Tư vấn, phản biện chính sách về quản lý nhãn hiệu tập thể và hỗ trợ khoa học - công nghệ
Ngày 26-12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện xã hội về các quy định quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và chính sách của tỉnh hỗ trợ chuyển giao khoa học và công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội thảo được tổ chức nhằm đóng góp ý kiến cho các khuyến nghị thuộc nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2024 đối với 2 lĩnh vực nêu trên. Theo đó, đến nay đã có trên 100 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được bảo hộ quyền sở hữu dưới các hình thức: Nhãn hiệu tập thể (NHTT), chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa. Nhờ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Để triển khai nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội về các quy định quản lý và phát triển NHTT đối với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức đánh giá vai trò của NHTT trong quản lý và phát triển các nông sản của địa phương; thực trạng quản lý, phát triển các NHTT và hệ thống chính sách đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; đồng thời đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách về NHTT nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và phát triển các sản phẩm nông nghiệp sử dụng NHTT.
Đối với nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội về các chính sách của tỉnh hỗ trợ chuyển giao KH&CN cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, việc thực hiện các chính sách về KH&CN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên.
Các đại biểu dự Hội thảo đề nghị cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách của tỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và cơ chế, chính sách của Nhà nước; đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển giao kiến thức KH&CN tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Từ đó hỗ trợ chuyển giao KH&CN, ứng dụng kết quả nghiên cứu và nhân rộng các mô hình KH&CN đã thử nghiệm có hiệu quả kinh tế - xã hội cao; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực KH&CN ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...
Các mục tiêu về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025: Xây dựng được ít nhất 1.000 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến trong các lĩnh vực KH&CN, trong đó có ít nhất 20% công nghệ cao; đào tạo ít nhất 1.500 kỹ thuật viên ở cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 60.000 lượt nông dân...