Nhà báo phải nói sự thật như con tằm phải nhả ra tơ

Trước khi bài báo đầu tiên phải nộp, tôi có tâm sự với Tổng biên tập Minh Hiền rằng: 'Báo mình nhỏ, nếu có làm thì cũng chẳng đến đâu, chưa kể những rủi ro phải gánh, có đáng không?'. Cô trả lời ngay: 'Như con tằm phải nhả tơ, nhà báo phải nói ra sự thật dù phải trả giá nào đi nữa'... Câu nói đó khiến một người trẻ như tôi quyết định để tên mình cho bài viết sẽ đăng trên Doanh nhân Sài Gòn. Mà về sau này, tôi mới biết, kế hoạch ban đầu của Tòa soạn là sẽ để tên 'nhóm phóng viên' để cùng chia sẻ trách nhiệm với tôi nếu có tình huống bất ngờ nào xảy ra.

Sau này, chúng tôi ít có cơ hội phải “đánh đổi” một cách quyết liệt như vụ án liên quan đến việc nhận hối lộ tại Ban quản lý Dự án PMU, nhưng thái độ sống trọn vẹn với bổn phận của một nhà báo như cô Minh Hiền là bài học lớn đi theo tôi suốt con đường làm báo.

Nhà báo Chu Minh Trường (thứ 2 từ phải sang) và các đồng nghiệp cũ từng làm việc ở báo Doanh nhân Sài Gòn tại sự kiện ra mắt sách 'Quyết liệt sống' - một cuốn sách đặc biệt viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Minh Hiền do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức sáng 20.6.2024. Ngoài cùng bìa phải là ông Trần Hoàng - hiện là Tổng biên tập của tạp chí Doanh nhân Sài Gòn (trước đây là báo Doanh nhân Sài Gòn). Ảnh: Trung Dũng

Thời điểm tháng 6.2008, tôi là phóng viên theo dõi một số mảng như kinh tế đối ngoại, quốc tế, công nghệ... Một hôm, Tổng biên tập Minh Hiền gọi tôi lên, trong phòng đã có mặt Thư ký Tòa soạn Hữu Bảo. Với vẻ mặt nghiêm trọng khác thường, cô đưa tôi một bộ tài liệu và nói rằng đây là hồ sơ về một vụ tham nhũng lớn.

Tài liệu này do một học giả Nhật Bản dịch từ tài liệu của tòa án Nhật, chuyển qua một nhà văn Việt Nam và cuối cùng là tới tay lãnh đạo Doanh nhân Sài Gòn. Tài liệu có đến vài trăm trang, thuật lại chi tiết lời khai của các quan chức Công ty Pacific Consultants International (PCI) trong vụ đưa hối lộ cho Ban quản lý Dự án PMU tại TP.HCM, cụ thể là với ông H.N.S, Phó giám đốc Sở Giao thông Công chính TP.HCM kiêm Giám đốc Ban quản lý PMU Đông - Tây.

Tổng biên tập Minh Hiền chỉ đạo tôi nghiên cứu thật kỹ tài liệu để có bài viết trên Doanh nhân Sài Gòn trong thời gian sớm nhất. Khi nghiên cứu tài liệu từ phía Nhật Bản thì thấy rất rõ: Trong quá trình điều tra, Viện Công tố Tokyo đã lấy được lời khai của ông Sakano Tsuneo, 58 tuổi, nguyên chánh văn phòng đại diện PCI tại Hà Nội từ năm 2001 đến tháng 10.2006.

Ông này đã khai: “Trước khi ký hợp đồng, Công ty PCI đã hứa đưa tiền hối lộ để được Giám đốc S. cho PCI thầu được các công việc... Tôi đã cùng ông Sakashita thương lượng với Giám đốc S. và thống nhất số tiền đền ơn sẽ giao cho Giám đốc S. là 10% hoặc 11% tổng số tiền ký hợp đồng”.

Hay một bị can là ông Sakashita Haruo, 62 tuổi, nguyên thành viên Ban giám đốc, kiêm Trưởng bộ môn các dự án đường bộ và giao thông PCI, khai: “Chúng tôi đã đưa tiền hối lộ nhiều lần đối với Giám đốc S. với một số lý do. Thứ nhất, chúng tôi đã hứa đưa tiền nên làm theo đúng lời hứa. Thứ hai, về việc ký hợp đồng và các công việc có liên quan, chúng tôi muốn tiếp tục được Giám đốc S. tạo điều kiện giúp đỡ”.

Nhà báo Minh Hiền trong phòng làm việc. Ảnh: Nguyễn Công Thành

Nhà báo Minh Hiền trong phòng làm việc. Ảnh: Nguyễn Công Thành

Ba trong số các lời khai của những nhân vật quan trọng nhất của PCI cho biết, họ đã đưa tiền đến 10 lần trong thời gian làm việc tại Việt Nam và khi giành được dự án tư vấn không qua đấu thầu, cũng như thay đổi một số nội dung hợp đồng, số tiền này lên 2-3 triệu USD...

Thông tin phía Nhật Bản rất rõ ràng nhưng 5 tháng sau khi vụ PCI vỡ lở tại Nhật Bản, ông H.N.S, người được nêu đích danh là nhận hối lộ vẫn tại vị và thông tin về vụ án này tại Việt Nam vẫn im lìm một cách “khó hiểu”.

Công việc của tôi là xác minh thêm thông tin tại PCI, nhưng công văn đề nghị trả lời từ báo Doanh nhân Sài Gòn gửi Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây đều không có hồi âm. Cánh cửa thông tin về nghi án PCI tại Việt Nam gần như đóng kín. Tiếp theo, tôi nhờ một số bạn bè, gồm sinh viên và nhà báo đang làm việc tại Nhật theo dõi và thông tin chặt chẽ báo chí và dư luận Nhật, dựa trên các tài liệu mà tôi đã có để đối chiếu. Vụ việc đã rõ ràng và đủ cơ sở để thông tin cho rộng dường dư luận tại Việt Nam, ít nhất là đánh động về một vụ án hối lộ lớn liên quan tới Việt Nam mà phía Nhật Bản đang quan tâm.

Vấn đề là cần một ngọn lửa đủ lớn để thổi lên dư luận và báo chí chính thống Việt Nam tham gia... Và Doanh nhân Sài Gòn chọn là ngọn lửa nhỏ này.

Trước khi bài báo đầu tiên phải nộp, tôi có tâm sự với Tổng biên tập Minh Hiền rằng: “Báo mình nhỏ, nếu có làm thì cũng chẳng đến đâu, chưa kể những rủi ro phải gánh, có đáng không?”. Cô trả lời ngay: “Như con tằm phải nhả tơ, nhà báo phải nói ra sự thật dù phải trả giá nào đi nữa”.

Câu nói đó khiến một người trẻ như tôi quyết định để tên mình cho bài viết sẽ đăng trên Doanh nhân Sài Gòn. Mà về sau này, tôi mới biết, kế hoạch ban đầu của Tòa soạn là sẽ để tên “nhóm phóng viên” để cùng chia sẻ trách nhiệm với tôi nếu có tình huống bất ngờ nào xảy ra. Bài viết về vụ án PCI trên Doanh nhân Sài Gòn được đăng ba kỳ theo định hướng của Ban biên tập: cung cấp đủ tình tiết mà Viện Công tố Tokyo đã thu thập, đủ để dư luận Việt Nam hiểu tường tận hơn vấn đề này; tiếp tục cảnh báo về nạn hối lộ trong các dự án ODA; đánh động dư luận về vụ án này theo quan điểm của một tờ báo chính thống...

Nhà báo Minh Hiền, Tổng biên tập báo Doanh nhân Sài Gòn và các đồng nghiệp tại tòa soạn năm 2005. Ảnh: Nguyễn Công Thành

Ba kỳ báo với tất cả hào hứng và hồi hộp (Doanh nhân Sài Gòn số 8, 9 và 10 tháng 9.2008). Sau bài đầu tiên, Thư ký Tòa soạn Hữu Bảo thông tin cho chúng tôi biết về một vài trang mạng nước ngoài dẫn lại bài của Doanh nhân Sài Gòn. Sau đó vài tuần, những tờ báo như Sài Gòn tiếp thị, rồi nhiều báo phía Bắc bắt đầu đăng thông tin về vụ án này...

Thực tế, vụ việc liên quan đến PCI đã khiến cho sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản giảm sút nghiêm trọng. Vụ án PCI đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam gây nghi ngờ lớn hơn về quan hệ mờ ám giữa các công ty Nhật và quan chức ở các nước nhận viện trợ ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam khai mạc sáng 4.12.2008, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cho biết các dự án ODA dự kiến trong nửa đầu năm tài khóa 2008 của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã bị tạm dừng lại, đồng thời Nhật Bản cũng chưa thể công bố viện trợ mới cho tới khi Ủy ban Hỗn hợp phòng chống tham nhũng giữa hai nước xem xét lại việc thực hiện vốn ODA của Nhật tại Việt Nam.

Phía Nhật Bản muốn khẳng định lại “danh dự quốc gia” trong các dự án tài trợ nước ngoài, do đó sẵn sàng dừng các khoản cho vay liên quan đến Việt Nam, nếu vụ việc không được làm rõ. Chỉ 5 ngày sau khi Đại sứ Nhật tại Việt Nam thông báo tạm dừng vốn vay ưu đãi chờ kết luận cuối cùng về nghi án hối lộ của PCI, ngày 9.12.2008, thì vụ hối lộ liên quan đến ông H.N.S mới chính thức được phía Việt Nam khởi tố, phanh phui ra những con số hối lộ khổng lồ...

Những ngày đẹp nhứt thuê nhà làm tòa soạn ở đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: tư liệu gia đình

Những ngày đẹp nhứt thuê nhà làm tòa soạn ở đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: tư liệu gia đình

Sau bài báo đầu tiên, cô Minh Hiền có kể rằng Ban biên tập của một số tờ báo lớn có đọc bài viết trên Doanh nhân Sài Gòn và chuyển cho phóng viên của họ tham khảo. Có chút tự hào nhưng tôi hiểu về chuyên môn chưa hẳn đây đã là những bài viết hay, nhưng để có bài viết này trên một tờ báo nhỏ như Doanh nhân Sài Gòn thì đó là một quyết định dũng cảm, buộc phải đánh đổi nhiều điều quan trọng trong sự nghiệp lẫn cuộc sống. Điều đáng buồn là thực tế đã có sự “đánh đổi” như vậy với Tổng biên tập Minh Hiền...

Nhưng tôi cũng biết, đây không phải lần đầu tiên cô chọn “đánh đổi” để công bố được sự thật trên tờ báo mà cô đang có quyền quyết định. Sau mọi đắn đo và thiệt thòi, cô vẫn chọn sự thật như chính lời nhắn nhủ ngắn gọn trước khi bắt đầu ba bài báo về vụ án PCI đăng trên một tờ báo nhỏ như Doanh nhân Sài Gòn: “nhà báo phải nói ra sự thật”.

Trong cuốn Kỷ yếu 10 năm của Doanh nhân Sài Gòn tôi có viết để nhớ về cô: “Một tờ báo nhỏ đã mở đường cho dư luận về một vụ án tham nhũng lớn. Đó là điều chúng tôi đã chấp nhận như bổn phận của một người làm báo”. Chúng tôi tin Doanh nhân Sài Gòn và sự dũng cảm đến quyết liệt của Tổng biên tập Minh Hiền đã góp phần nhỏ vào việc đưa vụ án PCI ra ánh sáng công luận. Chúng tôi cũng có trải nghiệm để tin rằng, nếu báo chí Việt Nam có những nhà báo như Tổng biên tập Minh Hiền, thì nạn tham nhũng sẽ sớm bị đẩy lùi.

Chu Minh Trường

_____________

(*) Chức vụ cuối cùng của nhà báo Chu Minh Trườngtại báo Doanh nhân Sài Gòn là thư ký tòa soạn. Vụ PCI năm 2008 liên quan tới lãnh đạo cao nhất của TP.HCM lúc bấy giờ.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nha-bao-phai-noi-su-that-nhu-con-tam-phai-nha-ra-to-44132.html