Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - lặng thầm một nhân cách lớn

Lặng lẽ, tận tâm với công việc, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, xứng đáng là một cây đại thụ của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Dấn thân với nghề

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - cây bút hàng đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã qua đời ngày 20/3 ở tuổi 90. Trong mắt nhiều thế hệ khán giả, ông là một cây đại thụ khi "khai sinh" hàng loạt tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 - Ảnh: internet

Áp phích phim “Em bé Hà Nội” - Phim do nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ làm biên kịch thứ nhất - Ảnh: internet

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cùng 4 người con, con trai út là nhà quay phim, NSƯT Hoàng Tích Thiện - Ảnh: internet

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ khi còn là học viên khóa biên kịch đầu tiên tại Trường Điện ảnh Việt Nam (1961-1963) - Ảnh: internet

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Hoàng Tích Chỉ là một trong những biên kịch thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” được giới chuyên môn đánh giá là bước tiến mới cả trong nghệ thuật kể truyện lẫn nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất của điện ảnh Việt Nam.

Sau đó, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ còn liên tiếp đánh dấu tài năng của mình trên những tác phẩm như “Em bé Hà Nội”, “Tự thú trước bình minh”, “Mối tình đầu”... Các phim này đều đạt thứ hạng cao trong các Liên hoan phim quốc gia và quốc tế, trở thành những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Cơ duyên gặp gỡ và làm việc của cặp đôi tác giả biên kịch Hoàng Tích Chỉ - đạo diễn Hải Ninh đã làm nên những bộ phim - những thiên anh hùng ca của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Tại Hãng phim truyện Việt Nam còn lưu truyền câu chuyện cặp đôi biên kịch - đạo diễn Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh đã đạp xe cả trăm cây số ra vào chiến trường Vĩnh Linh năm xưa là một minh chứng sống động của sự dấn thân với nghề.

Là một người làm việc với từng trang viết, nhưng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ luôn nhanh nhạy nắm bắt những nội dung lớn, những đặc điểm mang tính điển hình của tâm hồn và khí chất con người Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử của đất nước.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, vào khoảng những năm 1985 - 1990, Xưởng phim I thuộc Hãng Phim Truyện Việt Nam được tách ra trở thành một hãng độc lập, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ lúc đó là Xưởng trưởng Xưởng I trở thành giám đốc một hãng mới toanh, nhưng truyền thống làm phim tử tế thì vẫn duy trì.

“Do cơ cấu gọn nhẹ hơn, cùng với vị giám đốc đầu tiên ít nói nhưng đầy năng động của mình, Hãng I đã tiến vào thị trường điện ảnh sôi động lúc đó với những bộ phim đình đám vừa nghiêm túc vừa hút khán giả như "Người đàn bà bị săn đuổi", hay “Dòng sông hoa trắng”, “Săn bắt cướp”... Có thể nói bằng lao động sáng tạo của mình, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã thực sự là một cây đại thụ của Điện ảnh cách mạng Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp nhất”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định.

Gây dựng Hãng phim truyện 1 với cương vị Giám đốc đầu tiên, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ để lại cho Công ty cổ phần phim truyện 1 dấu ấn một con người sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng dấn thân vào những thử thách mới; luôn nhiệt huyết, tận tâm trao truyền những kiến thức, kinh nghiệm cho từng thế hệ tiếp nối.

Một tấm gương mẫu mực

Tiếp xúc và gần gũi với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, bà Trịnh Thanh Nhã nhận xét ông là người khiêm nhường bẩm sinh, không hay đao to búa lớn. Với gia đình, ông luôn được vợ con nể trọng. Ông đặt tên con trai là Hoàng Tích Thiện, như một cách nhắc nhở mình và các con không bao giờ làm những điều thất đức.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cùng 4 người con, con trai út là nhà quay phim, NSƯT Hoàng Tích Thiện

Với đồng nghiệp, ông thường tủm tỉm cười mỗi khi có tranh cãi, và sẵn sàng lùi bước với một nụ cười rất hiền. Nhưng chỉ cần các biên kịch trẻ "chích" vào một câu hỏi nghề nghiệp, thì ông sẽ rủ rỉ hàng giờ với một cách diễn đạt nhẹ nhàng, như muốn dỗ dành chúng tôi rằng cứ cố gắng đi, nghề này không đáng sợ lắm đâu...

“Chúng tôi lúc đó là những người mới vào nghề, được sự dẫn dắt, động viên của những người đi trước như nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là rất may mắn”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.

Sau khi về hưu, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ vẫn cầm bút sáng tác. Khi đã ở tuổi thất thập, trên bàn làm việc của ông vẫn còn nhiều tác phẩm viết dở. Lúc nào, ông cũng trăn trở mơ ước có được thời gian viết tác phẩm văn học với hàng chục kịch bản văn học đang chờ đợi.

Những đóng góp đặc biệt đối với điện ảnh cách mạng

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ ra đi, để lại một sự nghiệp đồ sộ, ghi dấu những đóng góp đặc biệt trong trang sử vàng của điện ảnh Việt Nam. Ông là tác giả viết kịch bản phim đầu tiên và duy nhất cho đến nay đã được Nhà nước vinh danh và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt IV, năm 2012) với cụm tác phẩm gồm 6 kịch bản phim truyện và phim tài liệu: “Trên vĩ tuyến 17”, “Biển gọi”, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu” và “Thành phố lúc rạng đông”.

Áp phích phim “Em bé Hà Nội” - Phim do nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ làm biên kịch thứ nhất

Điều đặc biệt, ông chưa từng nhận Giải thưởng biên kịch xuất sắc nhất tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam. Nhưng những bộ phim ra đời từ kịch bản của ông đã đem lại những giải thưởng trong nước và quốc tế xứng đáng, là gương mặt đại diện của điện ảnh Việt Nam, như một chứng nhân của một thời kỳ lịch sử của đất nước.

Trong số đó có thể kể đến “Trên Vĩ tuyến 17” (Biên kịch), Giải thưởng Bông Sen Bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất, 1970; “Biển gọi” (Biên kịch) Giải thưởng Bông Sen Bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ nhất, 1970; “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” (Biên kịch thứ nhất), Giải thưởng của Hội đồng Bảo vệ Hòa bình Liên Xô, Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho nghệ sĩ Trà Giang tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow, 1973; “Em bé Hà Nội” (Biên kịch thứ nhất), Giải thưởng Bông Sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ III, 1973, Giải thưởng Đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow, 1975; “Thành phố lúc rạng đông” (Biên kịch thứ nhất), Giải thưởng Bông Sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ IV, 1977, Giải thưởng Bồ câu Vàng Liên hoan Phim quốc tế Leipzig lần thứ XVIII 1975; “Mối tình đầu” (Biên kịch thứ nhất) Giải thưởng Bông Sen Bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ V, 1980; Giải Nhất của Tổ chức Điện ảnh quốc tế của UNESCO tại Liên hoan Phim quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc) 1978; Giải thưởng Chiếc Thuyền Bạc Liên hoan Phim quốc tế lần thứ 21 Tân Hiện thực tại Italia 1981…

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã sống một cuộc đời sôi nổi, ý nghĩa và vừa nhẹ bước đi thanh thản với nụ cười hiền và ấm áp. Không chỉ để lại nhiều tác phẩm, ông còn là một tấm gương về nhân cách và để lại cho thế hệ hậu sinh những kinh nghiệm quý báu về nghề viết.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bien-kich-hoang-tich-chi--lang-tham-mot-nhan-cach-lon-post186826.html