Nhà đầu tư nghỉ lễ sớm, VN-Index giảm nhẹ trên nền thanh khoản thấp

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 trước dịp nghỉ lễ kéo dài, nhà đầu tư giao dịch thận trọng với cung cầu đều ở mức thấp. Chỉ số VN-Index cũng không có quá nhiều biến động khi thiếu vắng nhóm ngành dẫn dắt.

Thị trường phân hóa phiên 29/4.

Thị trường phân hóa phiên 29/4.

Mở cửa phiên 29/4, thị trường cho thấy tâm lý thận trọng trên diện rộng khi chỉ số VN-Index giằng co quyết liệt quanh tham chiếu. Dù số mã tăng áp đảo số mã giảm, VN-Index không thể bứt phá khi loạt mã trụ như VHM, VIC, VRE, SAB cùng giảm trên 1,5%.

Thế giằng co diễn ra trong hầu hết phiên sáng. Tuy nhiên gần về giữa giờ nghỉ, hàng loạt cổ phiếu bất động sản như VIC, NVL, PDR, TCH, KBC, IDC… bị bán ra mạnh, khiến chỉ số VN-Index giảm nhẹ 3 điểm về còn 1.223,85 điểm.

Dòng tiền cải thiện đáng kể đầu phiên chiều giúp VN-Index có thời điểm vượt lên tham chiếu. Dù vậy, sự “thờ ơ” của nhà đầu tư về cuối phiên, cùng với việc hàng loạt cổ phiếu trụ rơi điểm, tiếp tục đẩy VN-Index rơi vào vùng giá đỏ.

Chốt phiên 29/4, VN-Index giảm 0,5 điểm, tương đương 0,04% về còn 1.226,3 điểm. Phe giảm cũng áp đảo bên tăng, với 274 mã giảm so với 226 mã tăng. Thanh khoản cải thiện so với ngày hôm qua khi tăng 9,8% lên 15.534 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn giảm 24% so với phiên cuối thứ 6 tuần trước.

Sau khi mua ròng vỏn vẹn 3 tỷ ngày 28/4, nhà đầu tư nước ngoài quay đầu bán ròng tới 254 tỷ đồng phiên 29/4, tập trung ở các mã VIC (242,4 tỷ đồng), SAB (100 tỷ đồng), VPB (90,9 tỷ đồng), FPT (61,5 tỷ đồng), HDB (50,88 tỷ đồng).

Các cổ phiếu tác động lớn nhất lên chỉ số VN-Index phiên 29/4. Ảnh: VNDIRECT

Các cổ phiếu tác động lớn nhất lên chỉ số VN-Index phiên 29/4. Ảnh: VNDIRECT

Chỉ số VN30-Index giảm mạnh hơn khi mất 2,6 điểm, tương đương 0,2%, tạo áp lực lên chỉ số chính. Toàn nhóm VN30, có tới 17 mã giảm, trong đó cổ phiếu SAB mất tới 6,05%, trực tiếp lấy đi gần 1 điểm khỏi VN-Index.

Trong nhóm giảm điểm, ngoại trừ VJC (-3,5%), BCM (-1,3%) và SSB (-1,1%), không có mã nào giảm trên 1%. Ở chiều ngược lại, VRE từ lúc giảm 3,7% quay đầu tăng 2,38% lên 23.650 đồng/CP, cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.

Bên cạnh VRE tăng tốt, VIC đã quay về tham chiếu, trong khi VHM thu hẹp đà giảm về còn 0,2%. Sự phục hồi của bộ ba cổ phiếu Vingroup tạo động lực lớn cho nhóm bất động sản, với hàng loạt cổ phiếu tăng tích cực như SJS (1,75%), DXS (3,21%), KSF (5,49%), FIR (6,24%), TCH (0,88%). Ở chiều ngược lại, AGG (-1,62%), QCG (-1,86%), PDR (-1,91%), KDH (-1,31%), CEO (-0,81%) là những mã giảm điểm đáng chú ý.

Trong phiên giao dịch thiếu điểm nhấn, cổ phiếu vận tải biển bất ngờ bứt phá, với VSC tăng kịch trần, HAH và VOS cũng tăng lần lượt 5,9% và 3,8%. Nhiều cổ phiếu cảng biển như SPG (3,8%), GMD (3,9%), PHP (5,2%) cũng có cho mình mức tăng tích cực.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nha-da-u-tu-nghi-le-som-vn-index-gia-m-nhe-tren-ne-n-thanh-khoa-n-thap-41010.html