Nhà báo Wojcicki: 'Tôi đã nuôi dạy nên 2 CEO và một tiến sĩ'
Can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ, loại bỏ mọi chướng ngại vật là biểu hiện của việc dạy con theo kiểu 'trực thăng' - cách nuôi dạy con tệ hại nhất.
Bà Esther Wojcicki (81 tuổi) là nhà báo, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ, đồng thời là tác giả cuốn sách Nuôi dạy con thành công. Ngoài ra, bà được biết đến là người mẹ tuyệt vời khi nuôi dạy ba người con “siêu thành đạt”. Susan Wojcicki là CEO YouTube, con gái thứ hai Janet là giáo sư nhi khoa và dịch tễ và người con cuối cùng, Anne, là người đồng sáng lập và CEO của 23andMe.
Trong một bài chia sẻ với trang CNBC Make It, bà Esther cho rằng việc nuôi dạy con cái là một thách thức, đặc biệt là trong thời điểm hậu đại dịch hiện nay.
Khi viết cuốn sách Nuôi dạy con thành công, nữ nhà văn nhận về nhiều câu hỏi xung quanh phương pháp nuôi dạy con khác nhau. Tuy nhiên, điều mà nhiều bậc phụ huynh đều muốn biết chính là cách nuôi dạy con tệ hại nhất.
Dựa trên kinh nghiệm, bà Esther Wojcicki tin rằng phương pháp tệ nhất chính là dạy con theo kiểu "trực thăng".
Dạy con theo kiểu "trực thăng" là gì?
Bà nói dạy con theo kiểu "trực thăng" (đôi khi được gọi là nuôi dạy con theo phong cách “dọn đường”), là khi cha mẹ liên tục “bay lượn” bên trên con cái của họ như một chiếc trực thăng, loại bỏ các chướng ngại vật để con cái không phải đối mặt với những thử thách và thất vọng.
Cha mẹ áp dụng phương pháp nuôi dạy này thường tham gia quá mức vào cuộc sống của con. Họ làm mọi thứ cho trẻ và đáp ứng mọi nhu cầu của chúng trước cả khi chúng thể hiện nhu cầu ra bên ngoài.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cách nuôi dạy này ảnh hưởng đến khả năng phát triển, khả năng tự kiểm soát, giải quyết vấn đề, khả năng tự điều chỉnh xung đột và tạo ra bản sắc riêng khác biệt với cha mẹ của trẻ.
Cha mẹ trực thăng đều mong muốn mọi thứ tốt đẹp nhất cho con, nhưng kết quả ngược lại, họ sinh ra những đứa trẻ ngại chấp nhận rủi ro, thiếu tính sáng tạo và luôn cần sự giúp đỡ.
Tìm kiếm sự cân bằng
Bà Esther Wojcicki nhận định để trẻ tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình không đồng nghĩa là để chúng đi theo hướng cực đoan khác.
“Bạn không thể để con đi mua sắm một mình khi chúng 5 tuổi, hoặc mong đợi chúng làm bữa tối khi lên 10. Hãy đưa ra cho chúng những thử thách phù hợp với lứa tuổi”, bà Esther nói.
Theo nhà văn này, mục đích của việc này là để trẻ tự hào về việc chúng làm được. Trẻ sẽ xây dựng các kỹ năng hướng tới sự độc lập và học cách giúp đỡ mọi người xung quanh.
“Cha mẹ có thể cùng con nấu ăn, dạy chúng cách tự làm bữa sáng hay đơn giản là đổ sữa vào ngũ cốc. Trẻ lớn hơn có thể làm trứng ốp la hoặc salad… Nếu chúng không được làm những việc này, chúng sẽ cảm thấy không có khả năng nấu bất cứ thứ gì. Thậm chí, không thể làm điều gì cho chính mình”, nữ nhà văn nhận định.
Bí quyết nuôi dạy con thành công
Cả cha mẹ và giáo viên đều có thể trao quyền để trẻ em trở thành những người suy nghĩ độc lập, dễ dàng làm việc cùng các bạn và xây dựng sự tự tin.
Bà Esther Wojcicki gợi ý phụ huynh có thể áp dụng công thức TRICK, bao gồm Trust (tin tưởng), Respect (tôn trọng), Independence (tự lập), Collaboration (hợp tác) và Kindness (tử tế).
Tin tưởng: Niềm tin phải được bắt đầu từ phụ huynh. Khi cha mẹ tin tưởng vào các lựa chọn của mình trong vai trò là phụ huynh, chúng ta có thể tin tưởng con cái sẽ có những bước đi quan trọng và cần thiết hướng đến sự mạnh mẽ và tự lập.
Tôn trọng: Mỗi đứa trẻ đều có phẩm chất riêng, chúng là một món quà và trách nhiệm của cha mẹ là nuôi dưỡng món quà đó. Điều này ngược lại với việc cha mẹ sắp đặt con cái trở thành ai, theo đuổi nghề gì và cuộc sống của chúng diễn ra như thế nào.
Tự lập: Điều này dựa trên nền tảng vững chắc của sự tin tưởng và tôn trọng. Những đứa trẻ tự lập sẽ có khả năng đương đầu với nghịch cảnh, với thất bại và sự nhàm chán - những khía cạnh không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Hợp tác: Hợp tác mang ý nghĩa là làm việc cùng nhau trong một gia đình, trong lớp học, hoặc tại nơi làm việc. Đối với cha mẹ, điều đó đồng nghĩa với việc thay vì chỉ con phải làm gì, cha mẹ khuyến khích trẻ nêu ý kiến và cùng bố mẹ tìm ra giải pháp.
Tử tế: Tử tế thực sự bao gồm lòng biết ơn, sự tha thứ, quan tâm giúp đỡ mọi người và thừa nhận sự hiện diện của thế giới xung quanh bạn.
“Hãy cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi và ngưng việc giám sát con quá mức. Chúng sẽ đánh giá cao điều đó, trở nên độc lập và tin tưởng vào bản thân. Bạn có thể bắt đầu bằng cách để con đưa ra quyết định về những gì chúng muốn làm vào cuối tuần này, thậm chí lên kế hoạch cho cả gia đình”, bà Esther Wojcicki gợi ý.