Nhà báo phải là hạt nhân chuyển đổi số báo chí

Thay vì cách tiếp cận thông tin truyền thống gần 100 năm qua là độc giả tìm đến thông tin thì nay thông tin phải xuất hiện kịp thời mọi lúc, ở mọi nơi có độc giả. Nói cách khác, để báo chí phát triển thì nhà báo phải trở thành hạt nhân chuyển đổi số báo chí.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong xu thế hội nhập và phát triển của xã hội số hôm nay, cùng với tư cách đạo đức của người làm báo, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí và nhà báo phải không ngừng đổi mới phương thức, kỹ năng và công nghệ làm báo mới có thể đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Bởi, thay vì cách tiếp cận thông tin truyền thống gần 100 năm qua là độc giả tìm đến thông tin thì nay thông tin phải xuất hiện kịp thời mọi lúc, ở mọi nơi có độc giả. Nói cách khác, để báo chí phát triển thì nhà báo phải trở thành hạt nhân chuyển đổi số báo chí.

Được biết, Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 6/4/2023 đã đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 đưa nội dung lên các nền tảng số với tỷ lệ 70% cơ quan báo chí sử dụng các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước), 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích và xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Đến năm 2030, hướng tới mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Cùng với đó, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số...

Khẳng định và phát huy cao vai trò đi đầu định hướng thông tin của báo chí, thời gian qua, nhiều nhà báo và cơ quan báo chí đã tích cực học hỏi, bồi dưỡng, thay đổi tư duy, nhận thức về sử dụng và nâng cao trình độ sử dụng, chuyển đổi, đưa ứng dụng công nghệ số vào mở thêm Fanpage cho các chuyên trang, chuyên mục, chương trình trên mạng xã hội Facebook và các kênh tuyên truyền khác trên mạng xã hội YouTube, TikTok…, giúp thông tin báo chí được lan tỏa sâu rộng hơn, tiếp cận nhanh và kịp thời hơn với các đối tượng độc giả mới.

Hơn thế, ngoài vốn kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm công tác, để trở thành những hạt nhân chuyển đổi số báo chí, các "phóng viên số” còn không ngừng trau dồi mạnh mẽ kỹ năng chuyển đổi số toàn diện, kỹ năng khai thác, kiểm chứng, bảo mật thông tin số; sáng tạo, tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; hợp tác liên ngành; làm việc với AI…

Đặc biệt, để trở thành hạt nhân chuyển đổi số báo chí, mỗi nhà báo phải xác định rõ trận địa tác nghiệp của mình chính là không gian mạng và vũ khí chiến đấu chính là công nghệ số, nền tảng số và cuộc sống số chứ không còn đơn thuần chỉ là các địa bàn, cơ sở xã, phường, thôn bản và cây bút, trang giấy làm vũ khí nữa. Bởi, nếu không khẩn trương chuyển đổi thì báo chí sẽ tự làm mất dần địa bàn hoạt động sáng tạo khi những thông tin xấu độc, tin giả, thông tin thiếu kiểm chứng ngày càng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội do Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ, khốc liệt suốt 10 năm qua.

Vì thế, chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu, là điều kiện cần và đủ của mỗi cơ quan báo chí và nhà báo khi bắt tay vào cuộc chiến trên không gian mạng, giành lại địa bàn hoạt động và chủ động tạo ra dòng chủ lưu với những thông tin thời sự, khoa học, có kiểm chứng, đúng định hướng, chính xác, kịp thời và đầy đủ nhất để xứng đáng với vai trò tiên phong đi đầu định hướng dư luận xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, chuyển đổi số báo chí không chỉ mang đến những lợi ích thiết thực, hiệu quả mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nhà báo. Vì thế, mỗi nhà báo trong thời đại số hôm nay càng phải quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy tới kỹ năng làm nghề, sẵn sàng làm chủ công nghệ để vừa giải phóng được sức lao động, vừa có thêm thời gian, điều kiện học tập tiếp thu công nghệ, sáng tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng cao hơn, có hiệu quả xã hội lớn hơn, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của công chúng.

Muốn vậy, mỗi nhà báo chân chính phải tự rèn luyện tư cách đạo đức, tích cực trau đồi nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng để khẳng định giá trị ngòi bút mình bằng trách nhiệm và sự đảm bảo tính chính xác, tin cậy đối với những thông tin mà mình đăng tải. Qua đó, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, tích cực và chính xác hơn về các vấn đề thời sự, chính trị xã hội của đất nước và địa phương. Đồng thời, khẳng định được vị thế và chỗ đứng của mỗi nhà báo trên không gian mạng rộng lớn.

Thanh Hương

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/324506/nha-bao-phai-la-hat-nhan-chuyen-doi-so-bao-chi.aspx