Nhà đầu tư BOT giao thông sốt ruột chờ 'phao cứu trợ'
Rất nhiều doanh nghiệp dự án thuộc nhóm 8 dự án BOT giao thông đang gặp khó khăn, vướng mắc đã bị ngân hàng xếp vào nhóm nợ xấu, tiệm cận nguy cơ vỡ phương án tài chính.
“Bất chấp có nhiều kiến nghị nhưng các vướng mắc tại các dự án BOT giao thông vẫn dừng lại chờ các cơ quan Nhà nước tháo gỡ đã đẩy các nhà đầu tư vào vòng xoáy thua lỗ lớn”, PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết tại cuộc tọa đàm tháo gỡ bất cập dự án PPP hạ tầng giao thông diễn ra vào sáng nay.
Bên bờ vực phá sản
Theo ông Chủng, VARSI tổ chức cuộc tọa đàm để một lần nữa nghe những người “trong cuộc” về các vướng mắc của từng dự án BOT, từ đó có thêm các chứng cứ xác thực làm cơ sở cho các kiến nghị tháo gỡ các bất cập nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư để tránh sự sụp đổ của hàng loạt doanh nghiệp dự án và tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với phương thức đầu tư đầy tham vọng mà Chính phủ mong muốn.
Không giấu được vẻ lo lắng về tình hình tài chính, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 – doanh nghiệp dự án Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889 cho biết, từ năm 2019 đến nay, phương án tài chính của dự án gần như bị phá vỡ.
Theo ông Khang, Dự án nâng cấp QL91 hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016. Theo thỏa thuận, việc thu phí triển khai tại hai trạm T1 và T2 thuộc phạm vi dự án. Công tác thu phí ổn định cho đến tháng 5/2019, trạm T2 phải dừng thu phí do việc thu phí lượt không đảm bảo công bằng tuyệt đối, một số phương tiện đi trên một đoạn ngắn đặc biệt hướng đi từ Kiên Giang lên An Giang vẫn phải trả phí lượt.
Bên cạnh đó, lộ trình tăng phí 3 năm/lần theo điều khoản hợp đồng cũng không được thực hiện, trong khi chính sách giảm giá/miễn phí cho phương tiện của người dân xung quanh khu vực trạm vẫn phải thực hiện. Bất cập hơn là thời gian qua, hàng loạt đường cấp quận, huyện “mọc” lên xung quanh vị trí đặt trạm T1, tạo điều kiện cho các phương tiện né trạm thu phí BOT QL91.
“Tính toán cho thấy, doanh thu BOT tại dự án hiện sụt giảm còn hơn 30%/trạm so với phương án tài chính ban đầu. Dự kiến, khi các tuyến đường mới của địa phương tiếp tục được đưa vào khai thác, doanh thu chỉ còn 15 - 20%, hợp đồng BOT bị phá vỡ”, ông Khang than và kiến nghị nhà nước sớm bố trí nguồn vốn (1.879 tỷ đồng) để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
“Việc chấm dứt sớm hợp đồng là điều tốt cho cả nhà đầu tư và hệ thống ngân hàng. Bản thân các khoản nợ đầu tư vào Dự án đã bị ngân hàng xếp vào nợ nhóm 5”, ông Khang thông tin.
Cùng chung tình cảnh “mấp mé phá sản” là Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C.
Ông Theo ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty BOT Phú Hà (doanh nghiệp dự án) cho biết, trong quá trình khai thác dự án BOT, tỉnh Phú Thọ triển khai đầu tư các tuyến đường mới bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh (các tuyến Đường tỉnh 316B, 317) tại các huyện Tam Nông, Thanh Sơn và Thanh Thủy, các phương tiện đã sử tuyến đường này tránh trạm thu phí của dự án, gây sụt giảm doanh thu; số lượng xe vận tải và xe contener giảm mạnh, trung bình chỉ còn khoảng 30% so với dự báo trong phương án tài chính. Chính sách miễn phí cho các phương tiện từ 9 chỗ trở xuống khi lưu thông qua cầu Việt Trì cũ làm phân chia lưu lượng, số lượng giảm khoảng 40% so với dự báo.
Đối với Dự án này, sau khi nghiên cứu kỹ các giải pháp khắc phục, kết quả đều không khả thi. Bộ GTVT thống nhất với đề xuất của Nhà đầu tư, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn NSNN khoảng 1.422 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư và xóa bỏ trạm thu phí của dự án.
“Chúng tôi kỳ vọng, phương án giải quyết khó khăn sẽ sớm chốt được vào đầu năm 2023, giúp nhà đầu tư tránh được nguy cơ phá sản”, ông Nghĩa nói.
Ưu tiên gỡ khó cho BOT giao thông
Cần phải nói thêm rằng, vào đầu tháng 10/2020, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Chính phủ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do bộ này quản lý.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương giải pháp thực hiện và bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 13.115 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của 7 dự án (khoảng 10.835 tỷ đồng) và bổ sung vốn nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) hỗ trợ Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện pháp luật về PPP, bảo đảm công bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên, khả thi về tổ chức thực hiện.
“Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương (dự kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV), Chính phủ sẽ bố trí vốn ngân sách, chỉ đạo thực hiện các thủ tục xác nhận, thanh toán chi phí, dự kiến trong 2 năm (2023 và 2024)”, Bộ GTVT đề xuất.
Tuy nhiên, vì một số lý do, đề xuất này đã không kịp trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Việc xử lý chậm trễ này không chỉ chất thêm khó khăn cho 8 dự án BOT giao thông mà còn ảnh hưởng lớn đến việc thu hút vốn đầu tư PPP vào hạ tầng giao thông.
“Việc không hấp dẫn nhà đầu tư thời gian qua, không chỉ là những vướng mắc về tín dụng, thể chế chưa hoàn chỉnh gây sự không bình đẳng giữa Nhà nước và tư nhân. Nguyên nhân chính, quan trọng là các nhà đầu tư e ngại từ các vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT thời gian qua chưa được giải quyết rốt ráo, gây mất niềm tin và đẩy nhà đầu tư đơn phương chống chọi dẫn tới nguy cơ phá sản doanh nghiệp”, ông Trần Chủng đánh giá.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nhận định: tâm tư của các nhà đầu tư BOT hiện nay là hoàn toàn chính đáng khi dồn lực huy động để nhân dân đi lại thuận lợi hơn, nhà nước có những dự án hiện đại hơn. Đối với các dự án BOT đang được cơ quan có thẩm quyền đề xuất gỡ khó, các nhà đầu tư không có lỗi.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, với những vướng mắc hiện nay, các bên liên quan ngồi lại để xác định rõ trách nhiệm. Với những dự án có cơ sở pháp lý chặt chẽ mà lỗi xuất phát từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nhà nước cần nghiên cứu vốn mua lại, chấm dứt trước hợp đồng hoặc sớm tìm hướng đi phù hợp.
“Trường hợp ngân sách nhà nước quá khó khăn, không thể mua lại toàn bộ dự án thì cần phải xác định thứ tự ưu tiên. Ví dụ, cần bù đắp trước cho các nhà đầu tư BOT bị nợ xấu hoặc bố trí trả trước phần vốn chủ sở hữu và xây dựng rõ kế hoạch thanh toán cho nhà đầu tư ở thời gian sau đó”, ông Hoàng đề xuất.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-dau-tu-bot-giao-thong-sot-ruot-cho-phao-cuu-tro-d176813.html