Nhà bên sông làm kiên cố sẽ gây thiệt hại lớn khi sạt lở
Theo cán bộ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, qua các vụ sạt lở cho thấy nhà cửa càng làm kiên cố ở bờ sông thì khi xảy ra sạt lở gây thiệt hại rất lớn.
Ngày 31/10, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Bạc Liêu về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ông Lê Việt Hùng, Phó trưởng phòng Phòng Kiểm soát an toàn thiên tai thuộc Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cho biết tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển mấy năm gần đây ở vùng ĐBSCL xảy ra nhiều hơn dự kiến.
Nguyên nhân trước đây phù sa từ dòng Mekong về nhiều nhưng hiện nay đã giảm đi, dẫn đến bồi lắng cũng giảm; cây rừng bị mất kết hợp sóng, triều cường lên làm xói lở, trong khi kinh phí bỏ ra không kịp xử lý tình trạng này.
Ông Hùng cho rằng, khi nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai được nâng lên thì sự nguy hiểm, thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều.
"Tập quán của người dân từ xưa nay hay xây dựng nhà cửa 2 bên bờ sông. Nếu nhà tạm thì mức độ nguy hiểm và thiệt hại vừa nhưng nhà làm kiên cố sẽ gây thiệt hại lớn khi xảy ra sạt lở", ông Hùng đánh giá từ các vụ sạt lở và nhấn mạnh rằng, công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết, ứng phó thiên tai là rất quan trọng.
Theo ông Hùng, sạt lở bờ sông trở thành loại hình thiên tai lớn của Bạc Liêu. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này không thể trong thời gian ngắn, với kinh phí cũng không đơn giản. Ông đề nghị, tỉnh nên có quy hoạch quỹ đất để di dời người dân 2 bên bờ sông khu vực đặc biệt nguy hiểm.
"Với những chỗ chưa phát sinh xây dựng 2 bên bờ sông, tỉnh cần hạn chế. Nếu không quản lý được việc này, sạt lở ngày càng gia tăng", ông Hùng đề nghị tỉnh lưu tâm để giảm bớt sạt lở bờ sông trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Đại diện Văn phòng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống giám sát cảnh báo sớm thiên tai về sạt lở, dông lốc,…
"Hệ thống này báo trước khoảng 30 phút, bán kính 3km. Như tỉnh Đồng Tháp triển khai mạng lưới này đã giảm đáng kể thiệt hại do dông lốc gây ra", vị đại diện chia sẻ.
Thiên tai "ngốn" gần 10 tỷ đồng trong 9 tháng
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra làm 8 người chết, 1 người bị thương, hơn 300 căn nhà bị hư hỏng; ước thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
Trong đó, thiệt hại xảy ra chủ yếu do sạt lở bờ sông, bờ biển, dông lốc, sét,...
"Do tác động của dòng chảy, doanh nghiệp và người dân xây dựng công trình, nhà cửa lấn chiếm làm gia tăng tải trọng bờ sông kết hợp mưa nhiều làm đất mềm gây ra sạt lở", ông Phong nêu một trong những nguyên nhân chính.
Bạc Liêu kiến nghị Trung ương tiếp tục bố trí kinh phí để tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kè chống xói lở bờ biển, bờ sông trước mắt là hơn 3.600 tỷ đồng; đề nghị các cơ quan chuyên môn nghiên cứu các giải pháp khả thi khắc phục hiện tượng sạt lở;...
Làm việc với tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn công tác - ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu đã có những nỗ lực trong phòng, chống thiên tai.
Ông Vũ đề nghị thời gian tới tỉnh chủ động những kịch bản ứng phó thiên tai, đặc biệt là El Nino trước tình hình mùa khô sắp tới; với những nguồn lực đã có, tỉnh cần đẩy nhanh làm các công trình phòng, chống sạt lở để tránh thiệt hại thêm.