn toàn một tỉnh lỵ ở miền Nam, uy hiếp trực diện tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn của địch. Qua đó, giúp Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuân Quý Mão 2023 đánh dấu chặng đường 36 năm đổi mới, thành quả của chặng đường ấy sẽ là nền móng, động lực để đất nước viết tiếp trang sử mới: Đất nước hùng cường, dân tộc thái bình, bờ cõi được giữ vững, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sống trọn vẹn cùng mùa xuân của dân tộc…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/141028/nguyen-ven-nhung-mua-xuan