Nhà biên kịch Lê Chí Trung: Luôn khắt khe với từng sáng tạo của mình
Dẫu là một trong số người biên kịch sân khấu xuất sắc, nhưng Lê Chí Trung luôn khắt khe với từng sáng tạo của mình.
Lê Chí Trung là một trong những tác giả vinh dự được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt này. Ông là tác giả của hàng trăm vở diễn được dựng khắp từ Nam chí Bắc trên các sân khấu kịch như: Đời luận anh hùng, Yêu là thoát tội, Công lý không gục ngã… Ông cũng là tác giả giành nhiều giải thưởng cùng huy chương vàng, bạc tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Việt Nam và liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, với nhiều thể loại sân khấu khác nhau.
Lê Chí Trung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông lên đường nhập ngũ khi đang theo học tại Đại học Xây dựng Hà Nội. Giải ngũ Lê Chí Trung vào Nam, cơ duyên trở thành tác giả viết kịch đến với Chí Trung khá bất ngờ. Năm 1982, khi đang làm việc tại Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em quận 5, có một lần quận tổ chức trại bồi dưỡng viết kịch bản, ông được cử đi tham gia. Nào ngờ sau khi đi trại sáng tác, ông bỗng thích món… viết kịch bản và tập tọe viết lách.
Gần 30 năm cầm bút trăn trở với kịch bản sân khấu, Chí Trung không thể nhớ đã viết và được dựng bao nhiêu vở. Ông chỉ nhớ rằng gần như tất cả các đoàn kịch trong nước, thậm chí cả các đoàn chèo, cải lương đều đã từng dựng vở của Chí Trung, trong đó có những vở có tới hơn chục đoàn dàn dựng. Điển hình như vở “Người yêu của cha tôi” mà sau này, sân khấu kịch Hồng Vân đã dàn dựng lại với tên gọi mới “Người tình của mẹ tôi”; Vở “Yêu là thoát tội” từng được dàn dựng trên sân khấu kịch nói lẫn cải lương…
Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến tác phẩm “Công lý không gục ngã”. Lê Chí Trung đã đưa người xem đến với một thời khắc lịch sử điển hình cho sự suy thoái và phân hóa xã hội ở kinh thành Thăng Long trong giai đoạn cuối đời của chúa Trịnh Sâm. Vốn là một tướng giỏi, oai phong lẫy lừng nhưng khi về già chúa Trịnh Sâm không nghe lời can gián của mẹ và các quan đại thần, ông si mê Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên giao hết quyền hành cho người đàn bà đầy tham vọng quyền lực này. Theo tiến sĩ Cao Ngọc, “Công lý không gục ngã” là một trong những tác phẩm sân khấu xuất sắc nói về kẻ sĩ Bắc Hà Ngô Thì Nhậm. Vở diễn còn là minh chứng cho khả năng khai thác đề tài lịch sử trong sân khấu của Lê Chí Trung.
Với khả năng sáng tạo dồi dào, có những giai đoàn tác phẩm của Lê Chí Trung phủ kín rạp hát từ Bắc vào Nam. Nhiều vở diễn gây ấn tượng với khán giả như “Yêu là thoát tội”, “Đêm của bóng tối”, “Nước mắt người điên”… Những vở kịch chừng như không mang thông điệp lớn lao, chỉ xoay quanh cuộc sống của những con người bình thường và số phận của họ nhưng qua tài năng của Chí Trung, người xem vẫn cảm thấy như có mình trong đó – như nhận định của tác giả Vũ Xuân Cải.
Nếu “Yêu là thoát tội” là kịch bản được phóng tác từ vụ án Lệ Chi Viên với những oan khuất của Nguyễn Trãi, Vở kịch lấy cảm hứng từ vụ án lịch sử Lệ Chi Viên, đoạt giải bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018. Thi “Khóc giữa trời xanh” lại là câu chuyện được cảm tác từ nỗi oan khuất và thân phận bi thương của thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý. Đây là người cùng với Lý Thường Kiệt làm nên hai “cánh tay” văn - võ cho vua Lý Nhân Tông. Tác giả Lê Chí Trung cho biết, ban đầu có ý định dùng tên chính sử, nhưng vì những lý do nhất định nên chọn phương án này. Kịch bản mượn những điển cố xưa để nói chuyện nay.
Dẫu là một trong số người biên kịch sân khấu xuất sắc, nhưng Lê Chí Trung luôn khắt khe với từng sáng tạo của mình. Sau khi vở ra rạp, ông rất siêng đi xem những vở diễn của mình. Có những vở ông xem đi xem lại tới vài chục lần, ngồi lẫn trong khán giả, ngồi sau quầy vé để nghe ý kiến phê bình vở kịch của mình. Ông bảo, làm vậy là để hiểu khán giả, để có thể đổi thay cho các kịch bản tiếp theo. Làm việc kỹ, nên hầu hết các kịch bản do ông viết đều được các nhà hát đón nhận./.