Nhà đầu tư kiên định không bán rẻ, VN-Index tăng phiên thứ 5 liên tiếp

VN-Index hết hôm nay đã có phiên tăng thứ 5 liên tiếp và tròn 10 phiên thoát đáy. Trong suốt nhịp đi lên này không có phiên nào lực xả gia tăng đột biến do nhà đầu tư không chịu bán rẻ. Thị trường nhờ đó tăng chậm nhưng chưa dừng lại ngay cả khi tiến sát ngưỡng cản kỹ thuật nhạy cảm.

Lực bán yếu, cổ phiếu có lợi thế tăng

Quá trình tạo đáy của thị trường luôn lo sợ đối diện với nhu cầu lướt sóng ngắn hạn. Tuy nhiên lần này dường như thị trường không chịu áp lực đó một cách rõ ràng. Thanh khoản liên tiếp duy trì thấp, cổ phiếu ít giảm giá và thường chỉ giảm trong phiên rồi lại tăng tiếp.

Hôm nay cũng vậy, thị trường tưởng như đã xuất hiện một ngày giảm, khi cổ phiếu lẫn VN-Index dập dình xanh đỏ gần như cả buổi sáng. Tuy nhiên đặc điểm của những phiên dao động trước đó vẫn lặp lại: Thanh khoản rất thấp, biên độ giảm của cổ phiếu nhẹ. Đó là các tín hiệu của trạng thái bán yếu. Khi thị trường nhận thấy các tín hiệu như vậy, thường lực mua sẽ mạnh lên và kéo giá tăng.

Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Quả thực thị trường chiều nay càng về cuối phiên càng tốt hơn. Tuy VN-Index gặp bất lợi về cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng phần đông các cổ phiếu khác lại tăng giá tốt. Vì thế thị trường rơi vào trạng thái “đánh lừa” cảm giác về giá: VN-Index chỉ tăng 0,66% nhưng cổ phiếu tăng trên 2% lẫn kịch trần khá nhiều.

Trong số các cổ phiếu siêu lớn của VN-Index, duy nhất VHM đóng cửa tăng trên 1%. VCB cuối ngày hạ độ cao đáng kể, từ mức tăng 4,65% còn 0,78%. VNM giảm 0,68%, VIC tăng yếu 0,64%, GAS, HPG tham chiếu. Các cổ phiếu lớn kém nổi bật góp phần hạ nhiệt chỉ số, đem lại cảm giác ngập ngừng khi VN-Index tiến dần đến ngưỡng kháng cự kỹ thuật 1.300 điểm.

Tuy vậy với cổ phiếu cụ thể thì giao dịch tốt hơn. HoSE kết phiên với 22 mã tăng kịch trần. Cổ phiếu tăng hết biên độ cả loạt thường là biểu hiện của tâm lý hưng phấn và dòng tiền nóng hoạt động mạnh. Nhóm kịch trần hôm nay xuất hiện đủ những gương mặt “nóng” nhất như HAI, JVC, ROS, HAP, HAR, HQC, FLC, QBS, PXS, AMD...

Thanh khoản cũng là một biểu hiện rõ của áp lực bán yếu này. Giá trị khớp lệnh của HoSE và HNX lại sụt giảm gần 13% so với phiên trước, xuống mức 14.560 tỷ đồng. Rõ ràng là với 10 phiên tăng dần vừa qua, rất nhiều mã có lãi tốt và khối lượng chuyển nhượng hàng ngày được tích lũy hàng tỷ cổ phiếu. Nếu các nhà đầu cơ muốn bán ra chốt lời thì hẳn thanh khoản phải cao hơn mức hiện tại. Thế nhưng việc găm giữ cổ phiếu đang khiến thanh khoản xuống thấp, trong khi nhu cầu mua vẫn còn.

Kháng cự kỹ thuật của chỉ số, không phải của cổ phiếu

Những ngày gần đây ngưỡng kháng cự kỹ thuật 1.300 điểm của VN-Index được nhắc đến khá nhiều. Lý do là mốc này tương đương với tỷ lệ phục hồi 38,2% so với chiều giảm từ đỉnh tháng 4 vừa qua. Đây là một tỷ lệ kỹ thuật rất phổ biến và thường là ngưỡng cản đầu tiên trong chiều phục hồi.

Tâm lý phổ biến trên thị trường vẫn là nhìn chỉ số VN-Index để dự đoán diễn biến chung, coi VN-Index là đại diện toàn bộ cổ phiếu. Điều này có thể đúng trong nhiều tình huống, nhưng không nhất thiết là đúng trong mọi tình huống.

Lý do là thời gian vừa rồi cổ phiếu giảm giá rất nhiều, trong đó có cả các cổ phiếu cơ bản tốt, doanh nghiệp lợi nhuận cao. Vì vậy ngoài yếu tố kỹ thuật thông thường, các cổ phiếu còn có yếu tố định giá cơ bản. Các mốc kỹ thuật có thể quan trọng đối với các nhà đầu tư lướt sóng, nhưng với nhà đầu tư dài hạn thì không. Một biểu hiện khá rõ là lực bán ra những ngày qua rất nhẹ, dù VN-Index đang tiến sát ngưỡng kháng cự kỹ thuật. Các nhà đầu tư dài hạn không quan tâm nhiều đến chỉ số VN-Index trong tình huống này, khi các yếu tố cơ bản của cổ phiếu vẫn đang định giá thấp.

Mặt khác, không phải cổ phiếu nào cũng có cùng thời điểm về ngưỡng kháng cự kỹ thuật với VN-Index, do biên độ giảm của cổ phiếu thường lớn hơn chỉ số. Nói cách khác, ngay cả với các nhà đầu cơ lướt sóng, mối quan tâm nếu có cũng bám chặt vào cổ phiếu cụ thể.

Khánh Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nha-dau-tu-kien-dinh-khong-ban-re-vn-index-tang-phien-thu-5-lien-tiep-106057.html