Nhà cho gấu giữa Bạch Mã
Hai cá thể gấu được cứu hộ đưa về 'trại gấu' dưới chân Vườn Quốc gia Bạch Mã một ngày đầu tháng 10 trong sự reo vui của những chuyên gia về động vật hoang dã, lực lượng kiểm lâm. Giữa chốn non thiêng ấy, sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới trong việc cứu hộ, bảo tồn loài gấu. 'Nơi này không chỉ có khí hậu phù hợp với gấu mà nó còn là điểm đến vô cùng ấn tượng', một người thốt lên trong lúc chờ hai cá thể gấu về vườn.
Chiều muộn, hai cá thể gấu mới được vận chuyển đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, nhưng từ sớm rất nhiều người đứng chờ để đón thời khắc ý nghĩa này.
Gấu về
Qua khỏi cổng vườn, băng qua con dốc đầu tiên chừng 700m rẽ trái, không gian Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II đang trong quá trình hoàn thiện hiện ra trước mắt. Càng vào sâu bên trong, mọi người choáng ngợp bởi một trung tâm cứu hộ gấu được xây dựng bài bản, đẳng cấp theo chuẩn quốc tế trên một khu đất hơn 12 hecta. Vừa dẫn mọi người đi xem, vừa thuyết minh, ông Nguyễn Vũ Linh – Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã không khỏi tự hào khi vườn được chọn là nơi xây dựng “trại gấu”.
“Bên cạnh khí hậu phù hợp, vườn còn đáp ứng cơ bản các tiêu chuẩn mà các chuyên gia đưa ra”, ông Linh nói. Được khởi công từ năm 2022, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II nay đã hoàn thiện giai đoạn 1 với rất nhiều hạng mục khép kín, đảm bảo kỹ thuật, môi trường sống cho loài gấu. Ngoài những khu nhà gấu còn có khu bán trú hoang dã, khu nhà hành chính, khu nghỉ dưỡng cho nhân viên, khu cách ly, khu bệnh viện thú y, khu chế biến thức ăn cho gấu… Quanh cả khu này là mảng rừng lớn bao phủ, bước vào đây như lạc vào một thế giới thiên nhiên hoang dã.
“Gấu được cứu hộ đưa về trung tâm sẽ được cách ly, theo dõi. Sau thời gian cách ly, gấu sẽ được thăm khám để xác định được tình trạng sức khỏe. Tùy tình hình sẽ có những biện pháp chăm sóc đối với từng cá thể”, bác sĩ thú y Trần Khánh Ngân, cán bộ làm việc ở Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II chia sẻ. Ngân cũng đưa mọi người đi một vòng, giới thiệu quy trình khép kín của bệnh viện gấu. Bên trong bệnh viện được chia thành nhiều phòng, với vô số trang, thiết bị hiện đại, như: máy siêu âm, thiết bị thử máu tại chỗ, máy gây mê… “Tùy bệnh tình của mỗi cá thể, các bác sĩ sẽ chỉ định. Có trường hợp gấu đã được thay thủy tinh thể, cắt bỏ túi mật…”, nữ bác sĩ thú y từng có vài năm kinh nghiệm làm việc ở Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam I ở Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) trước khi vào cơ sở II ở Bạch Mã, nói.
Cách khu bệnh viện gấu không xa đó là khu nhà gấu được xây dựng một cách kiên cố, kết nối với không gian bán hoang dã ngoài trời có hệ thống hàng rào hai lớp vây quanh. Khu bán hoang dã chẳng khác gì một công viên. Nơi này gấu sẽ được tự do vui chơi, leo trèo. Khu này bao gồm nhiều cây xanh, thảm cỏ, có hệ thống hồ nước, những chướng ngại vật để gấu thỏa thích vận động. Không gian này sẽ làm đa dạng môi trường sống cho gấu, giúp chúng nhanh chóng phục hồi khả năng tự nhiên và sự linh hoạt.
“Để đảm bảo an toàn, khu nào cũng được thiết kế hệ thống hàng rào hai lớp, trong đó có lớp có điện xung kích, một khi gấu chạm vào, hàng rào điện xung kích sẽ tự động đẩy ra”, ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã chỉ tay về hướng hàng rào, giới thiệu với người tham quan.
Để gấu có cuộc sống tốt đẹp hơn
Chiếc xe chở hai con gấu được giải cứu ở Hà Nội di chuyển đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II ở Vườn Quốc gia Bạch Mã sau hơn một ngày di chuyển với hơn 800km. Sở dĩ quá trình di chuyển được xem là chậm bởi cứ 2-3 tiếng phải dừng lại để các chuyên gia kiểm tra sức khỏe, tiếp nước và thức ăn.
Cánh cửa xe được các chuyên gia mở chậm, hàng trăm ánh mắt dõi theo. Hai con gấu được đặt trong hai lồng, ánh mắt tươi tỉnh khi được đưa về ngôi nhà mới. Nhóm các chuyên gia trực tiếp đi theo hai cá thể gấu và nhóm chuyên gia tại chỗ đã trao đổi với nhau về thông tin tuổi đời, sức khỏe, đặc tính từng con... Bác sĩ thú y ngay sau đó đã tiếp sữa và mật ong cho từng con trước khi lồng được dịch chuyển ra khỏi thùng xe bằng hệ thống điều khiển nâng hạ tự động.
Trong khi cả hai cá thể gấu như ngỡ ngàng khi có cuộc đời mới thì những người quan sát tỏ ra vui mừng, bởi hành trình cứu hộ gấu từ nay sẽ mở ra nhiều triển vọng mới, lượng gấu giải cứu sẽ được tiếp nhận nhiều hơn. “Gấu ngay khi xuống xe được đưa vào khu cách ly. Tùy tình hình cách ly 30-45 ngày và được giám sát một cách chặt chẽ”, bác sĩ thú y Trần Khánh Ngân giải thích và cho biết, hai cá thể gấu được đặt tên là Amstrong (gấu đực) và Buzz (gấu cái), tên của hai phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Ngay khi đưa vào khu cách ly, gấu sẽ được dụ vào một chiếc lồng khác, thoáng rộng hơn và chỉ có những người có nhiệm vụ mới được ra vào khu này.
Không dừng lại với hai cá thể gấu này, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II ở Vườn Quốc gia Bạch Mã đưa vào hoạt động chính thức, dự tính sẽ có quy mô nuôi hơn 300 cá thể gấu. Ông Nguyễn Vũ Linh hy vọng, việc ra đời trung tâm này sẽ sớm chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật và quan trọng hơn là các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt sẽ được chuyển về đây và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Vườn Quốc gia Bạch Mã sẽ có thêm địa chỉ tham quan, thêm mô hình học tập và nâng cao nhận thức cho du khách và cộng đồng địa phương về trách nhiệm và sự tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và các loài gấu nói riêng”, ông Linh tâm sự.
Hơn 260 cá thể gấu được cứu hộ
Tổ chức Động vật châu Á là một tổ chức từ thiện quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức này là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.
Tổ chức Động vật châu Á đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2007 và đưa gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Hiện nay, tổ chức đã cứu hộ được 261 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 200 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh mướt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo, và 2 cá thể gấu tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.
Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với các cơ quan chức năng, với ngành kiểm lâm để cứu hộ gấu, tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp giảm nhu cầu mật gấu, tổ chức phối hợp cùng các thầy thuốc đông y của Trung ương hội Đông Y Việt Nam giới thiệu và phổ biến các cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu. Tổ chức cũng thường xuyên có các chương trình tuyên truyền tới các trường học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ loài gấu và các loài động vật khác.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/nha-cho-gau-giua-bach-ma-133882.html