Nhà đầu tư ngoại rót vốn mạnh tay vào ngành bảo hiểm

Sau khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư chính thức xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong ngành bảo hiểm là 100%. Ngay lập tức, thị trường dậy sóng.

Nhà đầu tư ngoại rót vốn mạnh tay vào ngành bảo hiểm

Năm 2021, ngành bảo hiểm đã chịu ảnh hưởng nặng nề do các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trong quý III/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWP) và doanh thu phí khai thác mới (NBP) của bảo hiểm nhân thọ có mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay là, lần lượt tăng 8,5% và giảm 10,5% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giảm 12% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, đối với bảo hiểm phi nhân thọ, nhu cầu đối với bảo hiểm ô tô xe máy, bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm du lịch, đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu phí bảo hiểm ở mức thấp trong kỳ.

Năm 2021, ngành bảo hiểm đã chịu ảnh hưởng nặng nề do các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm y tế là ngoại lệ duy nhất với mức tăng 118% và 113% so với cùng kỳ, thể hiện nhu cầu bảo vệ sức khỏe gia tăng trong bối cảnh đại dịch.

Lũy kế trong 9 tháng của năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm tại thị trường Việt Nam đạt 151.700 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đạt lần lượt 110.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm ngoái và 41.700 tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm ngoái.

Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2021 ước tính đạt 215.000 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, thấp hơn năm 2020 và mức trước COVID-19.

Trên thị trường chứng khoán, trong năm 2021, ngành Bảo hiểm tăng 10,5% trong 2021, thấp hơn so với VN-Index là 23%. Kết quả này hoàn toàn là do Tập đoàn Bảo Việt (BVH) giảm 14%.

Trong khi đó, diễn biến giá của các công ty bảo hiểm niêm yết còn lại là rất thuận lợi nhờ một số thông tin liên quan đến thoái vốn Nhà nước. Các công ty tăng tốt bao gồm: bảo hiểm Bưu điện (PTI) tăng 168%; Tổng Công ty tái bảo hiểm Quốc gia (VNR) tăng 94% và Tổng công ty Bảo Minh (BMI) tăng 85%.

Nhận định về ngành bảo hiểm trong năm 2021, SSI Research nhấn mạnh về việc xác nhận tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) của các công ty bảo hiểm ngày càng cao.

Theo SSI Research, trước đây, mặc dù không có giới hạn cụ thể về tỷ lệ FOL tại các công ty bảo hiểm nhưng cũng chưa có văn bản chính thức nào đề cập đến mức room cụ thể đối với ngành bảo hiểm.

Trong tháng 8/2021, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành Bảo hiểm là 100%.

Động thái này đã gỡ bỏ khó khăn của nhiều công ty bảo hiểm trong những năm qua khi có kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (BMI, PTI, PGI).

Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) lên 100% (PTI, PVI, PRE) và 49% (BVH). Trong tháng 12, VN Post đã thoái vốn toàn bộ 22,7% cổ phần tại PTI.

Triển vọng trong năm 2022

Với kịch bản cơ sở nền kinh tế Việt Nam sẽ bật tăng mạnh mẽ trong nửa cuối 2022, SSI Research kỳ vọng các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục tốt trong năm.

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22 - 24%, trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8% - 10%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng, tăng 18 - 20%.

SSI Research cho rằng, có hai nhóm yếu tố đối nghịch tác động đến lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong 2022.

Thứ nhất, với yếu tố kém tích cực. Việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ khó có thể lặp lại trong năm 2022. Do đó, tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm.

Thứ hai, yếu tố tích cực. Việc sử dụng Cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các thông tin đăng ký xe cơ giới, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lịch sử tai nạn giao thông có thể giúp các công ty bảo hiểm phân loại khách hàng tốt hơn.

Trong khi đó, Nghị định 03 cũng cho phép công ty bảo hiểm tăng phí tối đa 15% so với mức Bộ Tài chính quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình.

Điều này giúp các công ty bảo hiểm có thể tăng phí đối với các hợp đồng có rủi ro cao hơn thay vì áp dụng giá tương đương với tất cả các hợp đồng như trước đây.

“Chúng tôi ước tính các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng nhiều hơn vào lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022. Trong khi đó, các yếu tố tích cực cần thời gian để phản ánh vào lợi nhuận các công ty bảo hiểm”, SSI Research nêu.

Nhìn chung, SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2022 chậm lại đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ do mức so sánh cao trong 2021.

Mặc dù vậy, chúng tôi ước tính BVH tăng trưởng tương đối tốt ở mức 21%, do lợi nhuận thuần từ hợp đồng kinh doanh bảo hiểm có thể cải thiện nhờ mức tăng chậm lại của chi phí dự phòng toán học.

Lợi nhuận các công ty bảo hiểm phi nhân thọ biến động khá mạnh giữa các quý. Thế nhưng, do mức so sánh cao trong quý I/2021 và quý II/2021, SSI Research cho rằng mức tăng trưởng so với cùng kỳ có thể sẽ ở mức cao hơn trong quý II/2022.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-dau-tu-ngoai-rot-von-manh-tay-vao-nganh-bao-hiem-post178112.html