Nhà báo Dương Ngân - Báo Đầu tư: Nhớ lắm Trường Sa ơi!

Những ai đã từng một lần đặt chân đến mảnh đất thiêng Trường Sa, đều có chung một ước hẹn và khát khao ngày được trở lại. Và tôi - một phóng viên với ba lô trên vai và những chuyến đi rộng dài khắp đất nước thì sau một lần được đến với vùng biển thể hiện chủ quyền dân tộc ấy, trong tim luôn đau đáu với câu hỏi, bao giờ được đặt chân đến Trường Sa một lần nữa?

Cuộc đời phóng viên đã cho tôi cơ hội đến nhiều vùng đất của Tổ quốc. Mỗi một địa danh tôi đến đều ẩn chứa trong đó những điều tuyệt vời về văn hóa, lịch sử, cuộc sống, sinh hoạt của người dân bản địa. Tôi biết ơn công việc và nghề nghiệp đã cho tôi những trải nghiệm không dễ gì có được ấy. Và khi lần đầu được đặt chân đến Trường Sa trong chuyến công tác đầu tháng 4/2024 vừa qua thì cảm xúc trong tôi thực sự vỡ òa. Quần đảo Trường Sa hiện ra trước mắt tôi như một thước phim quay chậm với đầy đủ các cung bậc cảm xúc.

Đọc về Trường Sa qua sách báo, ngắm Trường Sa qua những bức ảnh, thước phim tôi đã yêu Trường Sa đến cháy bỏng, nhưng khi tận mắt chứng kiến một Trường Sa kiêu hùng trước mắt, tôi thực sự xúc động. Tôi cũng tự hào trước vẻ đẹp của mảnh đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió. Một vùng biển trong xanh trải dài đến vô tận, ở đó có ý chí và nghị lực của những người con phi thường.

 Nhà báo Dương Ngân chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến công tác tại Quần đảo Trường Sa, tháng 4/2024.

Nhà báo Dương Ngân chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến công tác tại Quần đảo Trường Sa, tháng 4/2024.

Đến Trường Sa hôm nay, nhìn những đảo nổi, đảo chìm đã trở thành pháo đài chiến đấu kiên trung giữa Biển Đông, bảo vệ chủ quyền biển Tổ quốc, hay hình ảnh người lính Hải quân tuổi đôi mươi ngày đêm hiên ngang giữa đất trời mặc cho bão táp mưa dông, như cây phong ba sừng sững giữ cột mốc chủ quyền trên biển Đông, những ngư dân rắn rỏi vươn khơi bám biển, chúng ta có quyền tự hào về một vùng biển thiêng của Tổ quốc luôn trường tồn với thời gian.

Giữa bao la cát trắng cằn cỗi với muối biển mặn chát, ánh mặt trời thiêu đốt và gió thì không ngừng thổi, những hàng cây nơi đảo An Bang, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn… vẫn hiên ngang giữ màu xanh cho đảo, vẫn bật dậy với sức sống mãnh liệt giữa sóng cồn, bão giật. Sự sống đang nảy mầm, sinh sôi nơi biển cả bão tố cùng với tiếng cười nói giòn tan của con trẻ, khuôn mặt rám nắng của những ngư dân bám biển và hình ảnh kiêu hùng, chắc tay súng giữ vững biên cương của chiến sỹ Hải quân.

Không còn là những hòn đảo chỉ toàn cát trắng và san hô, Trường Sa hôm nay đã thay da đổi thịt. Xen giữa những công trình mái ngói đỏ tươi là hàng ngàn cây xanh đâm chồi, nảy lộc vươn mình trong nắng gió mặn mòi của biển cả. Sau những giờ huấn luyện trên thao trường, cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều dành thời gian chăm sóc cây xanh, tăng gia sản xuất.

Từ những loại cây điển hình như tra, bàng vuông, phong ba, bão táp đến những vạt rau xanh do quân và dân trên đảo tự trồng, luống hoa muống biển hay những gốc hoa giấy, hoa champa rực rỡ đều muốn nói rằng sự khắc nghiệt của thời tiết không làm mất đi sức sống mãnh liệt của chúng và khiến đảo nhỏ thêm xanh.

Nhìn sắc xanh tại Trường Sa hôm nay mới thấy rõ hơn những vất vả cũng như sự hy sinh nhưng đầy màu sắc tươi sáng của quân với dân trên đảo, không chỉ chắc tay súng giữ bờ cõi, mà còn phủ xanh Trường Sa bằng nỗ lực phi thường.

Trong những ngày lênh đênh trên biển, được sống, được trải nghiệm cuộc sống của những người lính Hải quân, tôi càng thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn mà các chiến sỹ Hải quân đang trải qua. Đặc biệt, khi đứng trước cột cờ ở đảo Trường Sa lớn, tôi thấy tim mình trào dâng lên sự tự hào, tin tưởng tuyệt đối với các chiến sỹ Hải quân. Tôi tin rằng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, với tình yêu nước không bao giờ lay chuyển, vùng biển Tổ quốc sẽ được bảo vệ bởi những người lính kiên trung, dũng cảm.

 Trường Sa: Hẹn ngày trở lại!

Trường Sa: Hẹn ngày trở lại!

Lắng nghe tâm sự của những chiến sỹ Hải quân thế hệ trẻ và cả thế hệ đi trước trong chuyến hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/2, tôi bỗng thấy đâu đó sự hòa quyện đến ngọt ngào trong tình yêu biển của những người lính dù ở thời kỳ nào. Tình yêu ấy trải dài và xuyên suốt, liền mạch như đất liền và biển cả, như bản giao hưởng hòa làm một cùng ngân lên khúc ca khải hoàn, non sông liền một dải. Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau, cuộc đời quân ngũ đã rèn luyện cho những người lính Hải quân bản lĩnh vững vàng trước mọi gian khó.

Giữa muôn trùng biển khơi, tiếng sóng vỗ bờ dồn dập nơi đảo Đá Thị không làm nhíu mày khuôn mặt bình thản của những người lính Hải quân. Cái nắng đến cháy da và cái oi nồng mặn chát vị muối biển cả trên đảo Trường Sa Lớn dù làm cho mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt chiến sỹ, nhưng vẫn không khiến run tay người lính đảo.

“Một tấc đất, một hòn đảo nhỏ bé trên biển Đông đều là đất thiêng liêng của chúng ta. Nếu cần, chúng ta nhất định phải hy sinh tính mạng mình để bảo vệ” - lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày nào vẫn còn văng vẳng đâu đây, trở thành bài học nằm lòng, kim chỉ nam cho các thế hệ quân và dân trên quần đảo Trường Sa hôm nay và mãi về sau.

Khi đứng ở Đảo Cô Lin nhìn về Gạc Ma, tôi nhớ về quá khứ đau thương, nhưng oai hùng, để thấy rằng tương lai rạng rỡ đang bừng lên trên quần đảo này. Ngắm nhìn các bãi đá san hô nơi đảo chìm, đảo nổi sóng vỗ trắng xóa, tung bọt mịt mù, giữa muôn trùng sóng gió, xa đất liền, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ở những người lính Hải quân vẫn luôn sáng lên tinh thần bất tử lấy “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, nối tiếp nhau thực hiện sứ mệnh bảo vệ gìn giữ chủ quyền các vùng biển của Tổ quốc - để mãi mãi là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Trường Sa hôm nay dù đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn chưa thực sự được bình yên, vẫn còn nhiều khó khăn gian khổ; cán bộ, chiến sỹ vẫn âm thầm hy sinh tuổi thanh xuân của mình để trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, để bảo vệ vững chắc chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định trên biển, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trở về đất liền sau hải trình đầy ắp kỷ niệm, trong tim tôi da diết nỗi nhớ biển, nhớ Trường Sa, nhớ gương mặt, giọng nói, nụ cười của các chiến sỹ Hải quân và ngư dân vươn khơi bám biển. Câu đồng dao mà các em bé trên đảo hay hát: “Nu na nu nống… Hoàng Sa, Trường Sa/Tên gọi thiết tha/Trong lòng dân Việt” cũng luôn nhắc nhở tôi phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh.

Khi vẫy chào cán bộ chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn, khi mà nước mắt tự nhiên tuôn rơi tôi vô thức đặt tay lên ngực, nghe tiếng đập rộn ràng của con tim và tôi biết rằng từ giây phút ấy, Trường Sa sẽ không xa bởi tim tôi đã đầy ắp nỗi nhớ về Trường Sa.

Khi tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc thấm đẫm và hòa quyện với nhau sẽ tạo thành dòng chảy bất tận, là động lực để mỗi người con đất Việt, trong đó có tôi, cố gắng nỗ lực mỗi ngày để xứng đáng với máu xương của cha anh đã đổ xuống và sự vất vả, kiên trung của những người lính đảo hôm nay.

Dương Ngân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-duong-ngan--bao-dau-tu-nho-lam-truong-sa-oi-post299605.html