Nhà đầu tư Thái Lan mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Theo ông Praween Wirotpan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham), các nhà đầu tư Thái Lan đang tăng cường hoạt động tại Việt Nam thông qua đầu tư mới và mua bán - sáp nhập (M&A).

Ông Praween Wirotpan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham).
Ông có thể chia sẻ về dòng vốn đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam và “khẩu vị” của nhà đầu tư Thái Lan?
Thái Lan xếp thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt 14,3 tỷ USD tính từ năm 1988. Chúng tôi là nhà đầu tư lớn thứ hai tại ASEAN, chỉ sau Singapore.
“Khẩu vị” của nhà đầu tư Thái Lan rất đa dạng, chúng tôi đã thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngành sản xuất, chế biến, đến bán lẻ, điện, logistics, ngân hàng và nông nghiệp. Các doanh nghiệp Thái Lan cũng hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, vật liệu xây dựng, tài chính tiêu dùng, FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) và bất động sản công nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn như ThaiBev, C.P. Group, SCG, Bangkok Bank, KBank, Central Group, Amata đang hoạt động rất tốt tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Thái Lan mang đến kinh nghiệm và dòng vốn đầu tư chất lượng cao cho thị trường Việt Nam, với sự hiện diện của các thương hiệu đáng tin cậy thông qua sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp.
Việc mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan thời gian qua ra sao, thưa ông?
Doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục đẩy mạnh dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, cụ thể là xây dựng các khu công nghiệp của Amata và nhà máy sản xuất đồ ăn vặt tại Bình Dương, nhằm tận dụng cơ hội tại Việt Nam như một trung tâm sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Thái Lan tăng cường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như bán lẻ và khách sạn, để nắm bắt cơ hội từ dân số đông và tầng lớp trung lưu tăng. Các công ty thương mại lớn của Thái Lan cũng đang khám phá tiềm năng thị trường tiêu dùng Việt Nam.
M&A tại Việt Nam đang diễn ra khá sôi động, nhà đầu tư Thái Lan tận dụng cơ hội này thế nào?
Thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Thái Lan để trở thành đối tác tốt, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Cùng với sự ổn định chính trị, tỷ lệ lao động có tay nghề cao, khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và điều kiện đầu tư thuận lợi, Việt Nam còn nhiều dư địa hợp tác với Thái Lan trong các lĩnh vực như logistics, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ ô tô và bán dẫn.
Doanh nghiệp Thái Lan rất quan tâm đến M&A, trong năm 2024, chúng tôi dẫn đầu trong các hoạt động M&A tại Việt Nam. Nhiều thương vụ M&A nổi tiếng đã được doanh nghiệp Thái thực hiện như chuỗi siêu thị Big C, Nguyễn Kim, Sabeco, Nhựa Duy Tân, Nhựa Bình Minh… và đang phát huy hiệu quả tốt.
Sự năng động, tương đồng về văn hóa và đặc điểm con người của hai quốc gia giúp thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, mang lại kết quả tốt hơn.
Trong tương lai, thị trường Việt Nam còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Thái Lan không, thưa ông?
Trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn nhờ tình hình vĩ mô ổn định và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu đang gia tăng chi tiêu cho nhà ở chất lượng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hoạt động giải trí, điện tử và các sản phẩm có thương hiệu.
Dù vậy, trong ngắn hạn, Việt Nam gặp một số trở ngại cần vượt qua. Từ quá trình tái cấu trúc đang diễn ra, cải cách quy định có thể tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, nhưng có những chính sách và hướng dẫn không nhất quán cho các vấn đề cụ thể như thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, những bất ổn trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiềm ẩn sự cạnh tranh cao với các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là với xu hướng “xuất khẩu đường vòng” trên toàn cầu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-dau-tu-thai-lan-mo-rong-hoat-dong-tai-viet-nam-d278923.html