Nhà báo Chí Tuấn – Báo Đại biểu Nhân dân: Nhớ mãi giây phút linh thiêng

Hải trình 12 ngày đến thăm quần đảo Trường Sa có lẽ là chuyến đi nhiều cảm xúc nhất của hơn 200 thành viên Đoàn công tác số 6. Đặc biệt, đối với các nhà báo, được tham gia tác nghiệp Trường Sa là một trải nghiệm không bao giờ quên. Mỗi nơi đi qua, đã để lại biết bao kỷ niệm, cảm xúc, đó là những câu chuyện về lòng yêu nước, sự kiên cường, về nghị lực, về tinh thần lạc quan của những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió này.

“Hết giờ nghỉ! Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”

Trường Sa luôn là mảnh đất mơ ước được đặt chân đến một lần trong đời của rất nhiều người. Bởi đây là biểu tượng của tình đoàn kết, của niềm tự hào dân tộc, của tình yêu quê hương đất nước. Khi cầm quyết định công tác đi Trường Sa, tôi ngỡ ngàng, không tin niềm mơ ước bấy lâu nay của mình giờ đã thành hiện thực.

Hải trình kéo dài 12 ngày đến với Trường Sa của chúng tôi đã đọng lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc đan xen. Đó là buổi họp “kín” của đại diện lãnh đạo Cục Chính trị Quân chủng Hải quân với các nhà báo để thông báo hải trình của chuyến đi, những quy định trong việc tuyên truyền về biển, đảo, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tác nghiệp tại Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Nhiệm vụ đầu tiên nhóm nhà báo chúng tôi phải thực hiện là chuẩn bị viết một bản tin phát thanh nội bộ cảm nhận sau khi đến mỗi đảo và phải nộp lại Ban Biên tập phát vào 21 giờ hằng ngày. Điều khó là, không có mạng internet, mạng điện thoại di động nên thông tin, số liệu phục vụ tin, bài khó khăn hơn; đồng thời, quá trình soạn thảo văn bản, máy tính luôn lắc lư theo nhịp sóng đánh vào thân tàu. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, vất vả, mỗi nhà báo đã hoàn thành bản tin có độ dài trên 20 phút.

 Nhà báo Chí Tuấn tác nghiệp ở Trường Sa.

Nhà báo Chí Tuấn tác nghiệp ở Trường Sa.

Hơn một ngày “an cư” trên tàu, chúng tôi nghe tiếng loa phát ra trong mỗi căn phòng: “MC Quang Tiến và Mai Hoa xin kính chào các thủ trưởng cùng toàn thể các đồng chí! Đây là chương trình phát thanh nội bộ trên Tàu 571 của đoàn công tác thăm, kiểm tra quân, dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1”. Còn khoảng một giờ đồng hồ nữa sẽ đến điểm đảo đầu tiên - Song Tử Tây.

Đảo Song Tử Tây có độ cao nhất trong quần đảo Trường Sa, nơi có những công trình đặc biệt: Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, là bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông; Cây phong ba cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam; Trạm quan trắc khí tượng hải văn Song Tử Tây - một trong các trạm khí tượng hải văn trên quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày; Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; chùa Song Tử Tây sừng sững hướng ra Biển Đông; Ngọn Hải đăng được ví như “mắt thần” đánh dấu tọa độ, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam khi ra biển khai thác, đánh bắt hải sản. Đặc biệt, môi trường sinh thái ở đây khá thuận lợi để nuôi được lợn, gà, vịt, trồng được nhiều rau xanh các loại tươi tốt bốn mùa.

Tuy nhiên, một trong những điều chúng tôi ấn tượng nhất trong suốt hải trình, đó là tiếng loa được phát ra đều đặn vào lúc 5 giờ sáng, với hiệu lệnh: “Hết giờ nghỉ! Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu. Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Nghe hiệu lệnh, không ai bảo ai, tất cả đều bật dậy, bao nhiêu mệt mỏi do say sóng được xua tan. Sự háo hức hiện lên trên khuôn mặt từng người. Ngoài ra, còn nhiều câu khác như “Đến giờ ăn cơm”; “Giờ thủ trưởng lên tàu”…

 Công tác “hậu cần” trên tàu Hải quân 571.

Công tác “hậu cần” trên tàu Hải quân 571.

Nhớ mãi giây phút linh thiêng

Còn nhiều lắm những kỷ niệm suốt hành trình 12 ngày, với hải trình hơn 1.000 hải lý, chúng tôi đã đến thăm 7 điểm đảo gồm Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Đông A, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà dàn DK 1/11. Tại các đảo, từ đảo nổi cho đến đảo chìm, dù điều kiện còn vất vả nhưng ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp nụ cười lạc quan, vững tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là những hình ảnh đẹp không thể nào quên.

Nhưng có lẽ xúc động, tự hào nhất là lễ chào cờ, diễu hành và nghe đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa để bảo vệ tấc đảo, sải biển chủ quyền trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Giữa muôn trùng sóng vỗ, một Lễ tưởng niệm đầy cảm xúc và ý nghĩa đã mang lại trong lòng mỗi đại biểu niềm tự hào rất riêng. Cách đây 36 năm, 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các Anh nằm xuống đã kết thành “vòng tròn bất tử” mãi khắc ghi trong sử sách, viết nên bản hùng ca bi tráng về tinh thần quyết tử, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

 Nhóm nhà báo Đoàn công tác số 6 (năm 2024) tác nghiệp trên biển khu vực Đảo Đá Tây B, thuộc vùng biển Trường Sa, Việt Nam.

Nhóm nhà báo Đoàn công tác số 6 (năm 2024) tác nghiệp trên biển khu vực Đảo Đá Tây B, thuộc vùng biển Trường Sa, Việt Nam.

Đặc biệt là giây phút chia tay quân và dân trên đảo Trường Sa. Tất cả đều hướng về phía cầu tàu, nơi các cán bộ Hải quân, người dân và các em nhỏ đứng thành một hàng dài vẫy tay cùng tiếng hô vang “Tổ quốc vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”! Tôi thấy lòng mình nghẹn lại, nhìn sang bên thấy những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt các thành viên trong đoàn công tác. Trở về đất liền, tôi thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt công việc lan tỏa tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương tới bạn bè, người thân, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chí Tuấn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-chi-tuan-bao-dai-bieu-nhan-dan-nho-mai-giay-phut-linh-thieng-post299604.html