Nhà biện kịch Trần Đức Tuấn: Người đi tìm sự tỏa sáng phim tài liệu và ký sự truyền hình
'Riêng Mê Kông, ngay từ khi còn chưa được tiếp cận, chúng tôi đã có cảm giác rằng đó là một tạo vật phi thường của tạo hóa, là một trong những dòng sông huyền bí nhất trên mặt địa cầu. Cảm giác đó cho tới tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí mạnh mẽ hơn.
Dòng nước ra đi từ một cõi hư vô tuyết sơn vĩnh cửu và chấm dứt hành trình ở một cõi hư vô khác, tức biển cả mênh mông. Cuộc trường hành gần 5.000 cây số đó thực sự lạ lùng và kỳ bí, chủ yếu lặng lẽ âm thầm như chàng lãng tử rời khỏi chốn bồng lai, một mình lang bạt nơi hoang vu hẻo lánh, giữa núi rừng cô quạnh hoặc thờ ơ lướt qua chốn phồn hoa đô hội ở giữa cõi trần”.
Đó là lời bình cho bộ phim tài liệu truyền hình “Mê Kông ký sự” của nhà biên kịch Trần Đức Tuấn từng làm mê mẩn khán giả suốt nhiều thập niên. Là một nhà báo, nhà biên kịch tài năng, khiêm cung, uyên bác và trí tuệ, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6 giờ ngày 2/7/2023.
Con tằm rút ruột nhả tơ
Tôi may mắn được làm việc với các chú, các anh từ những ngày đầu Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) được thành lập vào 10/1991 đến nay. Đặc biệt là được làm phim tài liệu và phim ký sự cùng các đồng nghiệp của Hãng phim TFS, trong đó phần lớn được làm việc với nhà biên kịch Trần Đức Tuấn như: "Trung Hoa du ký" (23 tập); "Những nẻo mới đường Trung Hoa" (12 tập); ''Mê Kông ký sự'' (92 tập); "Ký sự hỏa xa - Hành trình xuyên lục địa" (75 tập); "Ký sự Hành trình theo chân Bác" (93 tập); "Hồ Chí Minh - Một hành trình" (15 tập); "Ký sự biển đảo quê hương" (83 tập)…
“Mê Kông ký sự” là phim tài liệu làm theo thể loại Ký sự truyền hình đầu tiên của TFS và HTV. Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn cùng NSND Phạm Khắc là người khai sáng cho dòng phim này. Đây là thể loại mà anh rất đam mê và thích thú, còn với chúng tôi như bước vào một mê cung hoàn toàn mới lạ. Trong những chuyến “phiêu lưu ký” khắp các nẻo đường, anh đã bồi đắp thêm những kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý của phương Tây; phương Đông, những bộ tiểu thuyết kinh điển, những điển tích văn học, những địa danh từ trang sách đến thực tế khiến chúng tôi ngẩn ngơ trước kiến thức uyên thâm, sâu rộng từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây của anh.
Có những đêm lạnh buốt ngồi dưới ánh trăng vàng để nghe những bản “Sonate ánh trăng” và nghe anh nói về thiên tài Beethoven. Có cả những đêm khuya bàng bạc, được nghe anh đọc và bình giảng thơ Đường say sưa, chúng tôi có cảm giác như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột… hiện về đâu đó quanh chúng tôi. Anh đam mê văn chương Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Trung Quốc..., đặc biệt say mê phong cách văn chương giàu tính triết lý của phương Tây, tiểu thuyết dã sử và các bài thơ Đường. Những lúc rảnh rỗi, anh lại như người thầy truyền cảm hứng và kiến thức đó với chúng tôi.
Anh đã truyền ngọn lửa đam mê cho chúng tôi trong sáng tạo nghệ thuật làm phim tài liệu, phim ký sự truyền hình. Anh như một con tằm nhả hết tơ, không lớn tiếng, không la mắng, tỉ mẩn, gọt giũa cẩn trọng từng câu, từng từ trong lời bình, từng chi tiết, thông tin ghi chép. Anh dặn dò đội ngũ biên tập, viết lời bình của TFS: “Nên chọn cách viết trong sáng, văn phong giản dị nhưng phải trí tuệ, đó là trí tuệ phổ thông, không quá cao siêu và có thông điệp. Tránh cách viết triết lý vụn, văn vẻ cầu kỳ, khó hiểu, cao xa, viển vông, khoe kiến thức mà mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt”.
Một lòng trọn vẹn với nghề
“Mê Kông ký sự” là một cách làm mang luồng gió mới, lạ, hấp dẫn và đặc biệt có nhiều yếu tố bất ngờ, cuốn hút người xem bởi thông tin và nhiều cung bậc cảm xúc. Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn là một trong những người quan trọng góp phần tạo ra những cung bậc ấy. “Mê Kông ký sự” anh đã cùng chúng tôi ròng rã suốt gần 7 năm (2000 -2007) qua 6 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia; Việt Nam và hoàn thiện kịp phát sóng vào tháng 5/2007. Lúc này, NSND Phạm Khắc bệnh đã trở nặng, anh là người đã thay thế để “đứng mũi chịu sào” và tiếp tục động viên chúng tôi (NSƯT - đạo diễn Dư Kim Hoàng; NSƯT - đạo diễn Lý Quang Trung, NSƯT - đạo diễn Nguyễn Hoàng) khẩn trương hoàn thiện bộ phim đúng kế hoạch phát sóng.
Năm 2005 với tôi như một giấc mơ khi được đề nghị làm bộ phim “Ký sự hỏa xa - Hành trình xuyên lục địa” mà chính anh là người đề xuất và xây dựng kịch bản, lộ trình đi ghi hình. Dự án quả thật quá sức và sự tưởng tượng của tôi và cả anh về lĩnh vực hỏa xa và tầm vóc của nó. Nhưng anh vẫn táo bạo đề xuất với lãnh đạo HTV về ý tưởng này. Rất may, anh Huỳnh Văn Nam - Tổng giám đốc HTV lúc ấy đã ủng hộ hết lòng với một yêu cầu khắc nghiệt: “Đoàn phim phải dựng ngay trên đường đi và truyền về đài phát sóng”.
Một thử nghiệm mới mà chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới bởi lúc đó đường truyền rất khó khăn. Một lần nữa, anh lại làm trụ cột động viên các đồng nghiệp của Hãng phim TFS và một số phòng ban của đài, quyết tâm cao độ để thực hiện bộ phim ký sự này. Cuộc hành trình hơn 2 tháng từ ga xe lửa Sài Gòn qua 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Suốt hành trình, anh không chỉ là người làm phim mà còn là một hướng dẫn viên du lịch thực thụ bởi những trải nghiệm khi anh từng đi qua tuyến đường sắt từ Liên Xô về Việt Nam qua Mông Cổ, Trung Quốc với kiến thức và trí nhớ tuyệt vời đã giúp chúng tôi có những thước phim không thể quý báu hơn.
Qua ga Đại Liên (Trung Quốc) giáp ranh với Mông Cổ, tàu phải thay bánh ray khác cho phù hợp với khổ đường ray lớn hơn của Mông Cổ. Khi qua biên giới Mông Cổ vào nước Nga, băng qua sa mạc Siberi anh hướng dẫn những đoạn sẽ tới cột mốc phân chia châu Á và châu Âu để chúng tôi ghi hình chính xác. Đến Moscow anh lại cho chúng tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi kể những câu chuyện ở hồ Baikal. Anh cùng chúng tôi chia nhau ăn một loại cá khô mà anh đã mua được của những người bán dạo ở các ga, vừa thưởng thức món cá đặc biệt vừa được anh giải thích cách đi câu cá dưới lớp băng đá ở hồ Baikal. Anh như người thầy lớn giảng giải cho chúng tôi hiểu thêm nhiều kiến thức văn hóa, lịch sử nước Nga vĩ đại.
Với nhà biên kịch Trần Đức Tuấn, ý tưởng dường như chưa bao giờ cạn. Vừa xong “Ký sự hỏa xa - Hành trình xuyên lục địa”, anh lại đề xuất làm phim “Hành trình theo chân Bác” với một ý tưởng táo bạo: Đoàn phim sẽ theo cung đường thủy qua các địa danh mà Bác đã đi qua, những nơi mà Bác đã ở, làm việc và hoạt động tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Lộ trình 93 ngày, hơn ba tháng qua 26 quốc gia, những nơi mà Bác đã từng đến, từ Á sang Âu, châu Phi, châu Mỹ…Lại một thử thách lớn với chúng tôi: làm phim một vĩ nhân, lãnh tụ của đất nước mà trước đó đã có nhiều sách báo, phim ảnh đã làm. Cẩn trọng và nghiêm túc, anh dặn chúng tôi phải tìm và đem theo tài liệu chính sử. Thế là cả đoàn sắm cả máy in mang theo, đồ đạc cá nhân phải giảm bớt vì phải mang tư liệu, sách báo.
Trong suốt hành trình đi và gặp gỡ các nhân chứng để ghi hình và phỏng vấn, anh đã gây được sự chú ý và thích thú của nhiều người từ nhà chính trị, các sử gia quốc tế, giáo sư đầu ngành, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ ở Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Italia; Ai Cập, Senegal, Congo, Thái Lan, Hongkong và Kiều bào Việt Nam… để ghi lại cảm xúc của họ, chân thật, giản dị về Bác. Bằng tất cả tấm lòng và sự tôn kính đối với Bác, chúng tôi đã hoàn thành bộ phim “Ký sự Hành trình theo chân Bác” kịp phát sóng nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 97 năm ngày Bác Hồ rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911).
Các bộ phim tài liệu và phim ký sự của TFS - HTV mang nhiều dấu ấn của anh - Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn. Những ký ức về anh cứ miên man, không thể kể hết. Những người HTV được may mắn làm việc cùng anh sẽ giữ mãi hình ảnh một người thầy, người cha, người anh đáng kính trong tim mình.
Nhà báo, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn
Sinh năm 1941 tại Nam Định
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba;
Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng;
Cùng nhiều Huy chương và Bằng khen cao quý khác.
Nguyên Phó Trưởng phòng, Phó Tổng biên tập; Bí thư chi bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; Đảng ủy viên lâm thời khối Văn hóa Tư tưởng; Phó Giám đốc Hãng Phim truyền hình.