Nhà chờ xe buýt ở Thủ đô tiếp tục bị chiếm dụng
Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều điểm nhà chờ xe buýt đang bị chiếm dụng để bán hàng. Đáng nói, sau nhiều ngày được lực lượng chức năng giải quyết nhưng đến nay tình trạng chiếm dụng không gian nhà chờ xe buýt lại tiếp tục tái diễn.
Xung quanh nhà chờ xe buýt, các hàng quán vô tư bày bán, kinh doanh. Nhiều nhà chờ xe buýt còn trở thành nơi chờ đón khách của xe ôm. Tình trạng này xảy ra phổ biến tại nhiều nơi trên địa bàn TP. Hà Nội. Không chỉ tạo ra khung cảnh nhếch nhác, thiếu mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm, cản trở việc ra vào bến của xe buýt.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau nhiều phản ánh của báo chí thì ngày 1/12, tại một số điểm chờ xe buýt bị chiếm dụng để bán hàng, kinh doanh đã bị lực lượng chức năng giải quyết. Tại đây không còn xuất hiện cảnh bày bàn ghế để bán hàng, tuy nhiên sau gần một tuần tình trạng này lại tiếp tục tái diễn.
Ngày 7/12, khảo sát tại các nhà chờ xe buýt trên một số tuyến phố của Thủ đô dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng quán chiếm dụng không gian này một cách vô tội vạ. Điển hình là nhà chờ xe buýt trên đường Cầu Giấy - khu vực trước cổng Trường Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội.
Đây là điểm kết nối nhiều tuyến xe buýt nên có lưu lượng lớn hành khách đi lại. Lợi dụng điều này, nhiều người đã chiếm dụng không gian để bán hàng phục vụ hành khách đi xe buýt.
Tình trạng lộn xộn, nhếch nhác như trên cũng xảy ra ở nhà chờ xe buýt gần Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm). Tại đây, các tiểu thương ngang nhiên bày bàn ghế chiếm dụng chỗ ngồi chờ xe buýt để bán trà đá.
Nói về tình trạng các nhà chờ xe buýt bị lấn chiếm tại Thủ đô, ông Khương Kim Tạo, Nguyên phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, việc các tiểu thương chiếm dụng nhà chờ để bán hàng đã gây nhốn nháo, mất mỹ quan đô thị. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thông qua một số biện pháp như: Sử dụng các biển báo quy định không được tập trung bán hàng,... Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp xử lý những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm.
Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền cơ sở tích cực vào cuộc kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm thì những hành vi lấn chiếm giảm hẳn. Tuy nhiên, chỉ cần vắng bóng cơ quan chức năng thì tình trạng lấn chiếm ngay lập tức tái diễn. Khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, những cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, hành vi tụ tập buôn bán ở lòng đường vỉa hè nói chung cũng như các điểm nhà chờ xe buýt nói riêng là vi phạm luật giao thông đường bộ, với cá nhân có thể phạt 200.000 đồng, với tổ chức có thể phạt 400.000 đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể tạm giữ hành chính đối với phương tiện, vật dụng phục vụ kinh doanh bán hàng.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện thành phố có khoảng trên 3.000 điểm dừng, 361 nhà chờ, trong đó có nhiều điểm dừng và nhà chờ xe buýt thường xuyên bị chiếm dụng. Nhà chờ xe buýt là một phần bộ mặt của giao thông đô thị, đáng tiếc bộ mặt ấy đang bị làm xấu bởi chính một bộ phận người dân Thủ đô. Nếu không có những giải pháp quyết liệt hơn thì câu chuyện lấn chiếm nhà chờ xe buýt vẫn mãi là điệp khúc chưa có hồi kết.