Nhà báo Lê Quốc Minh: Chuyển đổi số báo chí bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo

PV: Như ông đã nhiều lần khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại. Trong quá trình cải tổ, xây dựng cơ quan báo chí, truyền thông ông thấy khó khăn, thách thức lớn nhất của các cơ quan báo chí khi thực hiện chuyển đổi số là gì?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Khó khăn thách thức lớn nhất theo tôi là vấn đề tư duy. Nếu chúng ta thay đổi tư duy thì sẽ có cách thức làm phù hợp. Đa phần các cơ quan báo chí khi nói đến câu chuyện chuyển đổi số thì điều đầu tiên họ nghĩ đến là tài chính, là công nghệ.

Như chúng tôi đã khẳng định rất nhiều lần rằng, chuyển đổi số không phải thuần túy chuyển đổi về công nghệ mà chính là thay đổi về mặt tư duy. Khi người lãnh đạo đứng đầu thay đổi về tư duy thì sẽ tạo sự thay đổi trong toàn bộ tòa soạn, đến với từng phóng viên, biên tập viên.

Quan điểm của chúng tôi là không có một mô hình chung nào cho các tòa soạn. Không phải là tòa soạn nhỏ, ít kinh phí thì không chuyển đổi số được và cũng không có nghĩa rằng những tòa soạn lớn với kinh phí dồi dào sẽ chuyển đổi số thành công nếu không có những chiến lược cụ thể.

PV: Vậy đối với mỗi tòa soạn, chuyển đổi số tự thân đóng vai trò như thế nào, thưa ông?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Trước hết, chúng ta phải thấy rằng lượng độc giả, khán thính giả của chính mình đang di chuyển lên các nền tảng số. Việc chúng ta cố gắng duy trì những nền tảng truyền thống có thể kéo dài được một thời gian nhưng sẽ không thể duy trì lâu dài lượng độc giả, đặc biệt khi độc giả trẻ đang hoạt động trên các nền tảng số ngày càng nhiều hơn.

Chúng ta cũng thấy rằng, kể cả những người lớn tuổi hiện họ cũng tiếp cận nội dung thông qua các thiết bị di động, các thiết bị digital thay vì tờ báo in, kênh phát thanh truyền hình như thông thường. Nên nếu không ý thức được rằng mình đang mất dần độc giả, mà chỉ nghĩ rằng chuyển đổi số để đáp ứng xu thế chung hoặc đáp ứng những tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng đề ra thì chúng ta sẽ không bao giờ thành công được.

Phải thấy rằng, nếu không chuyển đổi số thì sẽ mất độc giả, mất độc giả thì sẽ không thể làm được công việc của mình là tuyên truyền đường lối chính sách, duy trì mối tương tác, quan hệ với độc giả, cung cấp thông tin cho họ và để tờ báo tồn tại.

Chúng tôi đã khẳng định, thậm chí dùng câu “chuyển đổi số hay là chết”. Nếu không chuyển đổi số và không làm nhanh, không làm kịp thời, độc giả sẽ xa rời chúng ta. Nếu không nhận thấy nhu cầu tự thân như thế thì dù có nỗ lực bao nhiêu chăng nữa cũng sẽ không thể chuyển đổi số thành công được.

PV: Hiện nay báo điện tử luôn cập nhật những xu hướng làm báo hiện đại của thế giới như mô hình tòa soạn hội tụ, làm longform, eMagazine, podcast hay đẩy mạnh kênh YouTube, TikTok… từ đó đã có ý kiến cho rằng việc chuyển đổi số sẽ không còn ý nghĩa nhiều nữa. Quan điểm của ông như thế nào?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Tư duy này là không đúng. Khi nói về chuyển đổi số không chỉ thuần túy là có một số sản phẩm trên nền tảng số là đã chuyển đổi số xong. Quy trình để sản xuất các sản phẩm của rất nhiều cơ quan báo điện tử hiện nay chúng tôi dùng ngôn từ là đang làm báo in trên nền tảng số, chứ không phải làm báo điện tử.

Họ có thể tạo thêm một số video, một số chương trình podcast mà đã nghĩ rằng mình đã chuyển đổi số thành công thì không đúng. Đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của quá trình đưa những nội dung của mình lên nền tảng số.

Ví dụ trong câu chuyện chuyển đổi số, chúng tôi nói đến chuyển đổi cả văn hóa của tòa soạn. Nhiều tờ báo nghĩ rằng mình sinh ra trong môi trường số là đã có sẵn tất cả sự quản lý như vậy. Dùng một hệ thống quản trị nội dung cms, tác nghiệp bằng hệ thống đó và tưởng đang chuyển đổi số. Không phải!

Ví dụ trong câu chuyện chuyển đổi số, chúng tôi nói đến chuyển đổi cả văn hóa của tòa soạn. Nhiều tờ báo nghĩ rằng mình sinh ra trong môi trường số là đã có sẵn tất cả sự quản lý như vậy. Dùng một hệ thống quản trị nội dung cms, tác nghiệp bằng hệ thống đó và tưởng đang chuyển đổi số. Không phải!

Toàn bộ quy trình vận hành một tòa soạn bây giờ cũng phải được số hóa và sử dụng những công cụ tương tự. Có những cơ quan họ quản lý nhân sự bằng AI và thậm chí họ biết rõ được hiệu quả, năng lực, tính tình của từng cá nhân cụ thể.

Hệ thống AI như Công ty IBM cho biết, có thể dự đoán chính xác một nhân viên khi nào sẽ nghỉ việc. Hay quản trị từ tài chính, từ các công đoạn phát hành thông tin, nội dung, từ các hoạt động của văn phòng, thậm chí quản lý các cơ sở cũng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo. Biết được tòa nhà này đã vận hành bao lâu, lúc này cần phải đầu tư khi nó đã xuống cấp, lúc kia cần phải cải tạo lớn hay là cải tạo nhỏ… Những hoạt động như vậy nhiều tòa soạn chưa nghĩ tới, họ mới chỉ nghĩ đến hoạt động vận hành sản xuất nội dung của mình mà thôi.

Hoặc ngay như trong vận hành tòa soạn, sản xuất nội dung, bây giờ ứng dụng rất nhiều công nghệ hiện đại, đơn cử như câu chuyện là trí tuệ nhân tạo.

Nhiều cơ quan báo chí mới sản xuất được vài bài Longform, E-magazine mà gọi là trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0 thì đó là suy nghĩ hết sức sai lầm. Nó chỉ là những sản phẩm cụ thể trong cả một quá trình.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cơ quan báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất linh hoạt. Họ sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi người dùng. Nếu không có trí tuệ nhân tạo chúng ta không thể phân tích và biết người dùng của mình: Nhu cầu của họ đến từ đâu? Họ thích đọc loại nội dung gì? Họ đọc xong nội dung này thì họ đi sang nội dung nào? Họ thường đến với chúng ta từ những nguồn nào?

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cơ quan báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất linh hoạt. Họ sử dụng trí tuệ nhân tạo để theo dõi người dùng. Nếu không có trí tuệ nhân tạo chúng ta không thể phân tích và biết người dùng của mình: Nhu cầu của họ đến từ đâu? Họ thích đọc loại nội dung gì? Họ đọc xong nội dung này thì họ đi sang nội dung nào? Họ thường đến với chúng ta từ những nguồn nào?

Chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để khuyến nghị nội dung với người dùng. Đa số các cơ quan báo chí khi xuất bản một tin bài sẽ tự chọn những nội dung liên quan hay chọn những tin được quan tâm nhiều nhất trong ngày, khi đó người dùng có khả năng sẽ đọc tiếp đến tin thứ 2, 3, 4. Nhưng nếu chúng ta sử dụng công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt được nhu cầu của họ thì những khuyến nghị nội dung đó sẽ chính xác hơn.

Ví dụ, khuyến nghị 10 tin chúng ta cho là quan trọng nhất trong ngày, nhưng đối với họ không phải là quan trọng. Chẳng hạn, một người quan tâm đến thời trang, khi họ đọc một nội dung thời trang xong họ lại nhìn thấy một cái tin thời trang khác thì họ sẽ tiếp sang cái tin như thế.

Rồi dùng trí tự nhân tạo để phát hiện thông tin thật nhanh. Dùng trí tuệ nhân tạo để có thể tóm tắt những nội dung, những văn bản, tài liệu rất dài một cách nhanh chóng.

Công việc mà nhiều nhà báo ngại nhất là đi phỏng vấn về rồi “bóc" băng, thì trí tuệ nhân tạo có thể làm việc này rất nhanh chóng. Chưa nói rằng trí tuệ nhân tạo tạo sinh bây giờ đang tạo ra một cuộc cách mạng. Nó có thể soạn thảo nội dung văn bản, có thể tạo hình ảnh, có thể tạo ra những video với những câu lệnh khá đơn giản… đó là những công nghệ mà chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động báo chí trong tương lai.

PV: Như ông vừa đề cập thì trí tuệ nhân tạo có tác động tích cực của việc tổ chức thực hiện các tác phẩm báo chí. Còn ở góc độ quản lý báo chí, theo ông trí tuệ nhân tạo có những đóng góp cụ thể, nổi bật nào?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Khi chúng ta ứng dụng công nghệ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho những việc lặp đi lặp lại hoặc cần phải chi tiết, tỉ mẩn.

Nếu biết áp dụng công nghệ thì sẽ tiết kiệm được thời gian cho các nhà báo, để họ không phải làm những công việc tốn thời gian, chi tiết và đòi hỏi tính chính xác rất cao. Có câu nói rằng: Cái gì máy làm tốt thì để máy làm, để con người có thời gian hơn, để đi vào những bài chuyên sâu, làm những nội dung mang tính sáng tạo.

Và khi ứng dụng công nghệ thì không chỉ trong quá trình sản xuất thông tin mà trong quá trình quản trị có thể tiết kiệm được rất nhiều thứ. Ví dụ công nghệ giúp xác định được vào thời điểm nhất định trong ngày thì điện năng trong tòa soạn tiêu thụ rất cao, có thể tiết kiệm được chỗ đó. Hay chúng ta sử dụng công nghệ để giảm bớt giấy tờ, không phải đầu tư vào những chi phí có thể tiết kiệm được.

Hay việc tối ưu hóa hoạt động của các phóng viên, biên tập viên, làm sao để họ trong một khoảng thời gian nhất định có thể hoàn thành công việc, họ có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, thay vì phải làm việc triền miên thì có rất nhiều cách thức mà ứng dụng công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản trị tòa soạn như thế…

PV: Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ như hiện nay, báo chí đang đứng trước vô vàn những khó khăn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí. Theo ông, các cơ quan báo chí cần có sự chuyển động như thế nào để phát triển và khẳng định mình?

PV: Trong bối cảnh chuyển đổi số bùng nổ như hiện nay, báo chí đang đứng trước vô vàn những khó khăn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí. Theo ông, các cơ quan báo chí cần có sự chuyển động như thế nào để phát triển và khẳng định mình?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Nhiều cơ quan báo chí lâu nay chỉ dựa vào nguồn thu quảng cáo, hợp đồng hợp tác truyền thông. Quảng cáo chắc chắn là sẽ đi xuống với báo in, còn với nền tảng digital thì dù có tăng cũng không thể bù đắp được khoản mất đi của báo in. Chưa kể trong nhiều trường hợp chúng tôi thấy rằng quảng cáo digital của một số báo không những đi ngang mà thậm chí đi xuống, bởi sự cạnh tranh của các nền tảng như Facebook, Google, Amazon và nhiều nền tảng khác.

Câu hỏi đặt ra, khi nguồn thu từ quảng cáo khó khăn như vậy thì các cơ quan báo chí phải làm gì? Đó là thay vì thử trải nghiệm, thử làm những cách thức kiếm tiền mới thì rất nhiều cơ quan báo chí không dám vượt ra khỏi vùng an toàn của mình hoặc lại làm theo hướng không đúng là chèn ép, dọa dẫm doanh nghiệp để kiếm hợp đồng quảng cáo, hợp đồng truyền thông. Đấy là cách không nằm trong logic về mặt tạo nguồn thu cho báo chí.

Trong những cuốn sách về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông mà chúng tôi đã giới thiệu trong nhiều năm qua, có khoảng 15-16 cách thức kiếm tiền khác nhau mà báo chí thế giới đã thử nghiệm.

Trong những cuốn sách về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông mà chúng tôi đã giới thiệu trong nhiều năm qua, có khoảng 15-16 cách thức kiếm tiền khác nhau mà báo chí thế giới đã thử nghiệm.

Tuy nhiên, dù chúng tôi giới thiệu rất nhiều lần ở Việt Nam, nhưng hầu như các báo không ứng dụng, không áp dụng, trong khi người ta đã nói rằng một cơ quan báo chí phải áp dụng ít nhất là 3-4 lần cách thức tạo nguồn thu khác nhau thì mới ổn định.

Ví dụ, câu chuyện tạo nguồn thu từ độc giả được cho là cách thức bền vững và an toàn nhất. Một trong những cách thức rất cụ thể là thu phí đọc báo điện tử. Chúng tôi đã nêu vấn đề này từ năm 2012, nhưng cho đến hiện tại - sau 12 năm vẫn rất ít cơ quan báo chí ở Việt Nam thử nghiệm và có những thành công nhất định.

Lý do là đa phần các cơ quan báo chí đều đương nhiên cho rằng độc giả sẽ không trả tiền, nhưng họ quên mất một điều là họ phải làm ra sản phẩm chất lượng cho người ta trả tiền trước đã. Còn nếu cơ quan báo chí vẫn chỉ làm những nội dung mang tính “đồng phục” hoặc những thông tin người ta có thể kiếm bất kỳ ở đâu thì không bao giờ độc giả trả tiền.

Ngoài ra, có rất nhiều cách thức để tạo nguồn thu từ độc giả khác như thử nghiệm dưới dạng thành viên membership. Đó cũng là cách thức mà thế giới đã làm từ lâu nhưng báo chí Việt Nam cũng không thử nghiệm.

Hay một cách thức một số cơ quan báo chí Việt Nam đã làm là tổ chức sự kiện và thậm chí cũng có những kết quả tốt. Ngay cả những tờ báo tổ chức sự kiện thì có những tờ báo coi đó như một trụ cột quan trọng. Nhưng cũng có rất nhiều tờ báo khác chỉ thỉnh thoảng làm một vài sự kiện, chưa thành chiến lược cụ thể để tạo nguồn thu và còn rất nhiều cách thức kiếm tiền khác…

Chúng tôi thấy hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam là vẫn còn e ngại, vẫn còn rụt rè, không dám thử nghiệm.Và nếu chúng ta không thử nghiệm thì không bao giờ chúng ta thấy được con đường đi của mình và không dám chấp nhận rủi ro, không dám chấp nhận thách thức, không dám chấp nhận thất bại thì cũng rất là khó để có thành công.

PV: Ông vừa đề cập đến việc nhiều cơ quan báo chí đã lựa chọn xu hướng tổ chức sự kiện, đây có thể coi là “cái bắt tay" giữa báo chí và doanh nghiệp?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Muốn tổ chức được mô hình này, các cơ quan báo chí đi theo thị trường “ngách” sẽ dễ làm hơn. Ví dụ, những cơ quan báo chí có chuyên môn cao về lĩnh vực tài chính, bất động sản, M&A hay chuyên về du lịch, chuyên về một số ngành hẹp sẽ có kinh nghiệm, có mối quan hệ để dễ dàng tổ chức hơn. Còn những cơ quan mang tính nội dung dàn trải, tổng hợp thì sẽ không có điểm mạnh về lĩnh vực này.

Có một cách thức kiếm tiền nữa mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới hiện nay đang làm, đó là họ đóng vai trò như một agency để hỗ trợ quảng bá nội dung cho doanh nghiệp.

Lâu nay chúng ta thấy rằng, sẽ có những agency làm trung gian, họ lên kế hoạch, họ có được ngân sách của doanh nghiệp, họ đến gặp cơ quan báo chí để sản xuất nội dung đăng tải trên báo chí và trả tiền cho báo chí. Thì báo chí bây giờ thấy rằng, mình hoàn toàn có khả năng để làm việc này và không cần “ông” ở giữa nữa. Vì mình có đội ngũ sản xuất, có khả năng sản xuất nội dung, hình ảnh đẹp… có thể gặp thẳng với doanh nghiệp. Và đây là mô hình mà các tập đoàn báo chí lớn trên thế giới đã làm từ rất lâu.

Như New York Times, họ lập ra T Brand Studio để sản xuất nội dung gọi là native advertising (quảng cáo tự nhiên - PV) rất hiệu quả và tạo nguồn thu rất lớn. Hay Fox có một studio là Fox Creative. Rất nhiều cơ quan báo chí khác cũng đang làm theo hướng này…

Ngoài các hình thức trên, hiện nhiều cơ quan báo chí còn có các dịch vụ như cấp phép thương hiệu, thương mại điện tử, tổ chức nghiên cứu… để tạo doanh thu.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại là thời điểm thích hợp để coi báo chí là doanh nghiệp và sản phẩm báo chí sẽ là hàng hóa. Quan điểm của ông về vấn đề như thế nào?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Trước hết chúng ta nên tư duy rằng sản phẩm báo chí cũng giống một loại hàng hóa, nhưng nó là một loại hàng hóa đặc biệt. Nó không phải là một sản phẩm rất cụ thể bằng vật chất nhưng lại có tác động rất mạnh mẽ đến xã hội. Thậm chí, nếu theo tác động tốt thì có rất nhiều điều đáng nói, nhưng nếu một nội dung báo chí mà viết không đúng, viết sai thì tác động đó không chỉ liên quan đến một người, đến một nhóm người, nó có thể liên quan đến một doanh nghiệp hoặc thậm chí làm sụp đổ cả một ngành.

Nhưng báo chí là một sản phẩm rất đặc biệt. Là sản phẩm đặc biệt thì phải dựa vào chất lượng, nó phải chuyên nghiệp, phải đủ sức để thuyết phục người dùng, các nhà quảng cáo, các công ty. Nếu thuần túy coi nó là một sản phẩm như mọi thứ hàng hóa khác trên thị trường thì đương nhiên không đúng. Bởi vì sản phẩm này có tính xã hội rất cao, có tác động xã hội rất lớn, không phải là việc là thích thì mua mà không thích thì hủy bỏ.

Chúng ta nghĩ sao, nếu một ngày “xấu trời” nào đó không còn báo chí nữa, thì liệu những nội dung tìm thấy trên mạng xã hội, qua các kênh khác có đáng tin cậy, có an toàn hay không?

Nếu “thả nổi” cho báo chí phát triển như một doanh nghiệp bình thường, lời ăn lỗ chịu, đó mới chỉ là một phần của vấn đề. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí rằng, những tờ báo phát triển tốt thì nên được duy trì, còn những tờ báo phát triển không hiệu quả thì thậm chí cho đóng cửa.

Nhưng cách thức vận hành như một doanh nghiệp, thả nổi cho thị trường và hoàn toàn không có sự hỗ trợ thì là cách thức rất rủi ro. Do sự phát triển của xã hội, phát triển của công nghệ, do sự thay đổi về mặt tư duy… rất có khả năng là báo chí sẽ còn gặp nhiều thách thức, còn nhiều khó khăn hơn nữa.

Nếu không có sự chung tay từ những định hướng của Nhà nước, từ những sự vào cuộc của doanh nghiệp để mang tính hỗ trợ, từ sự thông hiểu của công chúng, độc giả, khán thính giả và sự bắt tay với các tập đoàn công nghệ thì báo chí sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

PV: Từ góc nhìn của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông thấy báo chí cần gì ở doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và mối quan hệ đồng hành giữa báo chí với các bộ, ngành và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

PV: Từ góc nhìn của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông thấy báo chí cần gì ở doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và mối quan hệ đồng hành giữa báo chí với các bộ, ngành và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Chúng ta cũng biết Thủ tướng đã có văn bản về việc truyền thông chính sách. Có thể nói đây là hướng đi vừa hỗ trợ cho các bộ, ngành, vừa hỗ trợ cho báo chí. Lâu nay chúng ta coi chuyện truyền thông chính sách là nhiệm vụ của báo chí, nhưng bây giờ theo yêu cầu của Thủ tướng, chúng ta cũng có những hội nghị về truyền thông chính sách, thì bộ, ngành, địa phương phải tham gia.

Nếu các bộ, ngành muốn truyền thông những nội dung, chính sách của họ thì phải dành nguồn ngân sách nhất định, phải phối hợp với cơ quan báo chí để truyền thông hiệu quả.

Nếu không đồng hành cùng báo chí, không có những nguồn ngân sách cụ thể để truyền thông hiệu quả chính sách của mình thì chúng ta sẽ không thể làm truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Còn đổi lại, báo chí sẽ phải chứng minh mình có năng lực, có chất lượng để tham gia vào quá trình truyền thông chính sách thay vì cơ chế xin - cho. Đây là định hướng mà tôi cho là sẽ minh bạch, hiệu quả trong thời gian sắp tới.

PV: Và với riêng Báo Công Thương, ông có đánh giá thế nào về một trong những tờ báo của Bộ Kinh tế đa ngành với 79 năm tuổi trong dòng chảy báo chí cách mạng hiện nay?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Tôi rất bất ngờ khi Báo Công Thương có lịch sử lâu đời với xuất phát điểm khá thú vị. Mặc dù là cơ quan báo chí của ngành, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ cũng như sự nỗ lực của tòa soạn, thời gian qua sự đổi thay của Báo Công Thương rất rõ rệt. Đặc biệt, việc đưa nội dung lên nền tảng digital đã cho thấy những bước phát triển rất quan trọng, đạt được sự quan tâm của đông đảo công chúng

Tuy nhiên sẽ còn phải làm rất nhiều, sẽ còn phải rất nỗ lực để thực sự có một tòa soạn đi theo hướng số, nhắm vào độc giả̉, lấy độc giả làm trung tâm, tạo ra những nguồn thu dựa vào quá trình chuyển đổi số.

Thời gian tới, Báo Công Thương bên cạnh giữ vững tôn chỉ, mục đích, lợi thế ngành nghề của mình, nếu phát triển một cách chuyên nghiệp hơn về đội ngũ, cách quản trị tòa soạn, về đầu tư thì chắc chắn sẽ là tờ báo hàng đầu trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.

PV: Thưa ông, ngày 21/6 năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, ông có thông điệp gì muốn gửi gắm tới đội ngũ những người làm báo Việt Nam?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Hội nhà báo Việt Nam muốn hướng đến nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn. Càng cạnh tranh càng phải chuyên nghiệp, càng cạnh tranh chúng ta càng phải hiện đại. Tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố nhân văn và đạo đức, chúng ta phải duy trì được yếu tố nhân văn của con người Việt Nam, giữ vững được đạo đức nghề nghiệp là điều chúng tôi luôn trăn trở và muốn tạo thành điểm nhấn trong nhiệm kỳ này.

THỰC HIỆN: NGUYÊN THẢO - J.K

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nha-bao-le-quoc-minh-chuyen-doi-so-bao-chi-bat-dau-tu-tu-duy-nguoi-lanh-dao-327488.html