Nhà đầu tư nước ngoài hối thúc phê duyệt Quy hoạch điện VIII

Các doanh nghiệp, hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để 'dọn đường' co việc chuyển sang năng lượng xanh, sạch.

Nêu ý kiến tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chủ đề “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển” diễn ra sáng nay (17/9), nhiều đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải phê duyệt Quy hoạch điện VIII mới, minh bạch, hữu dụng, để “dọn đường” cho việc chuyển sang năng lượng xanh, sạch.

“Chúng tôi không muốn đặt gánh nặng lên nền kinh tế của Việt Nam cũng như làm giá điện ở Việt Nam tăng cao. Chúng tôi chỉ mong rằng chúng ta có một lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi năng lượng”, ông John Rockhold nói.

Vị đại diện Amcham cũng bày tỏ hi vọng Chính phủ có thể đưa đại diện khối tư nhân và đại diện khối ngân hàng vào tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển điện xanh và bền vững.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Amcham (Ảnh: Nhật Bắc)

Ông John Rockhold, Chủ tịch Amcham (Ảnh: Nhật Bắc)

Tiếp lời, Đại diện Eurocham cũng cho rằng, Quy hoạch điện VIII cần được phê duyệt càng sớm càng tốt, trong đó tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo ở mức tối đa.

“Để thu hút được đầu tư thế hệ mới và chất lượng cao, Việt Nam cần chú trọng xây dựng hạ tầng xanh nhanh chóng và hiệu quả”, vị này nói.

Ông cũng cho rằng, cần có chính sách để người sử dụng tiếp cận năng lượng sạch thông qua Hợp đồng mua bán điện trực tiếp và giảm bớt các rào cản hành chính đối với nhà máy năng lượng sạch, trong đó đặc biệt cần cởi trói về thủ tục cho các nhà cung cấp dịch vụ điện mặt trời mái nhà và bán điện trực tiếp cho khách hàng.

“Để phù hợp với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế của Việt Nam, cũng cần phải có chính sách đầu tư công bền vững trong một số lĩnh vực chính như: khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh giao thông đô thị, khoa học và công nghệ và chuyển đổi xanh”, đại diện Eurocham đề nghị. Ông cũng khẳng định, Eurocham mong muốn chung tay cùng Việt Nam để đạt được cam kết (đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào 2050 - PV) của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26.

Từ góc độ nhà đầu tư, ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam cho biết, điện gió ngoài khơi là nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, và cũng giống như tài nguyên dầu khí của Việt Nam, có thể mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể đồng thời giúp cung cấp lượng điện năng nội địa đáng tin cậy để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam.

Ông Sebastian Hald Buhl cho rằng, bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra hiện nay không phải là cuộc khủng hoảng năng lượng hóa thạch đầu tiên mà thế giới trải qua, và chắc chắn sẽ không phải là lần cuối. “Điện gió ngoài khơi lúc này sẽ là một trong những giải pháp giúp đa dạng hóa hệ thống năng lượng một cách hiệu quả về chi phí”, ông nói.

Vị đại diện Tập đoàn Ørsted khẳng định, điện gió ngoài khơi còn là nguồn điện đáng tin cậy. Do đó, tập đoàn này cũng đang hợp tác với xây dựng phát triển danh mục dự án hàng chục GW điện gió ngoài khơi tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình, TP. Hải Phòng.

Tập đoàn đang nỗ lực để có thể đưa vào hoạt động 2 GW điện gió ngoài khơi đầu tiên của các dự án này trước năm 2030. Mục tiêu này ước tính có thể mang lại 5,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và tạo ra khoảng 25.000 việc làm chất lượng cao.

“Là nhà đầu tư lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng các dự án khác phù hợp với các mục tiêu công suất đã đề ra trong dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII cho các năm 2035, 2040 và 2045”, ông Sebastian Hald Buhl nói.

K.T

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-hoi-thuc-phe-duyet-quy-hoach-dien-viii-d173641.html